Chương trình hợp tác trồng dứa cayen ở Lâm Đồng:

Nông dân thiệt đơn, thiệt kép

Nông dân thiệt đơn, thiệt kép
Cây dứa cayen  là một trong những chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng quan trọng ở Lâm Đồng trong vài năm qua.Thế nhưng chương trình này đang đứng bên bờ vực… phá sản. Còn những nông dân (ND) ký hợp đồng với Cty Grainco thì trở thành những con nợ. Đâu là nguyên nhân ?
Nông dân thiệt đơn, thiệt kép ảnh 1
Hộ ông Đoàn Văn Thạch trồng dứa đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn lỗ

Chương trình trồng cây dứa cayen  được triển khai tại ba huyện có khí hậu thổ nhưỡng được coi là phù hợp gồm: Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương. Riêng huyện Đức Trọng  có diện tích dứa cayen nhiều nhất, hơn 110ha. Ông Phan Văn Báu – Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Đầu năm 2003, Cty xuất nhập khẩu ngũ cốc Grainco – thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Bộ NN&PTNT) kí hợp đồng với ND Đức Trọng thông qua những hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX) để xây dựng vùng nguyên liệu  dứa cayen.

Sau hai năm triển khai thực hiện, theo đánh giá chung, người ND hầu như đều bị thua lỗ. Qua phản ánh của bà con thì do công ty không thực hiện đúng hợp đồng. Còn đại diện của công ty cho rằng, ND vi phạm hợp đồng và bán sản phẩm ra ngoài. HTX Thanh Bình 1 thuộc xã Bình Thạnh, Đức Trọng – một trong những đơn vị điển hình lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan với chương trình trồng cây dứa cayen…

Ông Nguyễn Văn Chính,  Phó chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, trao cho chúng tôi xem những bản hợp đồng trồng dứa cayen mà ND ký với Cty Grainco và bày tỏ bức xúc: Hầu hết diện tích đất mà công ty kí hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu đều thuộc diện không chủ động được nguồn nước tưới. 

Theo hợp đồng, bên A (Cty) đầu tư mọi vật tư nông nghiệp có tính lãi 0,85%, lãi tính từ lúc kí hợp đồng và lãi lũy tiến vào nợ gốc! – giống, phân bón, hỗ trợ kĩ thuật và tiêu thụ sản phẩm, gồm dứa quả và chồi dứa.  Riêng giống, ông Chính và ông Trần Mạnh Hùng, Chủ nhiệm HTX Thanh Bình 1 khẳng định – Cty đã chuyển giao không đúng thời gian quy định.

Thay vì đầu mùa mưa (tháng 4 - 5 như thỏa thuận hợp đồng và cũng là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống) thì mãi đến tháng 8 – 9, thậm chí đến tháng 10 – cuối mùa mưa – ND mới nhận được giống. Khi đó, không những tỉ lệ sống rất thấp mà còn tác hại đến khả năng sinh trưởng của cây. Phân bón lại càng nhiêu khê hơn. Hầu hết ND trồng dứa cả năm sau mới nhận được phân!

“Còn việc Cty cho rằng ND bán sản phẩm ra ngoài?”, ông Chủ nhiệm HTX cho biết: “Quy cách Cty thu mua là quả phải chín từ 2 – 4 mắt. Nhưng với những nguyên nhân vừa nêu trên thì tất cả vườn dứa của HTX đều không đạt yêu cầu. Nếu chờ sản lượng quả đạt yêu cầu của Cty trong mỗi vườn  chiếm tỉ lệ chỉ tương đối thôi thì ND nắm chắc phần lỗ.

Vì thế một số hộ  “xót của” bán cho tư thương còn hầu hết ND đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” nửa bán cho Cty nửa bỏ mặc không thu hoạch. Cụ thể, đợt 1 năm 2004 Cty chỉ thu mua 29 tấn quả, còn lại hơn 10 tấn ND phải bỏ vì bán rẻ cũng không ai mua”.

Đạt năng suất cũng lỗ và nợ

Để chứng minh những thiệt hại mà ND phải “lãnh đủ”, ông Hùng đưa chúng tôi xuống nhiều hộ ND trồng dứa. Anh Trần Quang Vinh hợp đồng với Cty trồng 2000m2 dứa nhưng hiện diện tích này đã bị “xóa trắng”. Anh phẫn uất: “Tôi kí hợp đồng với Cty vào đầu mùa mưa. Họ đã rõ đất tôi không có khả năng tưới tiêu nhưng chờ mãi đến đầu mùa nắng Cty mới giao giống!

