Tặng 1.000 mũ bảo hiểm tằng cẩu cho phụ nữ dân tộc Thái

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia trao tặng mũ bảo hiểm cho phụ nữ dân tộc Thái.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia trao tặng mũ bảo hiểm cho phụ nữ dân tộc Thái.
Đây là đợt trao 1.000 mũ cuối cùng trên tổng số 6.000 Mũ Tằng cẩu mà Quỹ An toàn giao thông đường bộ Vương quốc Anh (SRF) trao tặng cho nhân dân Việt Nam trong năm 2017; trong đó có 400 Mũ được trao trực tiếp cho 400 phụ nữ thuộc 2 Bản: Luông Mé và Na Pản thuộc xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia một lần nữa khẳng định: đồng bào các dân tộc thiểu số tuy điều kiện kinh tế, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng ý thức chấp hành pháp luật ATGT nói chung và quy định đội MBH khi đi mô tô, xe máy nói riêng tương đối nghiêm túc , tuy nhiên đối với phụ nữ dân tộc Thái khi đã lập gia đình thì theo tục lệ phải búi tóc (Tằng cẩu), điều đó là bản sắc văn hoá của dân tộc Thái tuy nhiên cũng gây khó khăn, thiếu an toàn khi đội MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy.

Chính vì vậy việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái là hết sức cần thiết. Hoạt động trao tặng MBH Tằng cẩu thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Chính phủ, Uỷ ban ATGT QG và của toàn xã hội đối với việc đảm bảo sự an toàn đối với nhân dân và cụ thể ở đây là phụ nữ dân tộc Thái khi tham gia giao thông.

Tặng 1.000 mũ bảo hiểm tằng cẩu cho phụ nữ dân tộc Thái ảnh 1

Quang cảnh buổi lễ trao tặng mũ bảo hiểm.

Ông Hùng cũng đề nghị các phụ nữ dân tộc Thái khi đã được nhận mũ sẽ chấp hành nghiêm việc đội mũ khi đi mô tô, xe gắn máy và tuyên truyền, nhắc nhở người thân trong gia đình và bà con láng giềng phải tuân thủ những quy định pháp luật về ATGT và phải đội MBH.

Đồng thời Ông Hùng cũng cho biết Uỷ ban sẽ tiếp tục huy động các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm hỗ trợ tặng MBH cho nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và trong đó có MBH Tằng cẩu. Đề nghị các doanh nghiệp sản xuất MBH sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thiết kế liên quan đến loại hình MBH đặc thù này theo hướng bảo đảm tối đa hệ số an toàn, thoải mái khi sử dụng và có những chính sách hỗ trợ giá cho chị em khi đổi hoặc mua mới MBH tằng cẩu.

Hiện nay tại khu vực miền núi phía Bắc, theo thống kê có hơn 200.000 phụ nữ dân tộc Thái có gia đình (có búi tóc Tằng Cẩu), trong đó riêng tỉnh Sơn La là 110.000 người, đa phần có điều kiện kinh tế rất khó khăn, chính vì vậy nhu cầu được tặng hoặc hỗ trợ giá là rất lớn.

MỚI - NÓNG