Giao thông Hà Nội những tháng đầu năm:

Tăng sản lượng vận tải công cộng, giảm điểm ùn tắc

Sau cải tạo, tổ chức lại, nhiều nút giao đã mang điểm nhấn cho giao thông Hà Nội Ảnh: T.Đảng
Sau cải tạo, tổ chức lại, nhiều nút giao đã mang điểm nhấn cho giao thông Hà Nội Ảnh: T.Đảng
TP - Mặc dù còn những diễn biến phức tạp, tuy nhiên với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ của ngành giao thông Thủ đô, sau 7 tháng đầu năm 2019 giao thông thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với giảm các điểm ùn tắc, trong 7 tháng qua giao thông Thủ đô cũng ghi nhận sự tăng trưởng rõ nét của lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).

Xóa 6/33 điểm ùn tắc

Từ khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai) để ra nút Pháp Vân - Giải Phóng, thời điểm trước năm 2019, giờ đi làm nhiều phương tiện phải chen chúc, đứng xếp hàng từ 5 đến 10 phút mới ra được trục đường Giải Phóng - Ngọc Hồi, cùng với đó giờ cao điểm tại đây thường phải duy trì tổ công tác từ 2 đến 3 CSGT đứng làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, việc này trở nên dễ dàng khi nút giao thông Vành đai 3 (dưới thấp) - Giải Phóng - Ngọc Hồi được mở rộng và phương tiện đi lại bằng sự điều tiết của hệ thống đèn tín hiệu.

Để có được sự thay đổi này, giảm được lực lượng làm nhiệm vụ, trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, là nhờ vào sự cải tạo lại nút giao từ đường Vành đai 3 dưới thấp đi ra trục đường Giải Phóng - Ngọc Hồi khi Sở GTVT đã thực hiện xén vỉa hè, mở được lối ra từ Linh Đàm chạy thẳng ra đường Giải Phóng (không phải vòng ra phố Linh Đường), cùng với đó, việc đi lại tại đây cũng theo sự điều tiết của hệ thống đèn tín hiệu mới được lắp đặt.

Cũng với phương án cải tạo nút giao việc mở rộng lòng đường, làm đảo giao thông và lắp thêm đèn tín hiệu, trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở GTVT đã xóa được 6/33 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, trong các điểm này có các nút giao thông vốn thường xuyên ùn tắc lâu nay như: Cầu Mọc - Láng, Nguyễn Chí Thanh - Láng, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, Nguyễn Khang - cầu 361… 

Trên lĩnh vực chỉ đạo, điều hành, tham mưu, trong 6 tháng qua Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện trên 160 nhiệm vụ theo các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, trong đó có 102 nhiệm vụ đã hoàn thành và 58 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện; đã trình UBND thành phố xin chủ trương thực hiện đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; phê duyệt đề cương dự toán Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”; đã thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính tại các địa điểm tiếp dân đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định, trong đó có 127.963 hồ sơ được giải quyết (đạt tỷ lệ 100%); Công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi GPLX tiếp tục được nâng cao, trong 6 tháng đầu năm đã cấp, đổi trên 120 nghìn giấy phép lái xe (trong nước và quốc tế) thông qua hình thức truyền thống và dịch vụ công trực tuyến (cấp độ 3 và 4).   

Vận tải công cộng tăng trưởng đạt 2 con số 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, giao thông Thủ đô cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực trên lĩnh vực quản lý kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông và vận tải. Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố, các quận và lực lượng liên quan tổ chức giao thông thông suốt phục vụ các sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố; Thanh tra giao thông thường xuyên phối hợp bố trí chốt trực phân luồng hướng dẫn giao thông, chống ùn tắc thường xuyên tại 92 vị trí có nguy cơ xảy ra ùn tắc, riêng Thanh tra giao thông trong mỗi ca trực thường huy động 115 cán bộ Thanh tra viên, nhân viên tham gia; điều chỉnh chu kỳ đèn đối với 15/21 điểm đen về TNGT; chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận và các bên có liên quan tổ chức rà soát, đề xuất danh mục xén dải phân cách, cải tạo đảo giao thông, di chuyển cây xanh trên địa bàn 12 quận thành phố Hà Nội với tổng số 15 tuyến đường, 5 đảo giao thông, 7 hầm chui dân sinh, 3 nút giao thông…

Tăng sản lượng vận tải công cộng, giảm điểm ùn tắc ảnh 1 Nút giao thông Vành đai 3 - Giải Phóng - Ngọc Hồi, một trong 33 “điểm đen” ùn tắc vừa được Sở GTVT Hà Nội xóa bỏ bằng cải tạo nút và tổ chức lại giao thông    Ảnh: T.Đảng

Với vận tải hành khách, đã phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi và đến Hà Nội; đã điều chỉnh 134/410 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chạy thông qua Hà Nội. Tổng sản lượng vận chuyển VTHKCC trong 6 tháng đầu năm đã đạt 447,7 triệu lượt hành khách, tăng 11,9% so với cùng thời kỳ năm 2018; trong đó xe buýt đạt 230,7 triệu, tăng 2,1 triệu so với cùng thời kỳ năm 2018.

Đánh giá về sự tăng trưởng của lĩnh vực VTHKCC nói chung và xe buýt nói riêng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, sau một thời gian gần như chững lại, trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã ghi nhân sự tăng trưởng đáng ghi nhận của VTHKCC trong đó có xe buýt. Sự tăng trưởng này đã giúp VTHKCC thành phố từ chỗ chỉ đáp ứng được 12% nhu cầu của người dân vào năm 2015, đến nay đã tăng lên 15,3%. “Đây là bước chuyển biến rất quan trọng nhằm giúp VTHKCC Thủ đô từng bước hoàn thành các mục tiêu mà thành phố đã đặt ra, trong đó Nghị quyết số 04 của HĐND đặt ra chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2025 VTHKCC Thủ đô đạt từ 20 đến 25% nhu cầu”, lãnh đạo Sở GTVT thông tin.

Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, cùng với thực hiện các giải pháp như xử lý thêm điểm ùn tắc, cải tạo, phát triển hạ tầng, lĩnh vực VTHKCC cũng được Sở xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Theo đó,  tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, phát triển hạ tầng để buýt hoạt động; điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

Đánh giá về các nhiệm vụ Sở GTVT đã thay mặt UBND thành phố triển khai trong thời gian qua, tại kỳ họp HĐND vừa qua, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, các nhiệm vụ Sở GTVT đã thực hiện vừa qua chủ yếu đều nằm trong 43 nhiệm vụ của Nghị quyết số 04. “Sau 2 năm thông qua, Sở GTVT đã làm được rất nhiều việc, thể hiện sự quyết tâm của thành phố, trong đó có 6 kết quả lớn, như năm 2016 chuẩn bị thực hiện nghị quyết thành phố có 41 điểm ùn tắc, nay còn 27 điểm, giảm gần 40%; VTHKCC, khi triển khai một số huyện chưa có buýt của thành phố, nay đã phủ kín 30/30 quận huyện, thị xã; quỹ đất dành cho giao thông từ 9% nay đã tăng lên 9,75%; TNGT liên tục giảm cả 3 tiêu chí…

MỚI - NÓNG