Tetra Pak - Kinh doanh với trách nhiệm xã hội

Tetra Pak - Kinh doanh với trách nhiệm xã hội
TP - Trách nhiệm xã hội là một công việc không sinh lời ngay nhưng tạo uy tín với cộng đồng, đảm bảo bền vững trong kinh doanh.

Tăng trưởng kinh tế nếu dựa phần lớn vào khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên sẽ không thể giúp một quốc gia đang phát triển đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Nguyên lý đơn giản của sự phát triển là tích lũy của cải. Đầu tư vào khai thác tài nguyên không phải là hoạt động sản xuất đơn thuần mà là hoạt động chuyển đổi loại hình của cải.

Của cải sau khi chuyển đổi phải được bảo toàn giá trị và sinh lời. Nếu không, chẳng khác gì bán tài sản để phục vụ chi tiêu. Khi đó, hoạt động khai thác lại làm đất nước nghèo đi chứ không hề giàu lên như mong đợi.

Như vậy, để phát triển bền vững, rất cần những hoạt động kinh tế, xã hội nhằm tái tạo tài nguyên.

Trên thế giới, có những tập đoàn rất chú trọng đến công việc này. Một ví dụ là Tetra Pak - một công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm.

Phương châm hoạt động của họ là: Cung cấp sản phẩm an toàn, sáng tạo và thân thiện với môi trường. Trách nhiệm xã hội là một công việc không sinh lời ngay nhưng tạo uy tín với cộng đồng, đảm bảo bền vững trong kinh doanh.

Ý thức cộng đồng của Tetra Pak trong lĩnh vực kinh doanh cũng như trong môi trường dựa trên nguyên tắc sử dụng tối thiểu nguyên liệu hoặc giảm thiểu nguồn tài nguyên áp dụng trên tất cả các loại bao bì.

Dễ thấy, sử dụng càng ít nguyên liệu thì nguồn tài nguyên bị hao tổn ít đi, giá thành thấp và chất thải cũng giảm. Đây cũng chính là yếu tố đem lại lợi nhuận lâu dài cho doanh nghiệp, dù đầu tư chi phí nghiên cứu và cải tiến công nghệ ban đầu cao.

Vì những tác động của hệ thống đóng góp lên môi trường xuất phát từ cả hệ thống tạo ra bao bì, Tetra Pak làm việc rất chặt chẽ với các nhà cung cấp, như các nhà cung cấp giấy bìa.

Chính sách của Công ty là yêu cầu các nhà cung cấp phải liên tục cải thiện những ảnh hưởng của quy trình hoạt động lên môi trường. Họ phải có hệ thống chứng chỉ quản lý lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, các nhà máy cung cấp bột giấy và sản xuất giấy bìa của Tetra Pak cũng đều được yêu cầu phải đạt được những chứng chỉ chất lượng phù hợp.

Gần đây nhất, ngày 19/6/2009, Tetra Pak Việt Nam tổ chức Ngày hội trồng cây với chủ đề “Tái tạo nguồn tài nguyên” hưởng ứng Ngày môi trường thế giới tại Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, huyện Vĩnh Cửu-Đồng Nai.

Tetra Pak Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu trồng mới và chăm sóc 1.6 ha rừng trồng cây dầu và cây sao đen trong 5 năm.

Công ty này cũng hỗ trợ thêm Khu bảo tồn một khoản kinh phí. Đây là một trong những hoạt động cụ thể thực hiện cam kết bảo vệ mội trường, tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên do Tetra Pak Việt Nam được thực hiện từ năm 2004 cho đến nay.

Ông Peter Logan - Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam nói: “Tetra Pak cam kết chỉ sử dụng nguyên liệu có thể tái sinh được: giấy cho bao bì giấy lấy từ nguồn rừng tái sinh (rừng trồng mới) và có xuất xứ được Hội đồng Rừng Thế giới chấp nhận. Khác với bao bì nhựa, với nguyên liệu là từ dầu mỏ - nguyên liệu này không thể tái sinh được nên sẽ mất đi mãi mãi. Chúng ta trồng rừng hôm nay chính là để tái tạo nguồn tài nguyên cho con cháu sau này”.

Từ nhiều năm nay, Tetra Pak là đơn vị  liên tục tổ chức các ngày hội môi trường dành cho thiếu nhi, góp phần giáo dục môi trường trong nhà trường.... Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam đã có những ghi nhận với hoạt động vì môi trường của Tetra Pak.

Trách nhiệm xã hội đi liền với phát triển bền vững, Tetra Pak hiện có mặt trên 150 quốc gia, với 20.000 nhân viên.

MỚI - NÓNG