Đắc Lắc vào vụ thu hoạch cà phê:

Niềm vui được mùa và nỗi lo chất lượng

Niềm vui được mùa và nỗi lo chất lượng
TP - Ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc vui mừng thông báo: Đắc Lắc hiện có diện tích cà phê lớn nhất nước với hơn 174.000 ha, trong đó có hơn 165.000 ha cà phê kinh doanh.

Xã Hoà Đông, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắc Lắc) là địa phương, thuộc diện có diện tích, sản lượng cà phê lớn nhất của tỉnh Đắc Lắc.

Mùa thu hoạch năm nay đối với người dân Hòa Đông là dịp lễ hội kéo dài, bởi niềm vui cà phê được mùa, được giá.

Anh Trần Hữu Thái, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết: xã có 3.670 ha, trong đó diện tích cà phê nhân dân là gần 1.300 ha, còn lại do Cty Cà phê Thắng Lợi và Nông trường Cà phê Cư Pul quản lý.

Xét về tỷ lệ, Hòa Đông có diện tích cà phê tính trên hộ gia đình, thuộc loại cao nhất tỉnh Đắc Lắc. Nói Hòa Đông là xã độc canh cây cà phê cũng chẳng sai.

Năm nay, năng suất cà phê bình quân đạt từ 3 tấn đến 3,5 tấn nhân/ha, Hòa Đông sẽ đạt sản lượng gần 5.000 tấn với mức cao nhất từ trước đến nay.

Dọc hai bên Quốc lộ 26, từ thành phố Buôn Ma Thuột đến huyện Krông Pác là bát ngát màu xanh của cà phê với quả chín trĩu cành.

Không riêng gì xã Hòa Đông, những ngày này đến các vùng chuyên canh cà phê của Đắc Lắc đều cảm nhận được không khí rộn ràng, vì cà phê được mùa, trúng giá.

Trong cuộc tiếp xúc mới đây với phóng viên, ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc vui mừng thông báo: Đắc Lắc hiện có diện tích cà phê lớn nhất nước với hơn 174.000 ha, trong đó có hơn 165.000 ha cà phê kinh doanh.

Dù trong các đợt lũ lụt vừa qua, tỉnh có hơn 4.000 ha cà phê bị thiệt hại, nhưng dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2007 - 2008 vẫn đạt khoảng 400.000 tấn cà phê nhân.

Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu của sản phẩm này chỉ đứng hàng thứ 5. Nguyên nhân là do chất lượng cà phê Việt Nam kém.

Lý giải điều này, ông Trần Quốc Thích, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Đắc Lắc  cho biết: tại Đắc Lắc, hiện nay 80% số diện tích trồng cà phê là do nhân dân quản lý. Trong khi đó, việc thu hái cà phê, khi quả còn xanh đã trở thành thói quen của người trồng cà phê.

Tỷ lệ quả chín khi thu hoạch chỉ đạt khoảng 65%. Cũng khó quản lý việc thu hái quả của người trồng cà phê, bởi họ phải bảo vệ tài sản của mình trước nạn “đạo chích” cà phê vẫn hoành hành lâu nay.

Mặt khác, việc lạm dụng quá nhiều phân bón hóa học, chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật… nhằm làm tăng “nóng” năng suất cà phê trên một đơn vị diện tích, việc này góp phần làm cho chất lượng cà phê trên địa bàn tỉnh giảm xuống.  

MỚI - NÓNG