Cả thảy 10.000 cây giống với đơn giá 886đ/chồi. Lỡ leo lưng cọp, tôi buộc phải vay mượn khắp nơi và tìm mọi cách để  trồng ruộng dứa. Nay đành lực bất tòng tâm, đành nhìn dứa chết dần, chết mòn”. Vì thế mà từ 1 ND nghèo, anh Vinh thành con nợ của Cty Grainco ! Chưa tính công sức, vốn tự đầu tư, riêng tiền giống và lãi suất triền miên vị chi anh nợ Cty trên 20 triệu đồng. Hộ mất thì thế còn hộ có thu hoạch dứa dù đạt cũng không hơn gì.

Hộ ND có năng suất đạt nhất HTX Thanh Bình 1, ông Đoàn Văn Thạch – Chủ tịch HĐND xã – đưa chúng tôi xem một tập giấy ghi chép cụ thể từng khoản tự đầu tư từ khi kí hợp đồng với Cty 5000m2 dứa  (Hợp đồng kí ngày 16/5/2003). Vườn dứa của ông gần nguồn nước,  gia đình cũng có chút vốn liếng nên ông Thạch dốc hết đầu tư trồng dứa. Năng suất cả 3 đợt thu năm 2004 của ông đạt 12.765kg.

Trớ trêu ở chỗ, chưa kể tiền các khoảng tự đầu tư hết gần 20 triệu nhưng sau khi bán dứa ông Thạch vẫn còn nợ Cty số tiền 15.618.000đ. Cộng thêm khoản nợ bị tính lãi lũy tiến chẳng biết khi nào ông trả nổi! Đưa chúng tôi đi xem 2 vườn dưa, vợ ông Thạch bức xúc: “Tất cả ND HTX Thanh Bình 1 đều trở thành con nợ  của công  ty. Cần rõ thêm  mục 2 điều III của hợp đồng  quy định: Cty mua lại chồi của ND, vụ 1 là 2 chồi (chồi nách và cuống) quy ra 1 ha Cty phải mua 100 ngàn chồi với giá 150đ/ chồi. Vụ 2 mua theo thỏa thuận. Nhưng Cty chưa bao giờ thực hiện. ND đành vứt bỏ chồi dứa cayen”.

Lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng cũng thừa nhận phản ảnh của bà con ND là đúng. Theo ông Phan  Văn Báu – PCT huyện thì cần phải đánh giá, điều chỉnh xung quanh bản hợp đồng giữa ND và Cty để đôi bên cùng có lợi, thế nhưng từ khi xảy ra vướng mắc phía Cty Grainco chưa có một cuộc làm việc chính thức nào với huyện Đức Trọng.

Tương tự như ND xã Bình Thạnh, rất nhiều hộ ND xã Phú Hội khi dẫn chúng tôi đi thực tế những vườn dứa đã phá bỏ hoặc không còn thiết tha chăm sóc hay đang chuẩn bị phá bỏ đều bày tỏ nỗi bức xúc mà họ phải gánh chịu.  Ông  Võ Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND xã Phú Hội cho biết: “Hiện 40 hộ ND xã Phú Hội thuộc chương trình dứa cayen  đã trở thành con nợ của Cty Grainco với số tiền 1,3 tỉ đồng”.

Ông Bùi Sĩ Thưởng – Phó Bí thư thường trực huyện Đức Trọng  cho rằng: “Cần xem lại từng vai trò trong mối liên kết “4 nhà” qua chương trình dứa cayen. Qua tham khảo  những bản  hợp đồng mà ND Đức Trọng phản ảnh với Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng  thì ở đây, nhà  doanh nghiệp  đảm nhiệm cả vai trò nhà khoa học (chuyển giao kỹ thuật).

Nhưng theo tôi được biết: Không có cán bộ kĩ thuật nào của Cty giám sát quy trình trồng dứa của bà con ND. Nhà  nước  – cụ thể là phòng NN - ĐC – lại đóng  vai trò “cai đầu dài”. Không nên vì chủ quan mà Nhà nước lại góp sức đem nông dân “bỏ chợ”.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.