Thay đổi nhận thức từ cánh đồng rau muống VietGap

Nông dân trồng rau muống nước VietGap phấn khởi vì đầu ra ổn định.
Nông dân trồng rau muống nước VietGap phấn khởi vì đầu ra ổn định.
TP - Từ những bước đầu còn lọng cọng, chần chừ làm nông nghiệp sạch, qua hai năm 2016 - 2017, bà con nông dân trồng rau muống nước ở huyện Hóc Môn và Củ Chi (TPHCM) đã có bước chuyển mình ngoạn mục. Bỏ dần thói quen trồng rau muống kiểu cũ, tiến tới một nền nông nghiệp sạch, yên tâ, với đầu ra ổn định.

Lấy lại niềm tin

Xã Nhị Bình (Hóc Môn) và xã Bình Mỹ (Củ Chi) là một trong những địa phương trồng rau muống nhiều nhất tại TPHCM. Thế nhưng, thời gian qua, hai xã này bị “mang tiếng xấu”, người tiêu dùng tẩy chay vì sản xuất rau muống bằng cách tưới nhớt để kích rau bung ngọn, xanh tốt.

Để lấy lại niềm tin, các hộ nông dân dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương từng bước thay đổi nhận thức, tự nguyện tham gia các mô hình cánh đồng rau muống VietGap và áp dụng ngay trên ruộng nhà mình. Đây cũng chính là một trong những lý do Trung tâm Khuyến nông TPHCM và các trạm khuyến nông phải ngồi lại, tìm giải pháp nhằm lấy lại hình tượng cho rau muống nước của nông dân.

Đến thăm các ruộng rau muống của bà con ấp 5, xã Bình Mỹ, ông Dương Văn Minh, Trạm trưởng khuyến nông huyện Củ Chi cho biết: “Đây là những ruộng rau muống được chúng tôi vận động, hướng dẫn bà con canh tác theo mô hình VietGap. Ấp 5 và 6B của xã hiện có 100ha trồng rau muống nước. Hiện, xã sẽ triển khai 10ha làm thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng 100% vào năm 2020. Được tuyên truyền, vận động tham gia mô hình trồng rau muống VietGap, đa số bà con nông dân đều nhiệt tình hưởng ứng”.

Đang tất bật thu hoạch rau đưa về chợ đầu mối, chị Vũ Thị Thủy (quê Thái Bình) vướt mồ hôi: “Các hộ trồng rau muống ở đây đã không còn dùng nhớt tưới rau nữa, mặc dù đây là cách làm truyền thống từ trước tới nay nhằm diệt trừ sâu, rầy. Nhưng được cán bộ khuyến nông tập huấn, giải thích, mình nhận ra rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dân. Từ đó, chúng tôi dặn nhau rằng cần phải trồng rau sạch, an toàn; phải có htời gian cách ly khi phun thuốc, bón phân; rau sau thu hoạch sẽ được rửa bằng nước sạch…”.

Toàn huyện Hóc Môn có khoảng 700ha chuyên canh rau muống nước, trong đó 90ha rau tại xã Nhị Bình đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong năm 2017, Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM đã lấy 26 mẫu rau phân tích thì tất cả đều nằm trong ngưỡng an toàn, không có mẫu nào tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…

Theo anh Nguyễn Văn Nhân (ngụ ấp 1, xã Nhị Bình), rau muống là cây ngắn ngày, khi áp dụng theo VietGAP phải có ghi chép sổ nhật ký, đánh dấu những khu vực phun thuốc bằng biển báo để cách ly đủ ngày. Là loại rau ăn lá nên anh thường cắt rau vào buổi sáng sớm hoặc ban đêm để rau được tươi. Sau khi thu hoạch, rau được chuyển về địa điểm sơ chế, loại bỏ bớt lá già và xếp gọn trong các khay có lỗ thoáng, rồi vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Hiện, mỗi ngày, anh Nhân thu hoạch khoảng 60 kg rau muống.

Rau sạch có đầu ra

Ông Bùi Văn My, GĐ Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN&PTNT TPHCM) cho biết, ngành nông nghiệp đang tổ chức và kiện toàn việc sản xuất rau muống đạt chuẩn VietGAP. Trước mắt, tại 2 xã Bình Mỹ và Nhị Bình nói trên sẽ quy hoạch 200-300ha rau muống VietGAP. Khi tham gia dự án này, nông dân phải tuân thủ: Không sử dụng thuốc hóa học, phải sử dụng thuốc sinh học, không dùng nhớt khi trồng rau, không dùng nước bẩn sơ chế rau, tuân thủ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.

Để giúp nông dân trồng rau muống an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, thành phố đã quan tâm và hỗ trợ tích cực trong việc tạo đầu ra cho sản phẩm. Hiện tổ hợp tác rau muống nước xã Nhị Bình cung cấp ra thị trường cho các công ty, cửa hàng, hợp tác xã bình quân 1.500 kg/ngày, giá bán chưa sơ chế là 5.000 đồng/kg; sản lượng còn lại được đưa vào các chợ đầu mối, với giá 3.500 - 4.000 đồng/kg.

Ông Võ Ngọc Đẹp - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM cho hay, nhu cầu rau xanh của thành phố rất cao. Sản phẩm rau của nông dân trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu thị trường thành phố. Về đầu ra cho rau muống VietGap, ông Đẹp đề nghị, các cấp hội nông dân, phòng kinh tế địa phương kết nối chợ đầu mối, ưu tiên các sạp rau hàng có chứng nhận VietGAP, khuyến khích bà con nông dân sản xuất rau muống an toàn.

Ông Đẹp cho rằng, cánh đồng rau theo quy trình VietGap này sẽ giúp nông dân tạo thói quen sản xuất sạch, người tiêu dùng yên tâm với các sản phẩm rau được sản xuất tại chỗ. Do đó, cần thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để quản lý việc sản xuất.

“Ngoài việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia, chúng tôi cũng sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc cho nông dân, từng bước chấm dứt tình trạng sản xuất rau không an toàn. Đồng thời kết nối các doanh nghiệp thu mua sản phẩm rau muống VietGap các hộ nông dân”- ông Đẹp chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.