Sử dụng điện hiệu quả: 'Nâng bước' tôm xuất khẩu

Sử dụng điện hiệu quả: 'Nâng bước' tôm xuất khẩu
TP - Suốt 20 năm qua, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Tập đoàn Minh Phú) liên tục đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản đứng đầu cả nước.

Ông Thái Hoàng Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú bật mí:“Đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại thân thiện môi trường, tiết kiệm điện năng, chi phí vận hành thấp, hiệu suất sử dụng cao, cho ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng”.

Cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Minh Phú theo dõi bảng điều khiển quản lý, sử dụng điện năng có hiệu quả
Cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Minh Phú theo dõi bảng điều khiển quản lý, sử dụng điện năng có hiệu quả.

Lợi tiền tỷ từ đèn led

Năm 2010, Tập đoàn thủy sản Minh Phú sản xuất chế biến 23.471 tấn tôm xuất khẩu, mang về 248 triệu USD, năm 2011 sản xuất 27.178 tấn, kim ngạch xuất khẩu 334, 38 triệu USD và năm 2012 sản xuất 20.484 tấn, kim ngạch xuất khẩu 337,5 triệu USD.

Cụm Công ty chế biến thủy sản của Cty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Tập đoàn Minh Phú), tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) với qui mô lớn, qui trình sản xuất chế biến khép kín, hệ thống phân xưởng sản xuất chế biến, kho bãi liền kề giúp sử dụng nguồn điện có hiệu quả.

Giống như gần 40 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Cà Mau, Tập đoàn Minh Phú dùng đèn huỳnh quang, có tuổi thọ ngắn, không phù hợp với môi trường chế biến thủy sản ẩm ướt. Kể từ năm 1999, Minh Phú mạnh dạn đầu tư thay đổi thiết bị hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm điện trong quá trình vận hành sản xuất. Chỉ tính riêng 4.000 bóng đèn led chiếu sáng 30.000 m2 nhà xưởng đã mang lại hiệu ứng tích cực cho hệ thống thiết bị sử dụng điện trong sản xuất chế biến tôm xuất khẩu.

Kỹ sư Mã Quốc Thịnh, phụ trách kỹ thuật tính toán: Khoảng 4.000 bóng đèn led có vốn đầu tư 2 tỷ đồng, mỗi tháng tiêu thụ điện năng 565.440 Kw và tiền điện chi trả tiền điện hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng cùng lượng bóng đèn huỳnh quang kể trên, đầu tư chỉ 220 triệu đồng, nhưng lượng điện tiêu thụ mỗi tháng là 1.751.040 Kw và số tiền phải trả 3,1 tỷ đồng.

Kỹ sư Mã Quốc Thịnh khẳng định: “Chi phí đầu tư đèn led khá cao nhưng khoảng 12 tháng hoàn vốn nhờ tiêu thụ điện năng ít. Sau khi hoàn vốn, mỗi năm sử dụng đèn led tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng tiền điện”.

Ông Thái Hoàng Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho biết thêm: “Ngoài việc tiết kiệm điện năng trị giá hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Đèn led vừa tiết kiệm điện năng, giảm chi phí điện cung cấp máy điều hòa, chi phí bảo hành bảo dưỡng thấp, tuổi thọ 50.000 giờ. Trong môi trường sản xuất chế biến, đèn huỳnh quang sử dụng hơn 1 tháng đã phải thay thế”.

Hệ thống phân xưởng sản xuất, khu vực cấp đông, kho hàng…của Tập đoàn Minh Minh phải được điều hòa nhiệt độ thích hợp cho từng công đoạn trong toàn bộ qui trình sản xuất chế biến thủy sản xuất khẩu. Trần phân xưởng sử dụng pi-nen cách nhiệt để giữ nhiệt độ, đèn led tỏa nhiệt ít nên giảm tiêu thụ điện năng cho máy điều hòa giảm rất lớn.

Ông Thái Hoàng Hùng cho biết, tuổi thọ đèn led cao, hầu như không phải sửa chữa, bảo hành, thay thế nên hoạt động sản xuất không bị gián đoạn. Toàn bộ nhà xưởng được trang bị đèn led không phải ngưng sản xuất, bị cản trở hàng loạt công đoạn trong qui trình sản xuất khép kín ngành chế biến thủy sản”.

