Thay đổi chính sách bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động

Nhiều người nhận BHXH một lần đã đánh mất cơ hội có lương sau này. Ảnh: PT.
Nhiều người nhận BHXH một lần đã đánh mất cơ hội có lương sau này. Ảnh: PT.
TP - Với thực tế hiện nay, số người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang tương đương với số người tham gia mới, điều này khiến nhiều người lao động mất cơ hội có lương khi về hưu. Để giữ người lao động ở lại với hệ thống BHXH, đảm bảo cho mục tiêu an sinh lâu dài, chính sách BHXH sẽ có nhiều thay đổi thời gian tới.

Nhiều người vì lợi ích trước mắt

Chị Nguyễn Thị Hà (37 tuổi), đã từng làm cho một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho hay, sau khi làm việc được gần 10 năm cho công ty Nhật Bản, chị đã cân nhắc có tiếp tục làm việc nữa không. Vì theo chị, chị cảm thấy đang quá sức với cường độ làm việc ngày càng cao của các đồng nghiệp trẻ tuổi. Nếu nghỉ việc, chị Hà cũng nhận thấy với độ tuổi của mình sẽ khó có thể xin một công việc ở các công ty sản xuất khác. Tiền tích góp không có, trong khi nhu cầu chi tiêu thì vô số. “Nếu nghỉ việc, tôi có thể sẽ cân nhắc lại việc có tham gia tiếp BHXH nữa không, hay rút một lần cho nhu cầu trước mắt”, chị Hà nói.

Số người như chị Hà không phải là ít, theo thống kê của BHXH Việt Nam, chỉ trong tháng 5/2018, đã có khoảng hơn 85.000 người hưởng trợ cấp BHXH một lần. Thống kê những năm gần đây cho thấy, mỗi năm có khoảng 700.000 người ra khỏi hệ thống BHXH. Con số này gần tương đương số người mới tham gia vào hệ thống BHXH. Tình trạng người lao động nhận BHXH một lần càng nặng nề dưới tác động của hiện tượng “thải loại” lao động ngoài 35 tuổi. Những người ở lứa tuổi này rất ít cơ hội được làm việc ở các nhà máy, trong khi lại phải chờ đợi quá lâu để được hưởng lương hưu.

Bên cạnh BHXH bắt buộc, người lao động cũng không mặn mà tham gia BHXH tự nguyện. Theo ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho hay, dù chính sách BHXH tự nguyện triển khai tới nay được 10 năm. Nhưng số lượng người đã tham gia và những người đã hưởng BHXH tự nguyện cho tới nay mới khoảng trên 300.000 người. “Đây là con số rất thấp”, ông Thắng nói.

Cải cách để tăng người tham gia

Từ những vấn đề trên, Nghị quyết 28 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 23/5/2018. Theo đó, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm mở rộng diện bao phủ, tăng tính hấp dẫn của quỹ BHXH cũng như tính hiệu quả đầu tư của quỹ này. Mục tiêu là đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động tham gia BHXH; năm 2025 con số này là 45% và năm 2030 là 60%.

Để đạt được mục tiêu, nghị quyết đề ra việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Tất nhiên, khi thời gian đóng thấp xuống thì mức lương hưu nhận được cũng thấp hơn.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam) cho biết, chúng ta hướng tới mở rộng diện bao phủ BHXH. Qua đó hướng tới BHXH toàn dân, với một khoản lợi ích khiêm tốn hơn thì vẫn tốt hơn là diện bao phủ hẹp như hiện nay và quyền lợi cao hơn. Để mở rộng diện bao phủ, ngoài thiết kế lại chính sách đóng - hưởng BHXH, Nghị quyết 28 còn đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì số lao động tham gia BHXH cũng sẽ tăng lên.

Nghị quyết 28 đặt ra yêu cầu: Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm, mà cần chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng tham gia chỉ có ý nghĩa khi khắc phục được tình trạng nhận trợ cấp BHXH một lần đang diễn ra rất phổ biến hiện nay. Theo nghị quyết, tiến tới sẽ quy định chặt chẽ hơn quy định hưởng chế độ BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Để giảm thiểu số người hưởng BHXH một lần, theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, lấy ví dụ tại Trung Quốc, tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 28% tiền lương, trong đó người lao động đóng 8%, doanh nghiệp đóng 20%. Phần đóng của doanh nghiệp được hòa vào quỹ chung. Còn tỷ lệ 8% mà người lao động đóng được hạch toán vào tài khoản cá nhân. Khi lao động muốn rời khỏi hệ thống để nhận BHXH một lần, họ chỉ nhận được 8% mà họ đóng, còn 20% của doanh nghiệp đóng sẽ để lại quỹ để điều tiết, cân bằng lương hưu giữa những người ở lại. Đây có thể là một trong những giải pháp sẽ được tham khảo áp dụng trong thời gian tới.

Về hoạt động đầu tư Quỹ BHXH, để tăng tính hiệu quả của quỹ này, nghị quyết cũng cho phép quỹ được đầu tư sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo an toàn, bền vững của quỹ. Hiện nay, phần lớn đầu tư của quỹ mới chỉ là mua trái phiếu chính phủ.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hết 5 tháng đầu năm, cả nước đã có 13,79 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 240.000 người tham gia BHXH tự nguyện, 11,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 81,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Lũy kế hết tháng 5/2018, toàn ngày thu được 121.100 tỷ đồng, đạt 36,7% kế hoạch cả năm. Trong đó thu BHXH 83.615 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp 5.631 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế 31.852 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG