Tận thấy ở CWS

Ông David Dương trước hàng nghìn tấn phế liệu sau phân loại được đóng kiện chuẩn bị xuất ra các nước.
Ông David Dương trước hàng nghìn tấn phế liệu sau phân loại được đóng kiện chuẩn bị xuất ra các nước.
TP - 5 giờ sáng, đoàn xe gần 90 chiếc nối đuôi nhau rời hai nhà máy tái chế của Công ty California Waste Solutions ở thành phố Oakland và SanJose, bang California, Hoa Kỳ do ông David Dương làm chủ. Đây là những chiếc xe chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG) đầu tiên ở nơi đây được ông chủ của CWS đưa vào ứng dụng 3 tháng qua.

Bên trong công xưởng rộng gần 2ha ở thành phố Oakland những chiếc xe chạy bằng khí nén thiên nhiên nổ máy chuẩn bị xuất phát. Ông Joel Corona- Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty California Waste Solutions (CWS) dẫn chúng tôi ra xem những chiếc xe lần lượt chạy ra khỏi bến đổ, tỏa đến các con đường ở thành phố để thu gom rác tái chế. “Chúng được vận hành bằng khí nén thiên nhiên”- ông Joel nói và giải thích thêm rằng tất cả xe này đều dùng năng lượng lấy từ nguyên liệu là rác nên không gây nguy hại cho môi trường.

Vì một môi trường sạch, ông David Dương quyết định đầu tư dàn xe 100 chiếc chạy bằng khí nén từ mấy tháng nay. Mỗi chiếc xe chạy bằng khí nén này, ông David Dương cho biết nó được đầu tư gần 400 ngàn USD. “Hầu hết mọi hoạt động trên xe đều được tự động hóa”- ông Dương lý giải. Tại trạm điều hành được đặt bên trong nhà máy, hệ thống điều khiển và định vị hoạt động của dàn xe đều được hiển thị lên màn hình tivi. Ông David Dương cho biết, việc sử dụng loại xe chuyên dụng này không chỉ giảm được chi phí về giá, do giá khí tự nhiên rẻ hơn giá dầu, mà còn giảm khí thải, không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển rác. Xe được lắp đặt hệ thống định vị và 8 camera quan sát để theo dõi quá trình thu gom, vận chuyển rác, kể cả hành trình vận chuyển của tài xế. Nhờ định vị và camera theo dõi từ xe cũng như gắn chíp ở thùng rác nên việc thu gom rất khoa học.

Tận thấy ở CWS ảnh 1

Tất cả 100 xe chạy bằng khí nén được gắn 8 camera và gắn chíp ở thùng rác đi thu gom ở TP Oakland.

Khi theo chiếc xe chạy bằng khí nén CNG của CWS đến các hộ dân ở TP Oakland để sở thị việc thu gom rác, hầu hết cánh phóng viên Việt Nam đều ngỡ ngàng. Trên xe gắn camera và hệ thống máy chuyên dụng, ở các thùng rác mà CWS đầu tư cho gần 1000 hộ dân của thành phố đều có gắn chíp. Khi “cánh tay” từ xe đưa ra gắp thùng rác để đổ rác vào thùng xe, những tín tiệu này được báo về hệ thống trung tâm điều khiển đặt ở công ty cho thấy rác ở nhà này đã được thu gom. Theo ông David Dương các camera gắn ở xe giúp cho người điều hành ở trung tâm biết được tài xế chạy xe như thế nào? Có chạy ẩu hay không và theo dõi các xe thu gom rác có đúng giờ hay không. Ông David Dương kể, mỗi thùng rác gắn chíp được CWS đầu tư cho người dân và xem thùng rác này như được gắn một mã số “chứng minh nhân dân” mà không lẫn với các thùng rác còn lại. “Có một vài thùng rác bị “thất lạc” sang nhà khác, khi xe tới thu gom rác sẽ biết thùng này ở nhà nào thông qua chíp được gắn ở đó để đưa chúng về vị trí cũ”- ông David Dương cho hay.

Tận thấy ở CWS ảnh 2

Hệ thống điều khiển và kiểm soát các xe được đặt tại nhà máy để theo dõi.

