Sữa Mộc Châu cạnh tranh với sữa 'Tây'

Sữa Mộc Châu cạnh tranh với sữa 'Tây'
TPO - Trước khi cổ phần hoá, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) - một doanh nghiệp nhà nước - hoạt động cầm chừng, hiệu quả không cao. Từ khi  cổ phần hoá (năm 2005) đến nay, tình thế đã khác đến không ngờ...

Lâm Thanh Trân, người được suy tôn “Vua bò sữa” ở Mộc Châu, đang là một trong những cổ đông lớn của Mộc Châu Milk (Sơn La). Năm 1990, Nông trường Mộc Châu chuyển đổi mô hình từ tập trung sang khoán chăn nuôi bò sữa tới các hộ nông dân, Lâm Thanh Trân nhận hơn 10 ha đất và đàn bò 30 con lớn nhỏ cùng hệ thống chuồng trại tập thể để lại.

Đến nay, hộ này đã có hơn 50 con bò sữa; năm 2007 vắt được 130 tấn sữa tươi (con số kỷ lục lúc đó), thu nhập hơn 600 triệu đồng; chưa kể giải quyết việc làm cho 5 lao động khác,  với lương 1,6 – 1,7 triệu đồng/tháng. Trại bò nhà Trân được Cty xây dựng thành “trại bò mẫu”, mới trang bị thêm máy vắt sữa Delaval hiện đại, có thể cùng lúc vắt cho 4 con.

Cùng một số cán bộ Cty, Trân vừa đi Pháp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và làm fomat tại hộ gia đình. Năm nay, dự kiến trang trại “vua” này tiếp tục cho sản lượng 120 đến hơn 130 tấn sữa, trị giá khoảng 1 tỉ đồng.  Kém hộ này một chút, hộ gia đình Nguyễn Văn Quất có hơn 30 con bò, mỗi năm cho trăm tấn sữa... Những hộ “vua” như thế ngày càng đông...

Trong vài năm gần đây, Mộc Châu Milk đã chủ động đổi mới, phát triển. Ông Phạm Văn Nhán, Phó tổng GĐ Cty cho biết: Với công nghệ hiện đại, Cty đã giảm được nhiều chi phí lao động, hiệu quả cao, nên lợi nhuận tăng. Cty cung cấp thiết bị kỹ thuật này đến các hộ gia đình nuôi bò và tổ chức các lớp hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản thiết bị; từ đó có thể yên tâm về chất lượng sữa thu mua từ các hộ chăn nuôi.

Cùng với việc trang bị thiết bị và công nghệ hiện đại của tập đoàn Tetra Pak (Cty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp giải pháp chế biến, đóng gói thực phẩm) và De Laval (Cty cung cấp dịch vụ khép kín cho ngành chăn nuôi bò sữa, thuộc Tập đoàn Tetra Laval), những chính sách cho vay vốn trả chậm không tính lãi, hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi... thời kỳ đầu cổ phần hoá đã hoá giải được những khó khăn của cả Cty lẫn người chăn nuôi.

Tổng GĐ Mộc Châu Milk Trần Công Chiến cho biết, khi người nông dân đang có xu hướng quay lưng lại với đàn bò do những khó khăn đem lại, Cty đã cấp bò cho các hộ dân nuôi và trả nợ dần bằng sữa. Với hình thức này, Cty đã khuyến khích được người dân phát triển chăn nuôi bò sữa.

Không chỉ khoán bò cho dân, Cty còn áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ khâu chọn giống, cung cấp thức ăn, chuồng trại, phương pháp chăn nuôi đến khâu vắt sữa, bảo quản sữa thu mua, chế biến đóng gói sữa và đưa ra thị trường. Người chăn nuôi bò sữa không còn phải lo đầu ra, lại được giao bò giống tốt, được học kĩ thuật hiện đại và được Cty thu mua hết sữa với giá hợp lý.

Đàn bò sữa Mộc Châu hiện có hơn 4.000 con, theo ông Chiến, ít năm tới sẽ tăng gấp đôi. Đây là cơ sở để tăng sản lượng nhà máy sữa, hiện hoạt động chưa đủ công suất vì thiếu nguồn nguyên liệu. Đến năm 2010, trung bình mỗi hộ dân sẽ sở hữu 18 - 20 con bò. 

Trong cố gắng tăng cường hỗ trợ nông dân, Cty vừa tăng giá thu mua sữa nguyên liệu từ 7.600 lên 8.000 đồng/lit; đang xúc tiến mua sữa tươi hỗ trợ các hộ nông dân nuôi bò sữa gặp khó khăn do “khủng hoảng Melamine” ở các huyện Gia Lâm, Ba Vì (Hà Nội); đồng thời đa dạng thêm sản phẩm... 

