Những thợ mỏ “khai sinh” Công ty than Vàng Danh

Những thợ mỏ “khai sinh” Công ty than Vàng Danh
55 năm trước, ngày 17/11/1961, Đoàn CNCB Hầm lò đầu tiên gồm 42 người được tuyển chọn từ nhiều nơi nhận nhiệm vụ về mỏ Vàng Danh thành lập đội Hầm lò số 1 để chuẩn bị cho việc khôi phục sản xuất mỏ từ hoang tàn do Pháp để lại. Vì thế họ được công nhận là những thợ lò - thợ mỏ “khai sinh” ra Mỏ than Vàng Danh sau hòa bình – Công ty Than Vàng Danh hôm nay.

Than Vàng Danh hình thành như thế!

Công ty CP than Vàng Danh hôm nay (Than Vàng Danh), tiền thân là Xí nghiệp Mỏ than Vàng Danh được thành lập ngày 06/6/1964 theo Quyết định của Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị. Là mỏ than hầm lò đầu tiên của ngành Than Việt Nam được Liên Xô trước đây giúp đỡ xây dựng trong kế hoạch 5 năm lần thứ I (1961-1965) và thực hiện Nghị quyết Đại hội III - tháng 9/1960 của Đảng. Đây cũng là một trong 22 công trình trọng điểm cấp Nhà nước khi đó. Ở thời điểm ấy, với dây chuyền công nghệ khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ trải dài trên 20 km, Mỏ Vàng Danh được xác định là mỏ than hiện đại nhất Việt Nam và cả xứ Đông Dương. Vị thế, tầm quan trọng của Than Vàng Danh đã được Bác Hồ khẳng định trong bài phát biểu tại cuộc mít tinh đón Người về thăm, chúc Tết Ất Tỵ nhân dân Uông Bí và CNCB Mỏ ở Uông Bí ngày 02/02/1965: “Kế hoạch xây dựng Mỏ Vàng Danh là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất của nước ta”.

Giai đoạn những năm 1960 đến năm 1989 của thế kỷ 20, ở Vàng Danh có 4 đơn vị là Ban kiến thiết Mỏ (Bên A), Xí nghiệp xây lắp Mỏ (Bên B) và Xí nghiệp Mỏ (Bên C) cùng Đoàn địa chất 909. Năm 1989, cả 3 đơn vị đều sáp nhập vào Xí nghiệp Mỏ - Mỏ than Vàng Danh. Trước năm 2007, Than Vàng Danh còn gồm cả Công ty Kho vận Đá Bạc. Từ năm 1958 đến cuối năm 1961, Vàng Danh có khoảng 500 CBCNV của nhiều đơn vị đến làm việc chuẩn bị cho quá trình khôi phục Mỏ. Chính đoàn CNCB hầm lò có mặt tại Mỏ ngày 17/11/1961 là lực lượng xung kích khôi phục đường lò, mở vỉa than mới vẫn được coi là những người đầu tiên “khai sinh” ra Mỏ Vàng Danh trong giai đoạn phát triển mới.

Sau hơn 3 tháng khắc phục gian khó, tích cực học tập kỹ thuật khoan nổ mìn, đào chống lò, mở vỉa mới từ các chuyên gia Liên Xô, ngày 24/2/1962 phát mìn đầu tiên đã được nổ ở Vỉa 5(3) của núi rừng Vàng Danh. Phát mìn như đánh thức Mỏ Vàng Danh sau hơn 10 năm im lìm trong hoang phế. Ông Lê Công Mận, thành viên của Đội Hầm lò số 1, người có vinh dự cho nổ phát mìn sáng 24 tháng 2 năm đó nhiều lần tâm sự: "Ngày ấy gian khổ đủ bề, nhưng anh em ai cũng phấn chấn và quyết tâm rất cao, chỉ mong đóng góp công sức nhanh chóng khôi phục sản xuất cho Mỏ. Sự có mặt của hàng trăm CBCN toàn khu Vàng Danh cùng với chuyên gia Liên Xô chứng kiến phát mìn nổ lịch sử ngày 24/02/1962 là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm thợ mỏ của tôi cùng đồng nghiệp”.

42 CNCB Đội Hầm lò số 1 của 55 năm trước, số đông nay không còn nữa. Nhưng trong quá trình công tác tại Mỏ họ luôn rèn luyện phấn đấu trở thành thợ bậc cao, công nhân mẫu mực, nhiều người là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của Than Vàng Danh.

