Những lưu ý giúp hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ

Những lưu ý giúp hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ
Hoa Kỳ là một hợp chủng quốc, rất đa dạng về thị hiếu và mức thu nhập, vì vậy hàng cao cấp đắt tiền cũng như hàng thấp cấp rẻ tiền đều có thể tiêu thụ tốt.

Các cơ quan quản lý Nhà nước của Hoa Kỳ như Hải quan, FDA... không kiểm soát chất lượng hàng cao hay thấp, tất cả đều do thị trường tự định giá. Họ chỉ quan tâm đến việc lô hàng phải thực hiện đúng các quy định về an toàn tiêu dùng, vệ sinh, môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn ngạch số lượng và các biện pháp chống khủng bố.

Thương hiệu nổi tiếng: Không quan trọng

Cùng loại hàng giống hệt nhau sản xuất tại Việt Nam, nếu gắn nhãn nổi tiếng sẽ bán được ở Mỹ với giá thành cao hơn rất nhiều so với giá thành nhập khẩu (NK). Nghĩa là, hàng chất lượng tốt mang nhãn của nước ngoài (dù không nổi tiếng ở Mỹ) vẫn sẽ bán được với giá thấp hơn và vẫn có lãi.

Trung Quốc chiếm 80% thị trường giày dép NK của Mỹ (trong tổng NK 15 tỷ USD/năm), đa phần nhãn mác không nổi tiếng và bán với giá rẻ.

Dạo qua các siêu thị bách hóa ở Mỹ, chúng ta sẽ thấy nhiều cửa hàng bán quần áo, giày dép và hàng tiêu dùng cao cấp với các nhãn hiệu nổi tiếng. Nhưng các tập đoàn siêu thị lớn nhất nước Mỹ như Wal-mart, Target, K-mart, J.C.Penny, Sears, Payles Shoes... lại bán hầu hết hàng hóa có nhãn mác không nổi tiếng.

Ngay tại New York, nhiều k hách hàng hỏi mua các loại hàng có nhãn mác không nổi tiếng, giá thành rẻ, mà chỉ có hàng Trung Quốc mới đáp ứng được và họ vô cùng thành công trong việc quảng bá thương hiệu của mình.

Thực tế, không hẳn Trung Quốc không sản xuất được các loại hàng cao cấp, mà đây là một trong những chiến lược của họ. Bằng giá rẻ làm cho thị trường tràn ngập hàng Trung Quốc, thống lĩnh thị trường hàng cấp trung bình trở xuống và chiếm đa số trong khu vực hàng cao cấp.

Vì vậy, ngay từ đâu, hàng hóa Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ bằng cả thương hiệu Trung Quốc không nổi tiếng ở Mỹ và thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, nếu cần họ mua đứt thương hiệu nổi tiếng để phát triển sản xuất và NK.

Với loại hàng hải sản, các bà nội trợ Mỹ phân biệt rõ và chọn mua tôm theo nhãn hiệu nổi tiếng được ghi trên bao gói, hay trên bảng giá. Với nhãn hiệu tôm Contesa chẳng hạn, thực chất là tôm Việt Nam hoặc Thái Lan đóng vào túi nilon, in nhãn hiệu từ nhà máy và NK đưa thẳng vào siêu thị thực phẩm Mỹ bán với giá cao hơn nhiều so với giá NK.

Các nhà nuôi cá catfish Mỹ kiện cá basa của Việt Nam, vì cá Việt Nam ngon hơn và rẻ hơn cá Mỹ, làm họ không bán được với giá cao hơn như trước đây, nên họ phải ra tay ngăn chặn.

Có thể nói, đối với thị trường Hoa Kỳ, giá cả chất lượng và thương hiệu đều quan trọng như nhau. Vấn đề nước sản xuất (xuất xứ) không quan trọng, miễn là giá rẻ, chất lượng tốt và người mua có thể trả lại hàng nếu không thấy thỏa mãn. Riêng máy và thiết bị kỹ thuật phải có thêm bảo hành và hậu mãi.

Thương hiệu gắn với giá cả, chất lượng

Hàng hóa nếu có thương hiệu nổi tiếng sẽ bán được nhiều hơn, với giá cao hơn. Hàng Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ không thể cạnh tranh giá với hàng Trung Quốc qua một số mặt hàng thấp cấp như quần áo, giày dép và các mặt hàng khác.

Vì thế Việt Nam cần phải tập trung vào mặt hàng trung, cao cấp và cạnh tranh bằng chất lượng và các nét độc đáo khác. Việc này trong thực tế cũng có nhiều khó khăn. Ví như đối với quần áo, giày dép, Việt Nam hầu hết làm gia công, tưởng được giá cao nhưng thường các Cty Mỹ và nước ngoài đặt hàng được hưởng lợi.

Các nhà máy của chúng ta bị ép lấy công làm lãi với giá rẻ, trong khi khách hàng lại khó tính và chúng ta phải đầu tư mua thiết bị đắt tiền, mất nhiều năm mới thu hồi vốn.

Khó khăn tiếp theo, ở Mỹ hầu hết người tiêu dùng đều chưa biết đến các thương hiệu hàng Việt Nam, hay nói cách khác, thương hiệu hàng Việt Nam chưa có tiếng tại Mỹ. Vì vậy, chúng ta chấp nhận làm hàng cho các thương hiệu nổi tiếng để nâng cao năng lực sản xuất và tăng kim ngạch, đồng thời tìm cách để tiến tới bán hàng bằng thương hiệu riêng của mình.

Thực tế, Việt Nam đã có nhiều thương hiệu tốt, nổi tiếng trong nước và có thể thâm nhập thị trường Hoa Kỳ, nhất là một số thương hiệu hàng thực phẩm như cà phê gói Vinacafe, Biên Hòa, Trung Nguyên, dứa hộp Vegetexco, tôm Minh Phú, Camimex, cá basa Agifish, mì ăn liền Vifon, sữa Vinamilk, bia 333, giày Bitis, áo sơ-mi Việt Tiến, May 10.

Nhiều mặt hàng trong số số trên đã có bày bán tại Hoa Kỳ với nhãn hiệu, thương hiệu phải đi đôi với chất lượng và quảng bá. Các thương hiệu nổi tiếng thế giới đều chi phí rất lớn cho quảng cáo. Vấn đề của Việt Nam là cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa, chú ý làm bao bì phù hợp và đúng quy định.

Để đưa thương hiệu hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Hoa Kỳ, cần nghiên cứu cách thức, chiến lược và có đầu tư thỏa đáng. Các doanh nghiệp đã có thương hiệu tốt cần mạnh dạn thuê quảng cáo, thuê tư vấn, thuê đại lý bán hàng (salemen) người Mỹ để quảng bá thương hiệu và phát triển thị trường tại Mỹ.

MỚI - NÓNG