Thủy lợi “mềm hóa” phục vụ phát triển kinh tế

Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, có thể giúp tăng năng suất 10-40% so với tưới thông thường
Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, có thể giúp tăng năng suất 10-40% so với tưới thông thường
TP - Ngành Thủy lợi đang nỗ lực “mềm hóa”, không chỉ lo cấp, thoát nước, còn phục vụ đa mục đích, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, cà phê, hồ tiêu, chè... cải thiện đời sống người dân, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là giải pháp có tính đột phá cho vùng khô hạn, thiếu nguồn nước và trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tưới tiết kiệm giúp tăng năng suất

Gần đây, một số mô hình áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây cà phê tại Đắk Lắk đã mang lại hiệu quả cao. Thông thường, người dân ở Đắk Lắk tưới nước cho cây cà phê khoảng 4-5 lần, theo hình thức phun mưa hoặc tưới gốc, lượng nước vượt yêu cầu tới 300-400 lít/gốc/lần tưới; gây lãng phí nước và nguy cơ suy giảm độ phì nhiêu của đất. Tuy nhiên, với mô hình tưới tiên tiến, người dân tiết kiệm được khoảng 20% lượng nước. Mặt khác, theo tính toán, mỗi ha cà phê nếu tưới tiết kiệm chỉ mất 15 công, trong khi tưới truyền thống mất tới 24 công. Do hiệu quả rõ rệt, nên ngoài cây cà phê, ở Tây Nguyên cũng xuất hiện nhiều mô hình áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây hoa, rau... 

“Thủy lợi thay vì quan tâm đến xây dựng như trước đây, nay chúng ta quan tâm công tác quản lý; từ việc chỉ quan tâm công trình lớn, nay quan tâm đến công trình đồng ruộng, thay vì quan tâm đến cây lúa, nay thủy lợi còn phục vụ phát triển thủy sản và cây trồng khác. Trong đó, nếu áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có thể nâng cao năng suất tới 20- 30%, thậm chí 50%, giảm chi phí chăm sóc, tăng thu nhập cho nông dân”. 

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát
Theo bà Lê Thị Kim Cúc, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy lợi), ở Việt Nam, công nghệ tưới hiện đại đã được áp dụng cho một số cây trồng chủ lực tại một số địa phương như cà phê, mía, thanh long, hồ tiêu...Từ thực tiễn và kết quả nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, kết hợp với tưới phân, có thể giúp tăng năng suất 10-40%; giảm chi phí nhân công chăm sóc, tăng thu nhập cho hộ gia đình 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống 20- 40%. Thậm chí, tại mô hình Trung tâm mía đường ở Bến Cát (Bình Dương), năng suất còn vượt trội, tăng tới 170%. 

Tuy nhiên, bà Cúc cho biết, dù nhiều ưu điểm vượt trội so với tưới truyền thống, nhưng việc áp dụng công nghệ tưới mới ở nước ta còn hạn chế. Hiện diện tích cây trồng áp dụng phương pháp tưới hiện đại còn khiêm tốn, chỉ khoảng 28.500 ha, trong đó áp dụng tưới nhỏ giọt trên 21.000 ha, còn lại là tưới phun mưa cục bộ. Lý giải điều này, bà Cúc cho rằng, do công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao nhận thức cho nông dân còn thiếu và yếu. 

Trong khi đó, chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn khá cao so với thu nhập trung bình của người dân. Mặt khác, với công nghệ mới, người sử dụng phải có kiến thức nhất định. Do vậy, một khi người dân chưa hiểu hết được lợi ích, giá trị kinh tế do công nghệ mới mang lại tốt hơn so với cách làm truyền thống, họ cũng chưa mạnh dạn đầu tư. 

Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến đến năm 2020, cả nước có khoảng 500.000 ha cây trồng được tưới theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, ngành thủy lợi phải “chạy” đồng bộ nhiều giải pháp: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng các cây trồng chủ lực gắn với tưới tiết kiệm; nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân áp dụng, đơn vị khoa học, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chế tạo, chuyển giao, sản xuất thiết bị tưới tiên tiến, tiết kiệm…

Nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi 

Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có là một trong những giải pháp quan trọng. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, thủy lợi giai đoạn mới cần hướng tới các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, như áp dụng tưới tiên tiến cho cây trồng cạn, thủy lợi cho thủy sản; ứng dụng những công nghệ tiên tiến, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống thiên tai. 

