Trung tâm Điện lực Kiên Lương: Kéo sáng cực Nam

Trung tâm Điện lực Kiên Lương: Kéo sáng cực Nam
TP- Khi Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương được xây dựng, Trung tâm nhiệt điện này sẽ là một trong 5 trung tâm điện lực đốt than được phát triển ở khu vực phía Nam...
Trung tâm Điện lực Kiên Lương: Kéo sáng cực Nam ảnh 1
Lễ công bố mời thầu EPC trung tâm nhiệt điện Kiên Lương

Kể từ ngày Tập đoàn Tân Tạo (ITA Group) ký kết với các tư vấn trong và ngoài nước như Cty Black& Veatch (Hoa Kỳ), Cty FHDI, Công ty Tư vấn Điện 2 để thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Kiên Lương thuộc Tập đoàn Tân Tạo trị giá 6,7 tỷ USD lớn nhất Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, công nghiệp điện của ta được mở cửa thực sự với nước ngoài.

Nhân dân ĐBSCL thì kỳ vọng, dự án tổng hợp điện-cảng biển này sẽ kéo sáng kinh tế cực Nam tổ quốc.

Hướng về nội địa, phát triển nội lực

Sau khi thành danh ở đất Mỹ, nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch ITA Group trở về quê hương, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy công nghiệp nước nhà.

Bước qua mốc đánh dấu sự trưởng thành tại hàng chục khu công nghiệp với tổng diện tích hàng nghìn ha tại Việt Nam, bà Yến và các cộng sự cảm nhận được sự thiếu hụt nguồn điện cho tương lai, nên quyết định hướng đầu tư sang thêm một lĩnh vực mới: xây dựng nhà máy điện.

Trung tâm Điện lực Kiên Lương, sau khi được đặt lên bàn ký kết với các tư vấn trong và ngoài nước ngày 8/4/2009, là kết quả nghiên cứu thai nghén của rất nhiều chuyên gia trong tập đoàn và quyết định táo bạo của bà Yến.

Trung tâm Điện lực Kiên Lương là dự án trọng điểm của ITA Group. Tổng vốn dự kiến lên đến hơn 6,7 tỷ USD (chưa tính hạng mục cảng biển). Trung tâm Điện lực Kiên Lương có công suất từ 4.400 MW đến 5.200 MW, lớn nhất cả nước. Đây là dự án lớn nhất thuộc ngành điện mở cửa cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư, Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Theo ITA Group, đây là dự án tiếp tục phát triển nội lực trong nội địa, bởi hai ý nghĩa. Nguồn lực để phục vụ dự án này được huy động từ Tập đoàn và một phần nguồn vốn trong nước. Sản phẩm của nhà máy sẽ phục vụ cho chiến lược phát triển “điện đi trước công nghiệp một bước”.

Theo Công văn số 1385, ngày 25/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương bước đầu được xây mới với công suất 2x600 MW, sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia dự kiến 8.100 tỷ đến 8.640 tỷ KWh/năm.

Để dự án đứng chân vững chủ yếu trên nội lực này được phát triển mạnh ngay trong thời suy thoái, ITA Group đã cử trực tiếp ông Đặng Quang Hạnh - Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn điều hành.

Thể hiện sự bình đẳng trước các thành phần kinh tế, Chính phủ cũng mở hết các cơ chế với những dự án trực tiếp hỗ trợ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 27/7/2009, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bảo lãnh của Chính phủ cho Dự án nhiệt điện Kiên Lương 1.  

Dự án đỡ đầu phát triển công nghiệp

Khi Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương được xây dựng, Trung tâm nhiệt điện này sẽ là một trong 5 trung tâm điện lực đốt than được phát triển ở khu vực phía Nam, mục tiêu là đáp ứng nhu cầu phụ tải đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.

Theo ông Bùi Ngọc Sương - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, người trực tiếp ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đặc biệt này thì Dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương sẽ được đặt tại ấp Ba Hòn, huyện Kiên Lương. Tổng diện tích sẽ quy hoạch sử dụng của toàn Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương là 555,9 ha.

Việc phát triển dự án điện này, tuy là phát điện lên lưới điện quốc gia, song cũng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của chính tỉnh Kiên Giang và đỡ đầu phát triển công nghiệp cho toàn vùng ĐBSCL.

Khi nhà máy đi vào hoạt động cũng sẽ tạo ra các trung tâm kinh tế liên kết với các trung tâm kinh tế khác (nhất là khi hoàn thành được hạng mục cảng nước sâu Nam Du với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD) trở thành những điểm sáng phát triển kinh tế cả nước.

Theo báo cáo của ITA Group, hàng chục hạng mục của dự án đã và đang được hoàn thành như thiết kế cơ sở hạ tầng cho nhà máy điện, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đàm phán hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam…

Rồi đây, khi dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thu trực tiếp cho tỉnh để tái đầu tư các dự án phục vụ dân sinh tại Kiên Giang.

* Hồ sơ thầu về Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương sẽ được mở vào ngày 3/8/2009 và dự kiến khởi công xây dựng vào cuối tháng 12 năm 2009.

* Bộ Tài chính cho rằng, dự án nhiệt điện than Kiên Lương giai đoạn 1 tại tỉnh Kiên Giang là dự án đầu tư nguồn điện nằm trong quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2006 - 2015. Dự án là đối tượng được áp dụng điều 3 của quyết định số 110/2007/QĐ-TTg, ngày 18/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.