Phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận tài chính toàn diện qua Lienvietpostbank

Phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận tài chính toàn diện qua Lienvietpostbank
Nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng chính thống, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam để triển khai 1 chương trình thử nghiệm về việc tiếp cận sản phẩm Thẻ phi vật lý Ví Việt của LienVietPostBank.

Chương trình thử nghiệm này được tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đề nghị LienVietPostBank tham gia trong khuôn khổ Dự án “Liên kết vì tài chính toàn diện cho phụ nữ dân tộc thiểu số” (FinLINK) hiện nay do CARE tại Việt Nam triển khai với sự tài trợ từ Visa Inc. Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ ngân hàng chính thống thông qua nền tảng điện thoại di động.

Chương trình hợp tác giữa LienVietPostBank và CARE Quốc tế tại Việt Nam dự kiến thí điểm từ tháng 9/2017 đến tháng 12/2017 tại tỉnh Điện Biên, sau đó sẽ mở rộng nếu đạt được lợi ích xã hội của cả hai bên về mở rộng việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống, gia tăng năng lực tiết kiệm và kinh doanh cá nhân cho nhóm khách hàng là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Theo Biên bản ghi nhớ ký kết giữa CARE Quốc tế tại Việt Nam và LienVietPostBank, hai bên sẽ chọn lọc, đào tạo, hướng dẫn 6 Nhóm cổ phần tài chính tự quản (CPTCTQ) tại 2 xã Thanh Nưa và Hua Thanh, tỉnh Điện Biên (cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 10km về phía Tây) sử dụng Ví Việt phục vụ cho các mục đích như: mua bán cổ phần trong nhóm, chuyển tiền, cho vay, huy động, và các tiện ích khác. Tại 2 xã hiện đang có hơn 30 nhóm CPTCTQ gồm 900 thành viên là người dân tộc Thái có thu nhập thấp và không ổn định (từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng). Theo cuộc khảo sát của LienVietPostBank và CARE Quốc tế tại Việt Nam vào tháng 8/2017 tại 2 xã trên, thành viên các nhóm CPTCTQ đã thành thạo  với hình thức tiết kiệm và cho vay tự quản.

Nhóm CPTCTQ là một tập hợp từ 15 đến 30 thành viên (chủ yếu là phụ nữ) thực hiện gửi tiền tiết kiệm đều đặn thông qua mua cổ phần tại các cuộc họp định kỳ. Tiền tiết kiệm được giữ trong một hòm kim loại có 3 khóa. Khoản tiền tiết kiệm này được dùng cho các thành viên vay với mức lãi suất được thống nhất từ trước để phát triển sinh kế, đầu tư kinh doanh và các khoản chi khác. Tại Việt Nam, đã có 1.500 nhóm CPTCTQ gồm khoảng 28.000 thành viên, trong đó, tỉnh Điện Biên có 111 nhóm gồm khoảng 3.000 thành viên. Đây là mô hình tài chính vi mô mà CARE Quốc tế nghiên cứu và thử nghiệm thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại các lợi ích rõ rệt cho các thành viên của nhóm: Tăng khả năng giữ tiền mặt an toàn thông qua các sản phẩm tiết kiệm, thu lợi nhuận trên khoản tiết kiệm của mình, có cơ hội tiếp cận với các khoản vay lớn và dài hạn hơn, mức rủi ro thấp nhờ tính kỷ luật của nhóm tự quản.

Hai xã Thanh Nưa và Hua Thanh có một số điểm bán hàng lớn, có thể trở thành điểm giao dịch Ví Việt. Thông qua Ví Việt, thành viên nhóm có thể thực hiện giao dịch nội bộ nhóm như mua cổ phần, vay vốn nội bộ, thanh toán, và thực hiện giao dịch chuyển tiền giữa các cá nhân trong và ngoài nhóm.

Với LienVietPostBank, Chương trình này sẽ gia tăng lượng khách hàng Ví Việt tại các vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ phát triển các điểm giao dịch Ví Việt; đồng thời có ý nghĩa truyền thông tích cực vì chứng minh thực tế người dân tộc thiểu số có thể sử dụng Ví Việt, qua đó khẳng định danh tiếng của LienVietPostBank như ngân hàng tiên phong phát triển ví điện tử cho khách hàng đại chúng, "Ngân hàng của mọi người".

Ngoài ra, Chương trình này cũng là sự bổ trợ với Dự án "Ví Việt - Giải pháp toàn diện cho phụ nữ Việt Nam" được LienVietPostBank triển khai từ cuối năm 2016.

CARE Quốc tế tại Việt Nam, gọi tắt là CARE Việt Nam là một tổ chức phi chỉnh phủ hoạt động trong nhiều lĩnh vực bao gồm phát triển nông thôn và sinh kế, chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, cứu trợ khẩn cấp, nước sạch, vệ sinh môi trường và bình đẳng giới. Chiến lược của CARE Việt Nam tới năm 2020 là tăng cường tiếng nói phụ nữ, nâng quyền phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế và chấm dứt bạo hành trên cơ sở giới.

Dự án Liên kết vì tài chính toàn diện cho phụ nữ dân tộc thiểu số(FINLINK) là một trong các sáng kiến của CARE Việt Nam hướng tới việc nâng cao khả năng tiếp cận của phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các sản phẩm dịch vụ tài chính chính thống.

Tài chính toàn diện là một trong những trọng tâm chương trình giúp CARE hiện thực hóa mục tiêu tới năm 2020 có thể giúp 30 triệu phụ nữ trên toàn cầu tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực kinh tế. Tại Việt Nam, CARE áp dụng mô hình thành lập các nhóm Cổ phần Tài chính tự quản (CPTCTQ), giáo dục tài chính và kết nối các nhóm này với dịch vụ ngân hàng chính thống. Mô hình này đã được áp dụng từ năm 2008 cho các phụ nữ nghèo ở cả đô thị và nông thôn. Các đối tác của CARE cũng chủ động nhân rộng mô hình này trong các dự án của họ. Cho tới thời điểm này, CARE đã thành lập hơn 550 nhóm CPTCTQ với hơn 14,000 thành viên ở khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là mô hình được chứng minh hiệu quả trong việc nâng cao kiến thức, tiếng nói, sự tự tin và tham gia của phụ nữ nghèo trong các hoạt động cộng đồng. Nhân rộng mô hình nhóm TCTQ là bước khởi đầu quan trọng hướng tới tài chính toàn diện và giúp phụ nữ thoát nghèo.

Visa là công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới. Sứ mệnh của Visa là kết nối thế giới thông qua mạng lưới thanh toán hiện đại, an toàn và đáng tin cậy; từ đó tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển.

Thẻ phi vật lý Ví Việt (gọi tắt là Ví Việt) là Sản phẩm dịch vụ của LienVietPostBank đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai kinh doanh dịch vụ từ tháng 8/2016.

MỚI - NÓNG