Việc quản lý nguồn điện được thực hiện bằng hệ thống máy tính. Anh Nguyễn Thanh Tú, cán bộ phụ trách điện của Tập đoàn chi vào màn hình vi tính quản lý điện năng đặt tại Phòng kỹ thuật nói: “Thông qua màn hình này để biết hệ số cos fi, điện năng tiêu thụ, nhiệt độ, áp suất…để điều chỉnh hệ thống, sử dụng điện có hiệu quả, an toàn cho sản xuất”.

Công nhân thủy sản Minh Phú sản xuất tôm xuất khẩu
Công nhân thủy sản Minh Phú sản xuất tôm xuất khẩu.

Công nghệ xanh, thân thiện môi trường

Năm 2006, Tập đoàn Minh Phú phát triển sản xuất, kinh doanh khép kín. Từ tổ chức sản xuất con giống chất lượng cao, chế phẩm sinh học, nuôi tôm thương phẩm và chế biến xuất khẩu với 9 công ty thành viên ở Cà Mau, Kiên Giang, Ninh Thuận, Vũng Tàu...

Ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho biết: “Đầu tư thiết bị hướng đến năng lượng xanh, thân thiện môi trường và phát triển sản xuất bền vững là bí quyết của Tập đoàn thủy sản Minh Phú”.

Các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Phú, Minh Phát, Minh Qúi và Hậu Giang đã được đầu tư 11 bằng chuyền IQF siêu tốc với thời gian cấp đông 4-5 phút, thay cho băng chuyền có thời gian cấp đông 14-15 phút. Băng chuyền siêu tốc có thời gian cấp đông nhanh, tỉ lệ hao hụt thấp , chất lượng thanh phẩm cao và tiết kiệm năng lượng khoản 30% .

Theo tính toán thực tế, băng chuyền IQF thế hệ cũ tiêu hao năng lượng điện 360kw/ tấn thành phẩm thì băng chuyền IQF siêu tốc chỉ tiêu thụ 250 kw/tấn thanh phẩm, tỉ lệ hao hụt không đáng kể, năng xuất tăng lên nhiều lần mỗi.

Hệ thống nhà xưởng được trang bị đèn led tiết kiệm điện năng
Hệ thống nhà xưởng được trang bị đèn led tiết kiệm điện năng.

 Bài toán đầu tư không phải giá thành thiết bị bao nhiêu mà là giá trị thiết bị tốt, chi phí vận hành thấp, hiệu quả sử dụng để cho ra sản phẩm tốt 

Tại Công ty sản xuất tôm giống chất lượng cao Ninh Thuận, Tập đoàn Minh Phú đầu tư hệ thống điện mặt trời thay cho sử dụng điện, chất đốt đã đem lại hiệu quả sản xuất và giảm chi phí trong quá trình sản xuất. Với mức đầu tư 300 triệu đồng, hệ thống ống thu nhiệt ánh sáng mặt trời có kích thức 1,8 m, đường kính 0,1 m có thể nâng 5 m3 tăng lên 10 C để hòa vào nước phù hợp cho tôm giống.

Ông Chu Văn An nói: “Chúng tôi không tính toán cụ thể chi phi tiêu hao điện hoặc chất đốt để làm nóng môi trường nước tương tự như hệ thống thu nhiệt mặt trời nhưng hệ thống tự động hóa, thân thiện với môi trường và giảm sức lao động nặng nhọc, độc hại của người lao động”.

Không những đặc biệt quan tâm và mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm điện, mang hiệu quả trong quá trình chế biến tôm xuất khẩu, Tập đoàn Minh Phú còn giáo dục cho người lao động ý thức tiết kiệm điện mang lại hiệu quả cho chính bản thân người lao động. Cán bộ quản lý từng khâu, từng công đoạn, từng phân xưởng phải tắt điện chiếu sáng, máy điều hòa, thiết bị sử dụng điện không còn sử dụng.

Anh Nguyễn Văn Tiện, cán bộ bảo vệ Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết: “Ngoài việc cán bộ quản lý, công nhân tắt điện khi không làm việc thì bảo vệ phải kiểm tra và chủ động tắt điện khi phân xưởng, khu vực không còn làm việc, không cần sử dụng điện nữa”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG