Vi phạm hành lang an toàn lưới điện gia tăng mạnh

Công nhân Công ty Điện lực Bình Phước phát quang hành lang an toàn lưới điện. Ảnh: Đình Hoàng
Công nhân Công ty Điện lực Bình Phước phát quang hành lang an toàn lưới điện. Ảnh: Đình Hoàng
TP - Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), tình trạng vi phạm an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn các tỉnh phía Nam ngày càng gia tăng.

Điếc không sợ súng

Một ngày đầu tháng 11/2016, đến phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) phóng viên bắt gặp không ít những công trường xây dựng nhà ở vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp 220 kV. Giàn giáo, các trang thiết bị thi công và vật tư nhiều khi chỉ cách đường dây điện khoảng 20cm. “Nguy cơ phóng điện dẫn đến tai nạn rất cao” - ông Nguyễn Thế Nam -Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Bình Dương nói. Ông Nam cho biết, theo quy định, khoảng cách tối thiểu giữa đường dây điện 22kV với các công trình dân dụng, nhà cửa là 2m và theo chiều đứng là 3m. Cũng vì vi phạm hành lang an toàn nên từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Bình Dương đã xảy ra hai sự cố điện làm 1 người chết, 2 người bị thương do trong quá trình xây nhà, đưa thanh sắt cao vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Theo ông  Nam, chủ công trình cũng như công nhân xây dựng chưa thấy hết được sự nguy hiểm khi làm việc ở gần đường dây.

EVN SPC cho biết, trong 70 sự cố điện diễn ra trên địa bàn 21 tỉnh thành miền Nam 9 tháng đầu năm 2016, nguyên nhân gây sự cố nhiều nhất và để lại hậu quả nghiêm trọng nhất bắt nguồn từ việc người dân xây nhà vi phạm khoảng cách an toàn dẫn đến phóng điện. “Đa số công nhân xây dựng không làm đủ biện pháp che chắn đảm bảo khoảng cách cũng như liên hệ với điện lực để khảo sát hiện trường đảm bảo an toàn thi công”- ông Trường nói.

EVN SPC cho biết, nguyên nhân gây sự cố điện nhiều tiếp theo là các phương tiện giao thông vi phạm an toàn giao thông, xâm phạm công trình lưới điện cao áp. Các tuyến đường dây thuộc khu vực ĐBSCL đi qua nhiều sông ngòi, kênh rạch. Mật độ lưu thông của các phương tiện thủy dày đặc nhưng người điều khiển phương tiện thường chủ quan, không thực hiện theo bảng cảnh báo an toàn điện dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn, gây sự cố cho lưới điện quốc gia. Nguyên nhân gây sự cố lưới điện từ các phương tiện giao thông đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Riêng Đồng Nai, nơi có nhiều đường giao thông huyết mạch và mật độ giao thông cao nên tình trạng các phương tiện giao thông gây sự cố lưới điện cũng rất nghiêm trọng.  Ông Hồ Minh Quang-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Nai cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn Đồng Nai có 25 vụ vi phạm gây sự cố lưới điện như các phương tiện giao thông đụng vào trụ điện. Tại một số địa phương khu vực miền Đông, nguyên nhân chính gây sự cố điện lại do cây xanh ngã đổ vào đường dây điện. Ông Đặng Xuân Trường-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước cho biết, hiện địa phương này đang tồn tại hơn 2.300 cây cao su vi phạm hành lang an toàn lưới điện nhưng chưa xử lý được. Và có đến hơn 150.000 cây cao su nằm ngoài hành lang an toàn lưới điện vẫn có khả năng  gây sự cố.

Gồng mình kéo giảm vi phạm an toàn lưới điện

Ông Hồ Quang Ái -Phó tổng giám đốc EVN SPC cho biết, EVN SPC đã và đang chỉ đạo các đơn vị điện lực thành viên tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp, từ xử phạt nghiêm vi phạm, đến tuyên truyền, cảnh báo nhằm kéo giảm tình trạng vi phạm xuống mức thấp nhất.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện không những không giảm mà còn tăng mạnh. Ông Nguyễn Thế Nam cho biết, dù ngành điện phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp như xử phạt vi phạm, cảnh báo nguy hiểm, và vận động, tuyên truyền nhưng từ đầu năm đến nay tại địa bàn Bình Dương vẫn phát hiện 164 vụ vi phạm, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Ông Thượng Văn Bình-Phó Chủ tịch phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) nói: “Chính quyền đã xử phạt, cắm bảng cấm họp chợ và đề nghị ngành điện ngừng cung cấp điện nhưng người dân đối phó bằng việc mua máy phát điện sử dụng chứ không chịu giải tỏa những kiến trúc, vật dụng vi phạm hành lang an toàn lưới điện”.

Theo ông Đặng Xuân Trường, việc xử lý các tình huống, ngăn ngừa nguy cơ đe dọa sự an toàn của lưới điện cao áp là rất khó khăn. Theo quy định đảm bảo hành lang an toàn lưới điện thì chỉ giải tỏa cách 2m. Tuy nhiên cây có chiều cao lên tới 20m thì khả năng ngã đổ khi có giông lốc gây mất điện là rất lớn. Việc giải tỏa, chặt đốn những cây nằm ngoài hành lang nhưng nguy cơ đe dọa lưới điện là vô cùng phức tạp.  Điều nguy hiểm là nhiều người dân có chung tâm lý là chưa thấy tai nạn nên chưa sợ. Điển hình ngay dưới đường điện cao thế ở phường Tân Hiệp (thị xã Tân Uyên) người dân vẫn họp chợ mua bán hàng ngày bên cạnh biển báo nguy hiểm mà chính quyền không xử lý được.

MỚI - NÓNG