Hậu cổ phần hóa Vietnam Airlines:

Thăng hoa giữa hai mục tiêu đối lập

Hãng Hàng không Quốc gia đang trải qua những thay đổi lớn nhất trong lịch sử hơn 20 năm hoạt động.
Hãng Hàng không Quốc gia đang trải qua những thay đổi lớn nhất trong lịch sử hơn 20 năm hoạt động.
TP - Khách tăng, chuyến bay nhiều, lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, Vietnam Airlines (VNA) đang đi vào quỹ đạo thăng hoa sau trọn 1 năm cổ phần hóa. Con đường chưa từng có tiền lệ - cổ phần hóa một hãng hàng không quốc gia đang cho thấy những thành công vững chắc và nhiều kinh nghiệm cần rút ra…

Lãi nghìn tỷ

VNA vừa thông báo đạt doanh thu 19.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.071 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2016. Lượng khách tăng 11,6%; số chuyến bay của hãng tăng 9,3% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này nằm trong bối cảnh nhu cầu bay tăng, giá nhiêu liệu giảm nhưng VNA đối mặt với biến động từ thị trường như khủng bố tại châu Âu, đặc biệt sau vụ đánh bom tại sân bay thành phố Brussel (Bỉ) tháng 3/2016 và việc nghi ngờ virus Zika xâm nhập vào Việt Nam.

Chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 1/4/2015, sau trọn một năm cổ phần hóa, VNA có những bước tăng trưởng ngoạn mục. So với mức lợi nhuận 1.400 tỷ đồng năm 2015 (trong đó có 8 tháng VNA hoạt động sau cổ phần hóa), con số hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận của riêng quý I/2016 của VNA đã xác lập mức lợi nhuận lớn nhất từ trước đến nay (so với cùng kỳ năm 2015 tăng 32,5%).

“Sải cánh vươn cao” (slogan của VNA) không chỉ là những con số lợi nhuận về doanh thu mà còn là những thay đổi về chất: Công ty cổ phần đã đi vào hoạt động ổn định; mô hình tổ chức gọn nhẹ, tập trung và hiệu quả. Đặc biệt, VNA thay đổi lớn về đội tàu bay hiện đại khi cùng lúc tiếp nhận và đưa vào khai thác 2 loại tàu bay hiện đại nhất thế giới là Airbus A350-900 XWB và Boeing 787-9 Dreamliner. Chất lượng dịch vụ được nâng cao theo tiêu chuẩn quốc tế 4 sao; hình ảnh thương hiệu của VNA mang màu sắc đặc trưng, hiện đại và đồng bộ hơn.

Có một thành quả của VNA thời hậu cổ phần hóa ít được đề cập trực diện: Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của Hãng hàng không quốc gia, Chủ tịch VNA, ông Phạm Viết Thanh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được giao nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương. Đây có thể coi là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với cá nhân ông Thanh và cả tập thể VNA trong suốt chặng đường phát triển vừa qua, trong đó có việc cổ phần hóa.

Tất nhiên, những thành quả trên là cả một quá trình lâu dài từ hơn 20 năm thành lập, là công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của VNA. Nói như Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh: “Kết quả kinh doanh khá ấn tượng mà VNA công bố chưa hẳn là kết quả của CPH bởi doanh nghiệp này mới chuyển sang hoạt động theo mô hình mới chưa lâu. Tuy nhiên, phải thừa nhận VNA đang có những thay đổi đáng kể về chất sau khi hoạt động theo mô hình mới”.

Trong giai đoạn từ 2005-2015, VNA đã thực sự khẳng định hình ảnh hãng hàng không quốc tế, biểu tượng cho sự hội nhập thành công của doanh nghiệp Việt Nam vào nền kinh tế thế giới: trở thành thành viên của Liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam năm 2010, hãng hàng không đầu tiên trên thế giới tiếp nhận và khai thác thành công hai dòng máy bay thế hệ mới, hiện đại nhất thế giới là Airbus A350 và Boeing 787-9 Dreamliner năm 2015.

Tinh giảm và mở rộng

Thành công quan trọng nhất của VNA trong quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu được đúc kết đến thời điểm này thực hiện thành công đồng thời 2 mục tiêu đối lập: Tinh giảm bộ máy, phạm vi hoạt động; trong khi vẫn phải thực hiện các mục tiêu phát triển. Theo đó, hết năm 2015, VNA thoái toàn bộ 13 danh mục (nhiều hơn 3 danh mục so với Đề án tái cơ cấu), thu được 819 tỷ đồng từ thoái vốn (tăng gấp 2 lần so với đầu tư ban đầu). Sáp nhập, điển hình nhất là sáp nhập giữa ba đơn kinh doanh dịch vụ mặt đất tại ba miền (Niags - tại Nội Bài; Diags  - Đà Nẵng và Tiags - Tân Sơn Nhất) thành công ty Viags với 4.000 nhân viên cũng giúp VNA như chàng phi công có dáng vóc thon gọn nhưng đầy nội lực.

