Tổng Cty Truyền tải điện Quốc gia và dấu ấn 2 sự kiện

Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm
Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm
TP - Trong tháng 11 vừa qua, Tổng Cty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) để lại dấu ấn quan trọng với 2 sự kiện trọng đại: phát hành thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu và đóng điện thành công trạm biến áp (TBA) 220kV Tháp Chàm và đường dây 220kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm.

Dấu ấn 1.500 tỷ đồng

Có thể nói, đây là lần đầu tiên EVNNPT phát hành trái phiếu. Với khoản tiền 1.500 tỷ đồng, lãi suất thả nổi, kỳ hạn 5 năm và lãi suất biên 2,3%/năm được các chuyên gia đánh giá là “thành công ngoài mong đợi”. Thực tế, trong lần đầu phát hành trái phiếu của EVNNPT, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư trên thị trường. Có thể kể đến như các ngân hàng thương mại, các Cty bảo hiểm, Cty quản lý quỹ, Cty tài chính, Cty chứng khoán. 

Theo lãnh đạo EVNNPT, tổng khối lượng đăng ký đầu tư vượt khối lượng dự kiến phát hành và việc phát hành đủ khối lượng 1.500 tỷ đồng với lãi suất biên 2,3%/năm (mức lãi suất thấp nhất đối với trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong thời gian 5 năm gần đây) là rất thành công. “Kết quả này thể hiện uy tín của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói chung, EVNNPT nói riêng trên thị trường vốn trong nước và quốc tế ngày càng được nâng cao. Tạo điều kiện tốt để EVNNPT huy động vốn phục vụ công tác đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia trong những năm tiếp theo”, một lãnh đạo EVNNPT chia sẽ.

Một số chuyên gia tài chính cho biết, sự thành công vượt trội của đợt phát hành trái phiếu của EVNNPT dựa trên các quyết sách đúng đắn, hợp lý và linh hoạt của ban lãnh đạo EVNNPT về thời điểm, khối lượng, lãi suất phát hành. Các quyết sách này được đưa ra trên cơ sở những nhận định đúng đắn về nền kinh tế vĩ mô, các dự báo chính xác về diễn biến thị trường tài chính Việt Nam. “Là một trong số ít đợt phát hành của các Tập đoàn/Tổng Công ty nhà nước trong năm 2014 tính tới thời điểm phát hành, đợt phát hành trái phiếu EVNNPT đã góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước vào thời điểm cuối năm 2014”, một chuyên gia kinh tế nói.

Vận hành đường dây 220kV Vĩnh Tân-Tháp Chàm

Sau cú nhấn về đợt phát hành trái phiếu, ngày 30/11 vừa qua, EVNNPT cũng đã đóng điện đưa vào vận hành dự án đường dây 220kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm và Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm và đường dây 220kV đấu nối. Đây là dự án được khởi công xây dựng vào ngày 23/10/2013, thuộc danh mục các dự án cấp bách cấp điện cho miền Nam được Chính phủ phê duyệt. Dự án được đầu tư xây dựng nhằm mục tiêu truyền tải công suất Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vào hệ thống điện quốc gia, tạo liên kết lưới điện 220kV khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Đồng thời, tăng cường công suất, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho nhu cầu phụ tải khu vực tỉnh Ninh Thuận và các vùng lân cận.

Dự án do EVNNPT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung - AMT (trực thuộc EVNNPT) được giao quản lý điều hành dự án. Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 là đơn vị tư vấn thiết kế; Công ty CP Xây lắp điện 1 và Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 đảm nhận thi công; Công ty CP Thủy điện A Vương đảm nhận công tác thí nghiệm hiệu chỉnh trạm. Công ty Truyền tải điện 3 quản lý vận hành.

Công trình Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm và các đường dây đấu nối có tổng mức đầu tư 453,5 tỷ đồng. Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm được xây dựng tại thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) có quy mô 2 máy biến áp, giai đoạn này lắp đặt 1 máy biến áp công suất 125MVA, hệ thống phân phối 220kV lắp đặt 6 ngăn lộ và hệ thống phân phối 110kV lắp đặt 7 ngăn lộ. Đường dây 220kV đấu nối đi qua địa bàn các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Bác Ái thuộc tỉnh Ninh Thuận, có chiều dài 28,135 km mạch kép từ Trạm 220kV Tháp Chàm đến vị trí đấu nối trong khoảng cột VT69- 70 của đường dây 220kV Đa Nhim - Nha Trang hiện hữu.

Công trình Đường dây 220kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm có tổng mức đầu tư 326,7 tỷ đồng, chiều dài 63,257km mạch kép từ Trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân đến Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm, đi qua địa bàn huyện Tuy Phong thuộc tỉnh Bình Thuận và các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam thuộc tỉnh Ninh Thuận.

MỚI - NÓNG