Hiện ngành thủy lợi đang triển khai đánh giá hệ thống công trình thuỷ lợi hiện có về hạ tầng, tổ chức quản lý, hiện trạng và khả năng mở rộng cung cấp dịch vụ. Dự kiến, năm 2015 sẽ rà soát, đánh giá xong 110 hệ thống lớn, đến 2017 đánh giá 794 hệ thống thủy lợi vừa; giai đoạn năm 2018 - 2020, đánh giá các công trình thủy lợi còn lại trên toàn quốc. 

Theo Tổng cục Thủy lợi, để nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi sẵn có, cần nghiên cứu, ban hành cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia quản lý khai thác công trình; đề xuất chính sách củng cố, phát triển tổ chức thuỷ nông cơ sở... Cùng đó, sẽ hỗ trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng theo quy mô canh tác tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa, khuyến khích liên kết sản xuất theo canh tác cánh đồng lớn. Với các Cty khai thác các công trình thủy lợi, phải đổi mới phương thức hoạt động, chuyển từ việc giao kế hoạch sang hình thức đặt hàng, hoàn thiện thể chế để tiến tới đấu thầu trong công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi. 

Ngành thủy lợi cũng rà soát lại quy hoạch thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản ở miền Trung, đồng bằng sông Cửu long; đề xuất các giải pháp cung cấp nước mặn, ngọt chủ động, đảm bảo chất lượng nước cho vùng nuôi công nghiệp (tôm, cá tra). Cùng đó, ngành thủy lợi sẽ tổng rà soát quy hoạch, hướng đến phục vụ cho cây trồng cạn chủ lực như cà phê (Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Bắc); điều (Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ); hồ tiêu (Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Bắc Trung bộ); chè (trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên); cây mía và các loại cây ăn quả. 

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, quá trình tái cơ cấu ngành thủy lợi là thay đổi cách quản lý, và đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. “Thủy lợi thay vì quan tâm đến xây dựng như trước đây, nay chúng ta quan tâm công tác quản lý; từ việc chỉ quan tâm công trình lớn, nay quan tâm đến công trình đồng ruộng, thay vì quan tâm đến cây lúa, nay thủy lợi còn phục vụ phát triển thủy sản và cây trồng khác.

Trong đó, nếu áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có thể nâng cao năng suất tới 20-30%, thậm chí 50%, giảm chi phí chăm sóc, tăng thu nhập cho nông dân”- ông Phát nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các viện, trường lâu nay có các công trình nghiên cứu chỉ đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, các nghiên cứu đó, cần đăng ký với bộ, liên kết với các doanh nghiệp để đưa tiến bộ đó vào sản xuất, tạo ra giá trị thương mại.

Trưởng Ban Quản lý T.Ư Các dự án Thủy lợi Trần Quang Hoài:

Đổi mới quản lý, sử dụng vốn cho thủy lợi

 Thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị tăng nông sản, đặc biệt là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Trước những yêu cầu mới để phát triển kinh tế của đất nước, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi ngành thủy lợi phải có những chuyển biến, giải pháp đồng bộ, từ cơ chế chính sách đến giải pháp khoa học công nghệ, phục vụ đa mục đích cho các lĩnh vực, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các công trình thủy lợi phải đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến phục vụ cánh đồng lớn. Các dự án thủy lợi cũng hướng đến việc thích ứng với những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu nhiều khả năng sẽ gây ra trong 20-50 năm tới. Các hệ thống tưới tiêu góp phần giảm thiểu tác động của ô nhiễm từ đô thị và khu công nghiệp đổ vào các vùng tưới, vùng nuôi trồng thủy sản.

Để đáp ứng quá trình đó, việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn ODA cho thủy lợi cũng phải thay đổi căn bản. Nếu như trước đây, các dự án chủ yếu là tập trung đầu tư cho công trình, hạ tầng, giai đoạn mới cần tập trung đưa khoa học công nghệ, thể chế chính sách, xã hội hóa trong lĩnh vực vật tư, cơ cấu tổ chức quản lý…để phục vụ tái cơ cấu ngành. Qua đó tăng giá trị gia tăng nông sản, cải thiện thu nhập nông dân, giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Cùng đó, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như từng bước hoàn thiện hệ thống công trình thuỷ lợi, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phục vụ đa mục đích.

Phạm Anh (ghi)

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.