Ứng dụng Công nghệ vào hoạt động gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi

Ứng dụng Công nghệ vào hoạt động gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi
Ngày 16/9/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 64/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 314/2016/TT-BTC ngày 28/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN)

Trong đó, tại khoản 2 Điều 3 Thông tư quy định “Giao Kho bạc Nhà nước thực hiện gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại theo phương thức điện tử từ ngày 01/01/2020”. Trên cơ sở đó, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị triển khai như lập đề cương, xây dựng dự toán, chuẩn bị hồ sơ mời thầu... đồng thời, trình Bộ Tài chính lộ trình thực hiện theo 02 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ 01/01/2020 đến 31/12/2020): Thực hiện gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM theo phương thức bán điện tử; trong đó, thực hiện điện tử một số bước gồm: (i) thông báo kết quả lựa chọn NHTM dự kiến gửi tiền có kỳ hạn; (ii) thông báo nhu cầu gửi tiền có kỳ hạn của KBNN; (iii) thông báo kết quả lựa chọn NHTM để gửi tiền có kỳ hạn (bằng các văn bản này được ký số và gửi qua thư điện tử). Các bước còn lại thực hiện theo phương thức thủ công, gồm gửi, nhận bản chào nhận tiền gửi (trong phong bì được niêm phong), mở bản chào nhận tiền gửi (do Hội đồng mở bản chào nhận tiền gửi thành lập theo quyết định của Tổng Giám đốc KBNN thực hiện).

Giai đoạn 2 (từ 01/01/2021): Thực hiện gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM theo phương thức điện tử qua Hệ thống Quản lý ngân quỹ (QLNQ). Hệ thống QLNQ được thiết kế gồm 2 phần:

Phần “Back- end” (phần dành cho KBNN): được cài đặt trong mạng WAN của Bộ Tài chính để phục vụ người sử dụng thuộc KBNN thực hiện các nghiệp vụ lựa chọn NHTM để gửi NQNN tạm thời nhàn rỗi, gồm các chức năng: (i) đánh giá lựa chọn NHTM dự kiến gửi tiền có kỳ hạn; (ii) tính toán, thiết lập các hạn mức giao dịch (hạn mức quý, hạn mức ngày, hạn mức cho từng kỳ hạn); (iii) nhận bản chào nhận tiền gửi từ các NHTM; (iv) mở bản chào; (v) xác định kết quả; (vi) quản lý hợp đồng, phụ lục hợp đồng, quản lý thanh toán và báo cáo.

Phần “Front- end” (Phần dành cho NHTM): mở ra internet, cung cấp các chức năng: (i) nhận các thông báo từ KBNN; (ii) chào nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN; (iii) tra cứu, tải xuống các văn bản của KBNN; (iv) kết nối với hệ thống chứng thực chữ ký số (CA) để ký chữ ký số.

Với các chức năng như trên, Hệ thống QLNQ giúp hoạt động gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM của KBNN được bảo mật, khách quan, công khai và minh bạch; đồng thời, đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm thời gian thực hiện. Những lợi ích rõ nét nhất mà Hệ thống QLNQ sẽ đem lại cho các bên tham gia vào Hệ thống có thể kể ra như sau:

Ứng dụng Công nghệ vào hoạt động gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi ảnh 1  

Về phía ngân hàng thương mại:

Một lợi ích đáng kể mà Hệ thống QLNQ mang lại là việc tạo ra “sân chơi” bình đẳng, minh bạch cho các NHTM khi mà tất cả các NHTM được đánh giá, lựa chọn vào danh sách NHTM dự kiến gửi tiền có kỳ hạn của KBNN theo quy định tại Thông tư số 64/2019/TT-BTC được tham gia vào Hệ thống với vai trò như nhau, tất cả các bản chào nhận tiền gửi của NHTM được ký duyệt bằng chữ ký số và được mã hóa đảm bảo an toàn, bảo mật. Thời gian nhận bản chào được thiết lập sẵn trên Hệ thống và được quản lý bằng tham số, cho phép Hệ thống tự động từ chối nhận các bản chào được gửi sau thời gian quy định (sau 14 giờ 00 ngày đến hạn nhận bàn chào nhận tiền gửi), đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong khâu nhận bản chào từ các NHTM.