Việc gắn nhiều camera trên xe CNG theo ông Dương còn giúp cho công ty trong cách quản lý và như là “bằng chứng sống” để CWS chứng minh cho người dân thành phố khi có sự cố nào liên quan đến thu gom rác tại đây. Ông Dương lấy ví dụ, tại một số tuyến đường ở TP Oakland hay San Jose, CWS sẽ thu gom rác từ 6-9 giờ sáng mỗi ngày. Tuy nhiên, có những nhà không đưa thùng rác ra đường trong thời gian này nên họ phản ứng với CWS là xe chưa đi thu gom hoặc không đúng giờ. Tuy nhiên, nhờ có camera và hệ thống theo dõi nên CWS đã chứng minh họ đã thu gom hoặc đã qua thu gom trong thời gian đó nhưng người dân không mang thùng rác ra... Không có sự than phiền nào từ việc thu gom rác cho người dân ở hai thành phố Oakland và San Jose từ CWS, trái lại mới đây nhiều người dân đã khen ngợi cách làm việc khoa học cũng như đánh giá cao dàn xe chạy bằng khí thiên nhiên của ông David Dương khi nhờ hệ thống định vị và 8 camera trên xe đã tìm được chiếc nhẫn cưới cho một cặp vợ chồng trẻ trong hàng trăm tấn rác mà công ty của ông thu gom được. “Họ rất cảm kích trước việc làm của công ty chúng tôi” - ông David Dương hồ hởi.

Tận thấy ở CWS ảnh 3

Sau khi gom phế liệu được đưa về nhà máy của CWS ở San Jose phân loại bằng công nghệ hiện đại, tự động hóa.

Không chỉ hệ thống thu gom rác được đánh giá là hiện đại nhất hiện nay ở Hoa Kỳ, hệ thống phân loại và tái chế ở nhà máy của CWS tại San Jose cũng hiện đại không kém khi các công nghệ tiên tiến nhất được áp dụng tại đây. Ông Joel Corona cho biết sau khi các xe đưa rác từ hai thành phố này về nhà máy, chúng sẽ được đưa vào hệ thống phân loại. “Ở các băng dây chuyền chúng tôi đều có thiết bị chụp ảnh, sau đó những hình ảnh này sẽ được gửi về băng chuyền tiếp theo để khi rác phế liệu  chạy qua chúng được bắn vào từng ô chứa rác cụ thể”- ông Joel Corona nói. Đối với kim loại, các máy sẽ bắn sang các ô phế liệu kim loại, các phế liệu nhựa hoặc giấy cũng được phân loại riêng theo các ô nên sẽ giảm tối đa sức người ngồi lựa chọn.

Có mặt tại nhà máy tái chế phân loại rác của CWS ở San Jose, ông David Dương cho biết trong 1200 tấn chất thải từ thành phố Oakland thì có khoảng 200 tấn rác tái chế được CWS thu gom và đưa về nhà máy tại San Jose xử lý. Sau khi phân loại xong chúng được đóng thành kiện và xuất khẩu sang các nước, trong đó 80% phế liệu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Xây dựng thêm nhà máy 68 triệu USD

Ông David Dương cho biết CWS vừa mua mảnh đất 21ha tại khu vực cầu cảng thuộc TP Oakland để đầu tư xây dựng thêm nhà máy tái chế với công suất 1.500 tấn/ngày. Với tổng số vốn đầu tư 68 triệu USD, đây được xem là nhà máy xử lý rác lớn nhất khu vực Bắc Mỹ sau khi đi vào hoạt động. Theo dự kiến nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 3/2016, đến năm 2017 sẽ hoàn thành đi vào hoạt động. Theo ông Dương nhà máy sẽ có trạm cung cấp khí nén để cung ứng cho dàn xe chạy bằng khí thiên nhiên của công ty và cung cấp cho xe của thành phố. “Chúng tôi sẽ đầu tư công nghệ hiện đại, hầu hết các công đoạn đều tự động hóa nên dự kiến sẽ có 100 công nhân làm việc tại nhà máy với những phần việc chỉ cần sự góp sức của con người”- ông David Dương nói thêm.  

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.