Cạnh tranh sữa “Tây”

Từ một xưởng chế biến sữa thanh trùng công suất 900 lit/giờ, mấy năm nay Cty đã có cả nhà máy chế biến sữa tiệt trùng 3.000 lit/giờ; tạo sự gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhà máy chế biến sữa có vùng nguyên liệu sữa, vùng nguyên liệu có nhà máy cùng trong Cty.

Sữa Mộc Châu cạnh tranh với sữa 'Tây' ảnh 1

Đàn bò sữa Mộc Châu . Ảnh : PV

Ngày 14 - 15/10/2008, cuộc thi “Hoa hậu Bò sữa” 2008 sẽ được tổ chức tại thị trấn Mộc Châu. Ban tổ chức sẽ chọn trao giải cho các chú bò sữa có sản lượng cao nhất, đồng thời trao các giải thưởng cho bê cai sữa, bê ăn sữa, giải cho chủ hộ nuôi giỏi..., với giải thưởng tiền mặt hàng trăm triệu đồng và nhiều thiết bị vắt, chế biến sữa hiện đại.

Thương hiệu giống bò sữa Mộc Châu ngày càng đứng vững trên thị trường. Sản phẩm của Mộc Châu Milk liên tục được trao nhiều giải thưởng lớn: Cúp sen vàng Hội chợ QT nông nghiệp, Sao vàng Đất Việt 2005 – 2007, Giải vàng Thương hiệu mạnh, Hàng VN chất lượng cao... 

Cũng theo ông Chiến, chất lượng sữa do bò sữa Mộc Châu cung cấp hiện đã tương đương sữa nhập khẩu từ “Tây”. Ngoài việc phát triển đàn bò sữa, đến nay người chăn nuôi bò sữa Mộc Châu đã cung cấp hơn 2.000 con bò sữa giống chất lượng cao cho nhiều vùng trong nước.

Mộc Châu Milk cũng đang nghiên cứu giống bò sữa riêng VN, thích nghi điều kiện tự nhiên VN và cho năng suất, chất lượng sữa không kém so với giống nhập ngoại hiện nay. Theo kiểm nghiệm của Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế) ngày 8/10/2008, tất cả các sản phẩm sữa Mộc Châu đều không có melamine.

Không chỉ bằng chất lượng sữa và nguyên liệu sữa, Mộc Châu Milk gần đây còn nổi danh với những tour “Du lịch Bò Sữa”. Hiện, hơn 50 hộ chăn nuôi bò sữa tại thị trấn nông trường Mộc Châu vừa vắt sữa bò vừa tiếp khách đi tour. Hộ gia đình Nguyễn Văn Tế là một trong những ví dụ loại tour này. Không thuê phòng khách sạn, khách du lịch được ở lều do chủ hộ căng ngay trên bãi cỏ, đốt lửa ăn tối và ngủ lại trong lều như gia đình du mục thật sự. 

Sáng ra, mặc quần áo bảo hộ lao động, khách xách xô theo chủ nhà đi vắt sữa bò rồi uống ngay (miễn phí) sữa do mình vắt được. Trong nhà ông Tế luôn dự trữ gần chục tấm bạt dùng để căng lều phục vụ khách và hàng chục tạp dề để khách mặc khi vắt sữa. 

Tại nhà “Vua bò sữa” Lâm Thanh Trân, nhóm du khách chỉ mất 200.000 đồng tiền phí. “Cái chính là để du khách thưởng thức hương vị sữa và sản phẩm an toàn từ sữa mới tinh. Nhưng thu nhập từ khoản này cũng đáng kể, chỉ trong tuần cuối tháng 9 vừa qua cũng được 2 triệu đồng, dùng để tái sản xuất. Nếu chuyên nghiệp hơn, như cho thuê thêm lều bạt, nấu ăn kiểu cao nguyên phục vụ khách thì thu nhập còn thêm nhiều nữa” – Ông Trân nói. 

Một vị lãnh đạo Sở VH-TT-DL Sơn La cho hay: Khu du lịch sinh thái Mộc Châu đã hình thành với hơn 1.000 ha; trong đó khu trung tâm 500 ha gồm các khu: Biệt thự nhà nghỉ cuối tuần; Vui chơi giải trí hiện đại; Hồ trung tâm và công viên cây xanh; Sân golf; Thể thao; Khách sạn – nhà hàng cao cấp... Đây là bước đầu thực hiện tham vọng của tỉnh này, nhằm biến Mộc Châu thành Đà Lạt thứ hai.

MỚI - NÓNG