Ông Chiến “bò” và nông trường “tỷ phú”

Chủ tịch Mocchaumilk Trần Công Chiến (bên trái) nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước.
Chủ tịch Mocchaumilk Trần Công Chiến (bên trái) nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước.
TP - Luôn nhận mình là một người chăn bò thực thụ, nên ông thích cái tên dân dã -Chiến “bò” khi nói về mình. Với niềm đam mê và cách làm sáng tạo, ông đã giúp nhiều hộ nông dân từ hai bàn tay trắng, thành những tỷ phủ trên thảo nguyên Mộc Châu (Sơn La). Ông là Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mocchaumilk).

Sáng tạo, táo bạo

Lên Mộc Châu những ngày giữa tháng 10, một không khí rộn ràng của Hội thi “Hoa hậu bò sữa” khiến rất nhiều du khách trong nước và quốc tế thích thú, tò mò. “Cha đẻ” của hội thi độc đáo, một thứ đặc sản trên nông trường bò sữa Tây Bắc nổi tiếng khắp cả nước hơn 10 năm qua, không ai khác chính là ông Chiến.

Với những đóng góp làm nên thành công của Mocchaumilk cũng như ngành chăn nuôi bò sữa thời gian qua, dịp hội thi năm nay, tập thể Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, cũng như cá nhân ông Chiến vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng.

Ông Chiến nói rằng, ở Mộc Châu, nếu mất đi cây chè, con bò sữa và sương mù, sẽ không còn là Mộc Châu nữa! Với nhiều đổi mới sáng tạo, táo bạo mang tính chiến lược, ông Chiến “bò” đã biến những lợi thế của vùng thảo nguyên trên 1.000m so với mực nước biển, thành một trong những trung tâm chăn nuôi bò sữa lớn nhất cả nước.

Ông Chiến chính là người ủng hộ mạnh mẽ nhất quyết định chuyển từ chăn nuôi tập trung bao cấp sang mô hình khoán hộ giai đoạn 1989-1990. Để rồi, đến nay, đây cũng là mô hình chăn nuôi bò sữa theo nông hộ được đánh giá thành công nhất ở Việt Nam- yếu tố quan trọng giúp Mocchaumilk đứng vững và phát triển mạnh như hôm nay.

Một dấu ấn đột phá khác của ông Chiến là tiên phong thực hiện bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm giá sữa, giúp người chăn nuôi liên kết chặt chẽ với công ty. Trong khi cả nước đang loay hoay với bảo hiểm nông nghiệp (trong đó có bảo hiểm vật nuôi), thì ông Chiến đã triển khai thành công hơn chục năm qua.

Không ít người ví von mô hình của ông Chiến là “cây gậy thần” của người nông dân. Đến nay, 100% các hộ nuôi bò đều tham gia bảo hiểm. Theo các chuyên gia, điều khác biệt về mô hình bảo hiểm ở Mộc Châu là do nông dân đóng góp và tự quản lý, nên rất rõ ràng, minh bạch, tạo lòng tin rất tốt với người chăn nuôi.

Hiện tổng quỹ bảo hiểm bò sữa và giá sữa đã hơn 20 tỷ đồng. Trong lúc vốn này nhàn rỗi, nguồn này cho công ty vay sản xuất và trả lãi suất mức bằng với ngân hàng. Ông Chiến kỳ vọng, tới đây sẽ tăng quỹ bảo hiểm nhiều hơn, giúp bà con nông dân vững tin hơn.

Nông trường “tỷ phú”

Khoảng 5 năm qua là giai đoạn trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của Mocchaumilk về mọi mặt. Đàn bò sữa đã tăng khoảng 10.000 con, từ gần 8.000 con (2010) lên trên 18.300 con (năm 2015) và hiện đã hơn 20.000 con.

Với nhiều chính sách hỗ trợ từ công ty, đến nay, nhiều hộ chăn nuôi ở thị trấn Nông trường đã tích cực mở rộng quy mô đàn, cho thu nhập 50-80 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều hộ trên 100 triệu đồng/tháng. Số lượng tỷ phú chăn bò ngày càng nhiều trên nông trường.

Anh Nguyễn Văn Hải (tiểu khu Vườn đào, thị trấn Nông trường), quê ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) lên Mộc Châu lập nghiệp từ năm 2003. Nhờ công ty hỗ trợ, mỗi năm anh đều tăng đàn bò của gia đình. Hiện đàn bò nhà anh Hải đã 80 con, trong đó 37 con vắt sữa. Với sản lượng khoảng 9 tạ sữa/ngày, trừ chi phí, mỗi tháng anh cũng thu về trên 100 triệu đồng.

Hay như hộ anh Nguyễn Văn Quang, ở đơn vị 85 (thị trấn Nông trường)- hộ nuôi bò sữa lớn nhất ở Mộc Châu với 200 con. Với khoảng 90 con cho sữa (khoảng 1,9 tấn/ngày), gia đình anh Quang “đút túi” cỡ 150-200 triệu đồng/tháng.

Rất nhiều hộ chăn nuôi khác như hộ ông Phan Doãn Hiệp (đơn vị 26/7), chị Lê Thị Hoa (đơn vị Vườn đào 1), anh Dương Văn Nội (tiểu khu 70)… đều là những hộ có lãi ròng 100 - 200 triệu đồng/tháng từ bò sữa.

Ngoài ra, ông Chiến cũng đẩy mạnh chủ trương “thức ăn vào công ty, bò sữa ra ngoài công ty”, liên kết với nông dân trồng ngô làm thức ăn ủ ướp cho bò.  Với mức thu nhập “ăn đứt” so với trồng ngô lấy hạt, hiện diện tích liên kết trồng ngô ủ ướp đã lên đến hàng nghìn hécta, cung cấp khoảng 60% (130-140 nghìn tấn) ngô ủ ướp trong năm 2016.

Tới đây, Mộc Châu sẽ tiếp tục cải tiến quy trình chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng năng suất sữa tươi, nâng từ 7,4 tấn lên 8 tấn/chu kỳ trong 5 năm tới. Cùng với đó, Mocchaumilk tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nhân lực về chăn nuôi, thú y, dinh dưỡng, quản trị, áp dụng các chính sách bảo hiểm vật nuôi, giá sữa…

Mocchaumilk sẽ tăng quy mô đàn từ 35con/hộ hiện nay lên 45-50 con/hộ, trong đó khoảng 30% nhóm hộ nuôi quy mô lớn 100-200 con/hộ; đồng thời nâng tổng đàn trên 20.000 con hiện nay lên khoảng 35.000 con thời gian tới. Ngoài ra, công ty cũng xác định phải đa dạng hóa các sản phẩm sữa bán ra thị trường, trong đó Mocchaumilk sẽ tiến tới sản xuất sữa hữu cơ.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...