Tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh điện

EVN SPC ráo riết thực hiện các giải pháp nhằm tối ưu hoá chi phí sản xuất kinh doanh điện. Ảnh: Đại Dương
EVN SPC ráo riết thực hiện các giải pháp nhằm tối ưu hoá chi phí sản xuất kinh doanh điện. Ảnh: Đại Dương
TP - Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC - đơn vị quản lý kinh doanh điện khu vực miền Nam, từ Ninh Thuận, Lâm Đồng trở vào Cà Mau, Kiên Giang) đang triển khai thực hiện các biện pháp nhằm tối ưu hoá chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Tăng doanh thu, giảm chi phí

Theo ông Nguyễn Văn Hợp- Phó TGĐ EVN SPC, có 3 loại chỉ tiêu liên quan đến sản xuất kinh doanh, quản trị và quản lý của Tổng công ty. Trong đó, tăng doanh thu và giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện là yếu tố hàng đầu. EVN SPC xây dựng kế hoạch thực hiện tối ưu hoá chi phí sản xuất kinh doanh điện trong các năm 2014- 2015 và có định hướng đến 2018. 


Ông Hợp cho biết, dự kiến năm 2014 điện thương phẩm toàn EVN SPC là 44 tỷ 120 triệu kWh, tăng 10,3% so với thực hiện năm 2013. Giá bán bình quân ước 1.477 đồng/kWh, vượt 3đồng/kWh so với kế hoạch được giao. Doanh thu năm 2014 đạt 65.165 tỷ đồng tăng 12,33% so với thực hiện 2013 và tăng so với kế hoạch 132,3 tỷ đồng. 

Về giảm chi phí sản xuất kinh doanh, EVN SPC đặt chỉ tiêu thực hiện tổn thất điện năng năm 2014 là 5,48%. Sản lượng điện giảm được so với năm 2013 là 41,33 triệu kWh, tương đương giảm chi phí 50,66 tỷ đồng. Tiết kiệm 5% kế hoạch chi phí vật liệu, dịch vụ mua ngoài, chi phí khác bằng tiền tương đương 90,37 tỷ đồng. 

EVN SPC đồng thời thực hiện các chỉ tiêu tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đảm bảo vận hành hệ thống an toàn, ổn định, tin cậy và phát huy nguồn nhân lực. Nhằm tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, EVN SPC tập trung thanh xử lý 100% vật tư thiết bị tồn đọng, mất phẩm chất tương đương 50,894 tỷ đồng. Giảm 10% giá trị hàng tồn kho tương đương giảm 61,6 tỷ đồng. Các công trình sửa chữa lớn lưới điện, dự kiến năm 2014 sẽ thực hiện hoàn thành 756 công trình với tổng giá trị là 560/604,4 tỷ đồng kế hoạch.

Ông Hợp cũng cho biết, đi kèm với các chỉ tiêu, Tổng công ty triển khai các nhóm giải pháp thực hiện từ cấp Tổng công ty đến công ty thành viên; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cá nhân, đơn vị trực thuộc. Nhờ vậy, bước đầu việc tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh đã có những hiệu quả rõ rệt.

Tối ưu hóa chi phí đầu tư xây dựng

EVN SPC cũng đặt mục tiêu tối ưu hóa chi phí đầu tư xây dựng, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư và giai đoạn kết thúc đầu tư, nghiệm thu bàn giao và quyết toán công trình. Theo đó, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư tiết kiệm ít nhất 5% giá trị dự toán được duyệt so với dự toán tính theo đúng định mức, đơn giá Nhà nước quy định.

Để đạt được chỉ tiêu này, Phó TGĐ Nguyễn Văn Hợp cho biết, EVN SPC đặt ra một loạt các nhiệm vụ cụ thể như: thực hiện đúng quy trình khảo sát, đo vẽ địa hình, địa chất lựa chọn phương án đầu tư đủ đáp ứng cho công tác tính toán thiết kế ở mỗi giai đoạn, thiết kế kỹ thuật. Rà soát, cắt bỏ những hạng mục không cần thiết, kết cấu tính toán đảm bảo đủ đáp ứng về kỹ thuật và nhu cầu. Lập, kiểm tra phê duyệt tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán đúng quy định. 

Trong giai đoạn thực hiện đầu tư, Tổng công ty thường xuyên rà soát để cắt bỏ những hạng mục không cần thiết, giảm qui mô, kết cấu tính toán đảm bảo đủ đáp ứng về kỹ thuật và nhu cầu. Tăng cường công tác giám sát trong tất cả các giai đoạn đầu tư của dự án nhằm hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình thực hiện dẫn đến phát sinh chi phí đầu tư. Thực hiện kiểm tra thực tế hiện trường đối với từng công trình nhằm kiểm soát biện pháp tổ chức xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế để làm cơ sở lập chi phí; áp dụng phù hợp, đúng định mức, đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành. Kiểm soát chặt chẽ đối với các khối lượng, chi phí phát sinh, đồng thời xác định rõ tránh nhiệm của các bên tư vấn thiết kế, Ban A, nhà thầu, tư vấn giám sát trong các khoản mục, chi phí phát sinh.

EVN SPC và các đơn vị tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân khu vực hỗ trợ giải quyết tháo gỡ vướng mắc khó khăn đền bù giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đóng điện công trình. Lãnh đạo đơn vị thường xuyên kiểm tra và xử lý các vướng mắc trong quá trình thi công và trong công tác giải phóng mặt bằng. Nâng cao năng lực quản lý về tiến độ, chất lượng và quản lý chi phí dầu tư xây dựng.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.