Than ở vịnh Cuốc Bê: Triển vọng & cần sớm được thăm dò

Ông Hà Minh Thọ - Trưởng phòng Địa chất, Công ty Địa chất mỏ
Ông Hà Minh Thọ - Trưởng phòng Địa chất, Công ty Địa chất mỏ
Một trong những định hướng trọng tâm của Lãnh đạo Tập đoàn trong năm 2017 chính là tập trung phát triển tài nguyên theo cách của TKV mà cụ thể là rà soát đánh giá lại tổng thể trữ lượng tài nguyên hiện có, từ đó xây dựng những kế hoạch thăm dò vừa cụ thể, vừa dài hơi. Việc đẩy mạnh thi công thăm dò vịnh Cuốc Bê cũng là một trong những việc quan trọng để hiện thực hóa chủ trương ấy.

Đồng chí Hà Minh Thọ - Trưởng phòng Địa chất, Công ty Địa chất mỏ cũng là chủ nhiệm của Đề án đã trao đổi với phóng viên Tạp chí TKV xung quanh vấn đề thăm dò than tại vịnh Cuốc Bê.

Được biết, khu vực lập Đề án thăm dò than vịnh Cuốc Bê thuộc Bể than Quảng Ninh là khu vực đã được đưa vào Quy hoạch phát triển ngành Than tại Quyết định số 403 ngày 14/3/2016 của Chính phủ. Theo nhận định và với nhiều cơ sở quan trọng đã xác định có sự tồn tại của các vỉa than ở nơi đây. Tuy nhiên, hiện nay công tác thăm dò tại đây chưa được tiến hành. Là Chủ nhiệm của Đề án này, xin đồng chí lý giải rõ hơn về triển vọng và sự cần thiết phải sớm tiến hành thi công thăm dò than tại vịnh Cuốc Bê?

Đồng chí Hà Minh Thọ: Quả thực, khi nhận nhiệm vụ Tập đoàn giao cho Công ty Địa chất mỏ lập Đề án thăm dò than tại vịnh Cuốc Bê, chúng tôi rất băn khoăn, bởi vì đây là một Đề án có diện tích lớn (74,32 km2), nằm phía Tây Bắc của khối cấu trúc chứa than Hòn Gai - Cẩm Phả; phần lớn diện tích bị ngập nước và địa hình bồi lấp mới; đến nay chưa có một công trình địa chất (khoan, khai đào) được tiến hành để nghiên cứu cấu trúc địa chất và tiềm năng than tại đây; việc lựa chọn các phương pháp thăm dò và khối lượng trong Đề án là vấn đề mà tập thể tác giả đặc biệt quan tâm và gặp không ít khó khăn.

Than ở vịnh Cuốc Bê: Triển vọng & cần sớm được thăm dò ảnh 1

Tuy nhiên, sau khi tổng hợp các nguồn tài liệu đã có của vùng Than Quảng Ninh đặc biệt là tài liệu thuộc khối cấu trúc chứa than Hòn Gai - Cẩm Phả cùng ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất than đã giúp chúng tôi có cơ sở để luận giải nội dung kỹ thuật và tính khả thi của Đề án. Cụ thể là kết quả tổng hợp tài liệu của các công trình nghiên cứu địa chất, địa vật lý trọng lực ở bể than Quảng Ninh, cho thấy chiều dày trầm tích chứa than tại vịnh Cuốc Bê khoảng 3000m và khi nhận định tiềm năng than của bể than, hầu hết trong nội dung các báo cáo đều có đề cập đến tiềm năng than khu vực vịnh Cuốc Bê. Các tài liệu đều cho rằng trầm tích chứa các vỉa than ở Bình Minh, Suối Lại, Hà Lầm, Hà Ráng, rất có thể còn tiếp tục phát triển ra khu vực vịnh Cuốc Bê. Đây là những tiền đề quan trọng để nhận định có thể có các vỉa than ở vịnh Cuốc Bê.

Bên cạnh đó, việc thăm dò và khai thác tại các khu mỏ Bình Minh, Suối Lại, Hà Ráng, Tây Ngã Hai của TKV hiện nay và các khu vực khai thác tự do của người dân tại xã Vũ Oai, Đảo Gạc trước những năm 1995, là những dấu hiệu cho thấy nhận định sự tồn tại của các vỉa than tại vịnh Cuốc Bê là có cơ sở.

Những tiền đề và dấu hiệu nêu trên là thông tin quan trọng làm căn cứ để tập thể tác giả đưa ra nhận định ban đầu về cấu trúc địa chất và tiềm năng than tại đây, làm cơ sở để lựa chọn các phương pháp kỹ thuật và khối lượng trong Đề án thăm dò than vịnh Cuốc Bê.