Việc triển khai và tham gia Hệ thống QLNQ tại các NHTM rất nhanh chóng, thuận tiện, do Hệ thống QLNQ không đòi hỏi cao về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, NHTM chỉ cần có máy tính kết nối internet, có chứng thư số của người đại diện và chứng thư số của NHTM (để thực hiện việc ký số văn bản điện tử) và đăng ký cấp tài khoản người sử dụng thành công với KBNN.

Hệ thống QLNQ cũng cung cấp các tiện ích cho người sử dụng của NHTM như gửi email thông báo đến địa chỉ thư điện tử của người sử dụng, hiển thị các thông báo “nhắc việc” ngay trên trang chủ của Hệ thống (theo đó, khi có bất cứ thông báo nào của KBNN được gửi lên Hệ thống, Hệ thống sẽ tự động gửi email thông báo cho người sử dụng của NHTM để thực hiện đăng nhập vào Hệ thống xem chi tiết nội dung, mà không cần phải thường xuyên đăng nhập Hệ thống để kiểm tra thông báo của KBNN); đồng thời, chỉ cần nhấp chuột vào các thông báo trên trang chủ sẽ chỉ dẫn người sử dụng đến màn hình thực hiện thao tác cụ thể.

Cuối cùng, một lợi ích cũng cần phải kể đến đó là Hệ thống QLNQ giúp NHTM thực hiện chào nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại để giao nhận các văn bản giấy, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 như hiện nay.

Về phía Kho bạc Nhà nước:

Lợi ích đầu tiên mà Hệ thống QLNQ đem lại cho KBNN là việc đảm bảo tính khách quan, minh bạch, chính xác do hạn chế tối đa sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện đánh giá, lựa chọn NHTM, cụ thể: Hệ thống QLNQ tự động thực hiện việc tính toán, chấm điểm đánh giá, kết xuất danh sách các NHTM dự kiến gửi tiền có kỳ hạn (trên cơ sở dữ liệu các tiêu chí đánh giá của từng NHTM được nhập vào Hệ thống); đồng thời, tự động xác định kết quả lựa chọn NHTM để gửi tiền có kỳ hạn (gồm khối lượng, lãi suất gửi tương ứng từng kỳ hạn tại từng NHTM, trên cơ sở các bản chào nhận tiền gửi của các NHTM, lãi suất gửi có kỳ hạn NQNN tối thiểu cho từng kỳ hạn). Đặc biệt, tính bảo mật được đảm bảo trong suốt quá trình chào, nhận bản chào, mở bản chào do Hệ thống QLNQ được thiết kế, xây dựng để không thể có bất cứ sự can thiệp của con người (kể cả chuyên gia công nghệ thông tin) vào việc mã hóa bản chào, hay xem được bản chào trước giờ mở.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện quy trình gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM qua Hệ thống QLNQ cũng giúp KBNN quản lý NQNN an toàn, hiệu quả hơn thông qua các chức năng hỗ trợ KBNN kiểm soát rủi ro như việc áp dụng nguyên tắc “bốn tay, bốn mắt” đối với tất cả các thao tác trên Hệ thống (một người nhập thông tin, ít nhất một người kiểm soát hoặc phê duyệt thông tin); tách bạch rõ người thiết lập các hạn mức và người thực hiện giao dịch trên hệ thống để ngăn chặn các giao dịch vượt hạn mức đã được phê duyệt; chức năng quản lý thanh toán, báo cáo nhằm theo dõi, quản lý nguồn tiền ra, vào từ hoạt động gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM. Ngoài ra, việc điện tử hóa quy trình, thủ tục gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM, đặc biệt là việc KBNN triển khai ký Phụ lục Hợp đồng gửi tiền điện tử với các NHTM, sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các giao dịch gửi tiền, giúp KBNN vừa giảm thiểu các thao tác thủ công, vừa tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi.

Theo dự kiến ngày 01/12/2020, KBNN sẽ đưa Hệ thống QLNQ vào vận hành chính thức, sớm hơn 01 tháng so với tiến độ đã trình Bộ Tài chính.

Với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM trong quá trình tham gia chào nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN; đồng thời, giúp KBNN quản lý NQNN an toàn, hiệu quả hơn và là tiền đề để KBNN tiếp tục phát triển, nâng cấp ứng dụng phục vụ các hoạt động quản lý NQNN khác như tạm ứng NQNN cho ngân sách nhà nước, mua lại có kỳ hạn TPCP,..../.

MỚI - NÓNG