Theo đam mê đến cùng cho dù thất bại

Doanh nhân Bùi Ngọc Chung (phải) và Chủ tịch Tập đoàn Japan Life Nhật Bản.
Doanh nhân Bùi Ngọc Chung (phải) và Chủ tịch Tập đoàn Japan Life Nhật Bản.
TP - Doanh nhân Bùi Ngọc Chung (Chủ tịch tập đoàn Bằng Linh) là người luôn bận rộn bởi có nhiều dự án táo bạo, đem lại niềm vui cho nhiều người với kiểu kinh doanh “chả giống ai”.

Dự án đi ra từ luận văn, luận văn bắt đầu từ cuộc sống

Tôi là dân kinh tế nhưng đặc biệt mê thể thao - mở đầu câu chuyện anh Chung nói - Khi học cao học, bạn bè toàn chọn những đề tài chứng khoán, ngân hàng để làm. Còn tôi, tôi chọn đề án phổ cập bơi cho trẻ em. Lạ quá đúng không?

“Tôi quê Thanh Hóa, thanh niên quê tôi đi biển nhiều lắm và nhiều bạn bè đã bỏ mạng nơi biển cả. Một chuyện ám ảnh tôi mãi hồi còn học ÐH. Một lần, về quê người bạn thân chơi đúng vào mùa nước. Em bạn tôi đi học không may bị trượt chân xuống mương nước cùng 2 em nhỏ khác, vĩnh viễn không bao giờ được đến trường.  Những chuyện như thế cứ ám ảnh tôi mãi. Ðọc báo, nghe đài tôi đau lòng vì hằng năm có gần 6.000  trẻ em bị đuối nước. Có nhiều vụ xảy ra ngay tại Thủ đô, có nhiều em biết bơi rồi nhưng vẫn bị đuối nước vì thiếu những kỹ năng cần thiết để thoát hiểm. Ðấy, luận văn của tôi ra đời từ đó”.

Ðánh giá về luận văn của Chung, TS Tạ Ngọc Cầu, Giám đốc Ðại học FPT, người trực tiếp hướng dẫn, nhận xét: "Ðây là một trong số ít các nghiên cứu hướng đến lợi ích cộng đồng. Tôi rất vui vì những ý tưởng của anh Chung đang được hiện thực hóa nhanh chóng trong thời gian qua và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, vì lợi ích chung cho xã hội".

Qua 3 năm thực hiện dự án phổ cập bơi cho trẻ em thành phố, đã có gần chục ngàn trẻ em được đào tạo biết bơi và các kỹ năng mềm dưới nước. Hàng chục ngàn lượt học sinh đến tham gia rèn luyện, học bơi miễn phí .

“Ðể xã hội hóa một cơ sở bơi có khó khăn lắm không anh?” Tôi hỏi. Vô cùng khó - Chung trả lời. Ðể đó không sử dụng được thì không sao, nhưng khi tôi có ý định tạo thành Trung tâm (TT) thể thao cho các em thì gặp phải cả núi khó khăn. Nhưng cũng rất may là có nhiều người hiểu được mục đích dự án của chúng tôi nên đến nay chúng tôi đã làm được 12 TT bơi lội rồi - Chung hồ hởi khoe với tôi. 

Khi tôi hỏi về kinh phí đầu tư cho mỗi trung tâm bơi lội, Chung nói: "Ðầu tư một TT bơi lội cần vốn cỡ trên dưới triệu đô la. Công ty tôi kinh doanh nhiều ngành nghề, nói thật với số vốn đó chúng tôi đầu tư vào những mặt hàng chiến lược của công ty sẽ đem lại lợi nhuận hơn nhiều. Nhưng với tôi, lợi nhuận không phải là tất cả. Dự án cũng mới được gần 3 năm và  Công ty đã đầu tư 12 TT bơi lội. Hằng ngày, chứng kiến các em nhỏ đến học bơi, luyện tập để tăng cường sức khỏe, được nghe những phản hồi tích cực từ phụ huynh và thầy cô là tôi sung sướng lắm rồi. Anh có tin đó cũng là lợi nhuận mà không phải doanh nghiệp nào muốn là cũng được không?