Việc thiết kế và sớm triển khai thi công Đề án thăm dò than vịnh Cuốc Bê là rất cần thiết, bởi vì kết quả thi công Đề án sẽ làm rõ về cấu trúc địa chất, đặc điểm phân bố, chất lượng, trữ lượng các vỉa than, đánh giá chi tiết điều kiện ĐCTV - ĐCCT cũng như điều kiện khai thác mỏ đáp ứng yêu cầu tài liệu phục vụ lập thiết kế và khai thác mỏ hầm lò công suất 1,5 triệu tấn/năm và đi vào hoạt động từ năm 2021 theo Quy hoạch đã được duyệt.

Như đồng chí đã trao đổi, cũng theo Quy hoạch 403, tại vịnh Cuốc Bê sẽ xây dựng một mỏ hầm lò với công suất 1,5 triệu tấn/năm và đi vào hoạt động từ năm 2021. Do đó, công tác thăm dò phục vụ thiết kế khai thác mỏ sẽ được tiến hành trong giai đoạn 2016 - 2020. Vậy đến nay (tháng 2/2017), tiến độ của Đề án đã được triển khai đến đâu, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Minh Thọ: Như đã nêu ở trên, Đề án có diện tích lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý, mức độ tin cậy về tài liệu thấp, do vậy vấn đề khó khăn nhất khi trình duyệt đề án thăm dò than là phải luận giải được tính khả thi của Đề án, tiếp đến là thỏa thuận với địa phương để thỏa mãn các vấn đề liên quan. Tuy nhiên đến thời điểm này, các vấn đề nêu trên đã được giải quyết; ranh giới Đề án đã được Tổng cục Địa chất và UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý. Qua các Hội nghị kỹ thuật, nội dung kỹ thuật và khối lượng của Đề án đã được Tổng cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam và các Cơ quan thẩm định đồng ý; dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị xét duyệt Đề án thăm dò trong tháng 02 và cấp Giấy phép thăm dò trong quý I năm 2017. Về phía Công ty Địa chất mỏ - đơn vị thi công đã chuẩn bị các phương án thi công và thiết bị phù hợp để triển khai thi công ngay sau khi được sự đồng ý của TKV.

Phát triển tài nguyên là một trong những định hướng trọng tâm trong năm 2017 đã thể hiện rõ quyết tâm và trách nhiệm của lãnh đạo Tập đoàn nhằm thực hiện tốt Quy hoạch phát triển ngành Than đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đồng chí để đạt được mục tiêu phát triển tài nguyên nói chung cũng như triển khai thi công thăm dò than tại vịnh Cuốc Bê, cần đặc biệt quan tâm đến những vấn đề gì?

Đồng chí Hà Minh Thọ: Là những người làm công tác địa chất trong Tập đoàn, chúng tôi thực sự rất phấn khởi khi lãnh đạo Tập đoàn đã đặt nhiệm vụ mà chúng tôi đang thực hiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.

Không có tài nguyên khoáng sản thì không có ngành công nghiệp khai khoáng, không xác định trữ lượng khoáng sản tường minh thì không có dự án khai thác mỏ hiệu quả - do đó việc đầu tư thăm dò, phát triển tài nguyên là rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của TKV. Thiết nghĩ rằng, để đạt mục tiêu phát triển tài nguyên, các vấn đề cần quan tâm đó là: phải làm sáng tỏ cấu trúc địa chất liên quan đến tài nguyên than; cần rà soát, tính toán lại trữ lượng tài nguyên hiện có tại các khu mỏ đã được thăm dò một cách khoa học, khách quan; cụ thể là phải xác định rõ trữ lượng và tài nguyên còn lại có thể khai thác; đồng thời cần mở rộng công tác điều tra, thăm dò một cách tuần tự, thận trọng tại các khu vực cận kề ranh giới các mỏ, cũng như các khu vực chưa được quy hoạch nhưng có cấu trúc địa chất tương tự để có thể dự báo tiềm năng than.

Đề án thăm dò than vịnh Cuốc Bê đang được triển khai là một trong những nhiệm vụ để hiện thực hoá chủ trương phát triển tài nguyên của lãnh đạo Tập đoàn. Nếu kết quả đạt được như mục tiêu Đề án dự kiến thì tiềm năng than tại Bể than Quảng Ninh sẽ tăng khá lớn và việc xây dựng mỏ hầm lò theo Quy hoạch tại đây là hoàn toàn khả thi.

Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Theo Tạp chí TKV/Vinacomin
MỚI - NÓNG