Dù lượng tàu bay của VNA tăng, nhiều chủng loại tàu bay mới nhưng nhân lực lại giảm (do lượng nghỉ hưu nhiều nhưng không bù lại). Tuy nhiên, các khâu vẫn được vận hành một cách trôi chảy vì năng suất lao động tăng (năm 2015, năng suất lao động của VNA tăng gần 10%) đi kèm với thu nhập của người lao tăng mạnh (trung bình 28% trong năm 2015).

Thăng hoa giữa hai mục tiêu đối lập ảnh 1

Cùng với cổ phần hóa, Vietnam Airlines đã đổi mới về chất lượng dịch vụ và nhận diện thương hiệu.

Hoạt động bay - mảng chính của VNA cũng thấy rõ sự bứt phá trong hai mục tiêu tưởng như đối lập - tinh giảm và phát triển. Sự kiện VNA công bố bán và thuê lại chính 3 tàu bay hiện đại A350 mà hãng này sẽ nhận trong năm nay và năm sau thể hiện điều đó. Căn nguyên của động thái này là: Trước áp lực với trần nợ công và cả sự an toàn tài chính cho bản thân VNA, hãng rà soát để giảm dần quy mô vay vốn có bảo lãnh Chính phủ. VNA cho biết, với phương án chuyển từ mua sang thuê này, nợ công sẽ giảm nhưng hãng vẫn bảo đảm về số lượng tàu bay (trong đó có số tàu bay A350) để khai thác.

Xu hướng tinh giảm nhưng vẫn phải hiệu quả của VNA còn thấy rõ trong việc tăng cường các hoạt động liên kết giữa các hãng để giảm bộ máy và tận dụng thế mạnh của mỗi hãng để tạo ra động lực phát triển. Đơn cử, chiến lược phát triển thương hiệu kép (hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ) giữa Jetstar Pacific và VNA đem lại nhiều lợi ích cho các hãng và khách hàng như: Khách hàng có thể mua vé của VNA nhưng đi trên máy bay của JPA (liên danh codeshare); VNA chuyển giao một số đường bay nội địa có ưu thế cho hàng không giá rẻ (TPHCM/ Hà Nội - Tuy Hòa; và TPHCM - Chu Lai). Đặc biệt việc cho phép khách hàng thân thiết của VNA (hội viên Bông sen vàng) có thể tích điểm khi đi trên chuyến bay của JPA cho thấy sự quy tụ “chung một mái nhà” giữa VNA và JPA để tạo ra sức mạnh.

 Với sự hỗ trợ của VNA, JPA mua thêm tàu bay, đồng nhất đội bay (chỉ gồm A320/A321), mở mang đường bay, trở thành hãng hàng không giá rẻ được yêu thích nhất năm 2015. Vào giữa tháng 4 vừa qua, Tổng giám đốc JPA Lê Hồng Hà thông báo, hãng lãi 267 triệu đồng trong năm 2015; dù khiêm tốn nhưng kết thúc “chuỗi ngày cay đắng” suốt 25 năm hoạt động.

VNA xác nhận, Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) sẽ trở thành cổ đông chiến lược của VNA sau khi mua 8,8% cổ phần của VNA trị giá 2.431 tỷ đồng. Mối quan hệ hợp tác chiến lược sẽ giúp hai bên có thể khai thác, tận dụng thế mạnh của nhau nhằm mở rộng mạng đường bay và thị trường quốc tế, chia sẻ và sử dụng các dịch vụ của nhau tại thị trường Việt Nam và Nhật Bản. ANA đang sở hữu đội máy bay 240 chiếc, vận chuyển khoảng 47 triệu lượt hành khách mỗi năm; là hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản về doanh thu và lượng hành khách. VNA đang có 89 tàu bay, khai thác 91 đường bay tới 20 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế với tổng cộng hơn 360 chuyến bay mỗi ngày. VNA là hãng đầu tiên tại châu Á sở hữu cùng lúc hai dòng máy bay hiện đại nhất thế giới hiện nay là Boeing 787 Dreamliner, Airbus A350-900 XWB.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.