Dự án của tôi được như ngày hôm nay có rất nhiều người giúp đỡ. Thành Ðoàn Hà Nội khi nghe tôi trình bày ý tưởng và dự định của mình đã ủng hộ tôi rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi có một đội ngũ thầy cô giáo cực kỳ tâm huyết với dự án. Họ không những đã tốt nghiệp đại học, họ được sang Nhật hoặc được giảng viên người Nhật trực tiếp đào tạo về bơi và hiểu rõ ý nghĩa cao cả của công việc này, điều đó giúp tôi rất yên tâm để thực hiện dự án.

Theo đam mê đến cùng cho dù thất bại ảnh 1

Một khóa học bơi miễn phí nằm trong dự án.

Với trẻ em ở xa những khu trung tâm đô thị, anh có ý tưởng gì dành cho các em đó không? Chung lặng một lát, nói: "Người ta thường nói “nói trước bước không qua”, tôi cũng không muốn nói trước những việc mình chưa làm được. Nhưng dự định của tôi thì có, những lần sang Nhật công tác (Công ty Bằng Linh đang hợp tác với 2 đối tác của Nhật ở 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau- PV), sau khi giải quyết hết các công việc, tôi thường đến các TT bơi lội để tìm hiểu thêm về công nghệ và đội ngũ giáo viên. Ở Nhật, không phải trường nào cũng xây bể bơi, nhưng ở những nơi không có bể bơi thì người ta đã cho lắp ghép các bể bơi thông minh đầy đủ như một TT bơi lội để huấn luyện, giảng dạy cho các em học sinh cách phòng chống đuối nước. Tôi đang ấp ủ dự định sẽ xin ý kiến của ngành Giáo dục, cùng với họ lắp đặt những TT thể thao ngay tại các trường, cả ở những nơi xa xôi nhất, tạo điều kiện để các em nhỏ ở  những nơi đó đỡ thiệt thòi".

Bắt đầu từ con số 0

Theo đam mê đến cùng cho dù thất bại ảnh 2

Doanh nhân Bùi Ngọc Chung nhận bằng khen của Thành Ðoàn Hà Nội tháng 7/2015

Chia sẻ về thời gian bắt đầu kinh doanh, Chung chậm rãi: “Sướng, vui, buồn, tủi tôi nếm đủ cả. Anh có tin tôi từng 2 ngày không thể kiếm nổi thứ gì cho vào bụng không? Tôi đã từng như thế đấy khi mới ở quê ra. Còn kinh doanh ư? Ðúng là từ con số không tròn trĩnh. Năm 1999, có hơn trăm bạc cộng thêm phần nhiều vay từ bạn bè, tôi mở phòng tập thể hình lấy tên là Olympia tại số 4 Trần Hưng Ðạo (Hà Nội). Những ngày đầu mọi thứ đều quá sức với tôi. Một ngày tôi phải làm việc từ 12 - 14 tiếng. Tôi vừa làm nhân viên tư vấn, kế toán, HLV có khi kiêm luôn cả bảo vệ. 

Làm như vậy cũng không đủ, tối về, tôi lại hì hụi với những công việc làm thêm vì tiền thu từ phòng tập không đủ để trả các khoản chi phí. Nói thật với anh, có được như ngày hôm nay tôi biết ơn vợ tôi nhiều lắm. Có những lúc phải nói là cơm chẳng có mà ăn nhưng cô ấy luôn ở bên tôi, động viên và sẻ chia...".

Và rồi khó khăn cũng qua dần, sau gần 20 năm ra đời, đến nay tập đoàn Bằng Linh đã có khoảng trên 40 phòng tập liên doanh, liên kết ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, hằng ngày có hàng chục ngàn lượt thanh niên đến luyện tập, tạo công ăn việc làm cho gần ngàn lao động.

“Với những bạn trẻ bắt đầu vào nghề kinh doanh, anh khuyên họ điều gì?”. “Cái này khó đấy vì nếu khuyên được chắc là… Tôi chỉ muốn tư vấn cho bạn trẻ hãy theo đuổi niềm đam mê của mình đến tận cùng kể cả chấp nhận thất bại. Có như vậy mình mới có được những bài học quý giá cho những bước tiếp theo”.

Với hơn 40 phòng tập và hơn chục TT bơi lội, doanh nhân Bùi Ngọc Chung tiếp tục ấp ủ giấc mơ đến một ngày nào đó, tất cả trẻ em sẽ biết bơi, đam mê tập luyện thể thao.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.