Than Đèo Nai làm tốt công tác chuẩn bị tài nguyên

Một phần vỉa than đã được Than Đèo Nai bóc đất chuẩn bị từ năm 2015. Ảnh: Lưu Ký.
Một phần vỉa than đã được Than Đèo Nai bóc đất chuẩn bị từ năm 2015. Ảnh: Lưu Ký.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng bãi đổ thải, đưa mỏ xuống sâu, mở rộng khai thác, tuy nhiên, Công ty CP than Đèo Nai đã làm tốt công tác huy động tài nguyên chuẩn bị diện khai thác, ổn định việc làm và đời sống người lao động.

Cuối năm 2015, khi chúng tôi đến Công ty CP than Đèo Nai, khai trường tấp nập xe máy. Và, thật bất ngờ, thân hình của một vỉa than đen láy hiện ra trước mắt. Ông Phạm Thành Đông, Giám đốc Công ty CP than Đèo Nai cho biết, trong năm qua, Công ty đã nỗ lực bóc đất, huy động tài nguyên, chuẩn bị diện khai thác. Do vậy, trong năm 2016, kế hoạch bóc trên 16 triệu mét khối đất đá để khai thác 1.700.000 tấn than là không quá khó khăn với Công ty. 

Chỉ tay về phía vỉa than, ông Đông cho biết, đây là một khu vực vỉa đã được lấy đi hàng chục triệu mét khối đất đá và sẵn sàng có thể ra than hàng triệu tấn. Năm nay, Công ty tiếp tục tăng cường công tác bóc đất hợp lý để chuẩn bị tài nguyên và nâng cao hiệu quả khai thác trong những năm tới.

Trên thực tế, theo quan sát của chúng tôi, những người thợ mỏ Than Đèo Nai đã làm được nhiều hơn thế. Còn nhớ, cách đây mười năm (2005), khi mỏ than Đèo Nai ở vào thế bí chưa huy động được tài nguyên. Đã có ý kiến đưa ra là đóng cửa mỏ vào năm 2015 làm xôn xao dư luận. Nhưng thợ mỏ Đèo Nai đã phá thế, tiếp tục vừa ra than duy trì sản xuất vừa huy động tiếp tài nguyên, ổn định đời sống của hàng ngàn thợ mỏ. Mặc dù sản lượng không cao, nhưng cho đến nay, Đèo Nai không những không ai còn nghĩ đến chuyện đóng cửa, mà nhìn những vỉa than lấp lánh, người ta mường tượng đến những bước đi vững chãi hơn trong tương lai.

Ông Đông cho biết thêm, hiện tại, Công ty đang thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật để tiếp tục ổn định diện khai thác trong những năm tới như: thực hiện nghiêm ngặt trình tự khai thác; phối hợp tốt với các đơn vị Cọc Sáu, Cao Sơn để tháo gỡ những vướng mắc trong trình tự khai thác hợp lý 3 mỏ để bóc đất hiệu quả; triển khai phương án và thực hiện xuống sâu lấy than moong vỉa chính đảm bảo tiến độ; chú trọng xử lý tụt lở và mở rộng ngang bờ mỏ; triển khai khoan nổ mìn đủ đất đá nâng cao hiệu quả nổ mìn; đảm bảo chất lượng cho thiết bị hoạt động có năng suất, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chung v.v.

Trong các giải pháp trên, cùng với việc không ngừng hiện đại hoá khai thác, giải pháp chung của Tập đoàn là khai thác trình tự hợp lý 3 mỏ Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu như một lối đi mở ra triển vọng lâu dài cho hoạt động khai thác lộ thiên cả vùng than Cẩm Phả, trong đó có Đèo Nai.

Cùng với đó, trong công tác cơ điện, vận tải, Công ty tổ chức đánh giá lại toàn bộ máy móc thiết bị, kiên quyết thanh lý những thiết bị hoạt động không hiệu quả. Công ty đang có lộ trình đầu tư dây chuyền công nghệ bốc xúc vận tải đất đá đồng bộ công suất lớn thay thế dần thiết bị lạc hậu để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành khai thác. Bên cạnh đó, Công ty tổ chức tốt công tác sửa chữa, quản lý vận hành để tăng hiệu suất các hệ thống thiết bị như: Hệ thống băng, tuyển huyền phù, cân điện tử, camera, hộp đen, GPS, hệ thống cung cấp điện, thông tin liên lạc, bơm nước v.v.

Với hàng loạt các giải pháp về huy động tài nguyên và đầu tư hiện đại hoá khai thác trước mắt và lâu dài, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai phát triển bền vững của Than Đèo Nai.

Theo Theo Vinacomin
MỚI - NÓNG