Xứng danh công trình hữu nghị Việt Xô – Công trình trọng điểm cấp Nhà nước

Để xứng đáng với sự quan tâm mong muốn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời, hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ thợ mỏ với hơn 20 nghìn lượt người đã có mặt tại Vàng Danh luôn nêu cao tinh thần "Kỷ luật và đồng tâm", dũng cảm sáng tạo vượt khó xây dựng Than Vàng Danh từng bước phát triển vững mạnh toàn diện. Điều này được minh chứng qua sự tăng trưởng của các chỉ tiêu kinh tế xã hội, đặc biệt là chỉ tiêu về sản lượng sau mỗi kỳ kế hoạch, mỗi năm công tác và từng phong trào thi đua yêu nước.

Từ xuất phát điểm chưa có tên trong biểu đồ sản lượng của ngành Than những năm 60 của thế kỷ trước, bởi năm 1965, Mỏ mới sản xuất được chưa đầy 30 nghìn tấn than, không bằng 1% sản lượng toàn Ngành. 5 năm sau ngày thành lập, sản lượng mỏ mới vượt ngưỡng 100 ngàn tấn, xấp xỉ 2% tổng sản lượng chung. Nhưng Vàng Danh đã vượt qua bước khởi động đó một cách ngoạn mục để gia nhập CLB các đơn vị 1 triệu tấn/năm vào năm 2003. Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc này cùng quá trình 40 năm xây dựng và phát triển Mỏ của các thế hệ CBCNV, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Mỏ. Như được tiếp thêm sức mạnh, 3 năm sau, Than Vàng Danh phấn đấu vượt ngưỡng 2 triệu tấn/năm. Ngay năm tiếp theo - năm 2007, sản lượng mỏ vượt trên 3 triệu tấn. Từ đó đến năm 2015, qua 9 năm liên tục sản lượng mỏ đều đạt trên 3 triệu tấn/năm. Với tốc độ tăng trưởng sau 42 năm là hơn 100 lần và đóng góp cho Tập đoàn khoảng 8% tổng sản lượng hàng năm.

Những thợ mỏ “khai sinh” Công ty than Vàng Danh ảnh 1

Đ/c Phạm Minh Chính, BT Tỉnh ủy Quảng Ninh (nay là UV Bộ Chính trị, BT TW Đảng, Trưởng ban Tổ chức TW) thăm thợ lò Vàng Danh

Điều quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc hơn là nhờ sản xuất kinh doanh phát triển, Than Vàng Danh càng có điều kiện để đóng góp với Nhà nước, với cấp trên; tham gia các hoạt động xã hội xây dựng cộng đồng và phong trào chung của Tập đoàn cũng như địa phương được nhiều hơn. Thợ mỏ Vàng Danh sống nhân ái nghĩa tình hơn với đạo lý uống nước nhớ nguồn, luôn biết ơn những người đi trước, trong đó có Đội Hầm lò số 1 năm xưa. Từ nền tảng của Mỏ than Vàng Danh đã hình thành một cộng đồng dân cư công nghiệp - một khu đô thị mới mang tên Phường Vàng Danh ngày càng văn minh hiện đại. Xóa đi hình ảnh với những câu ca ai oán não nề xưa: “Ruồi vàng, bọ chó”, “Đi dễ khó về/ Khi đi trai tráng, khi về bủng beo” và “ Má hồng để lại, má xanh mang về”…

   

Nói đến sự phát triển của Than Vàng Danh còn một chiến công nổi bật nữa luôn được ghi nhận đánh giá cao, đó là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Từ chỗ phải đi xin hoặc chờ cấp trên điều động CBCN ưu tú tăng cường cho Mỏ, gần 30 năm nay Than Vàng Danh đã lo đủ đội ngũ CNCB chất lượng cao, hơn thế còn “xuất khẩu” nhiều cán bộ ưu tú. Điều đó thể hiện khi Liên Xô sụp đổ, chuyên gia về nước, CNCB mỏ không chỉ nhanh chóng làm chủ công nghệ nước bạn để lại mà còn chủ động hội nhập với nhiều nước có nền khai thác mỏ tiên tiến để phát triển theo yêu cầu CNH-HĐH. Đây là căn cơ của sự tăng trưởng nhanh và bền vững của Than Vàng Danh. Cùng với đó hàng chục cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn TKV, trong đó có cả những người đứng đầu đều đã bắt đầu lập nghiệp và trưởng thành từ Vàng Danh.

Tự hào về truyền thống 80 hào hùng của ngành Than, Thợ mỏ Quảng Ninh, thợ mỏ Vàng Danh càng phấn khởi tự hào vì đã luôn phấn đấu và có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của Ngành và tỉnh Quảng Ninh như lời Bác Hồ dạy.

Theo Theo Vinacomin
MỚI - NÓNG