Vinafor tinh gọn, hiệu quả theo thị trường

Vinafor thực hiện chuỗi khép kín trồng rừng đến sản phẩm
Vinafor thực hiện chuỗi khép kín trồng rừng đến sản phẩm
TP - Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) trong giai đoạn mới đã linh hoạt theo hướng thị trường, với mục tiêu “ăn chắc”, tinh gọn và hiệu quả.

Bên cạnh phát triển mảng lâm nghiệp truyền thống, Vinafor còn cho thấy tầm nhìn chiến lược trong “làm ăn” với liên doanh, liên kết, phát huy vai trò “chim đầu đàn” của ngành Lâm nghiệp Việt Nam.

Tinh gọn, hiệu quả 

Ông Phạm Quang Hiển, Chủ tịch HĐTV Vinafor cho biết, quá trình thực hiện tái cơ cấu Tổng Công ty thời gian qua đã hướng đến việc tinh giản các đầu mối, gọn nhẹ về số lượng nhưng tăng về chất lượng, hiệu quả đúng với xu thế của thị trường. 

Theo đó, với các đơn vị sản xuất lâm nghiệp sẽ được bố trí, sắp xếp lại mô hình tổ chức và quản lý theo hướng gọn nhẹ, bỏ cấp trung gian. Trước đây, mô hình tổ chức tại các đơn vị lâm nghiệp là : Công ty – Lâm trường – Đội sản xuất. Khi sản xuất sẽ bỏ khâu Lâm trường, Cty trực tiếp chỉ đạo điều hành trực tiếp đến đội sản xuất. Việc bỏ cấp trung gian đã mang lại hiệu quả tốt hơn, giảm chi phí quản lý, thông tin trực tiếp mau lẹ, nắm bắt sát thực tiễn. 

“Vinafor luôn thận trọng và phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng các dự án mở rộng sản xuất, kiên định với chiến lược đầu tư không dàn trải, không đầu tư bằng mọi giá khi chưa chứng minh được hiệu quả và khả năng phát huy của dự án, đầu tư có chọn lọc kỹ lưỡng và không đầu tư ngoài ngành”.

Chủ tịch HĐTV Vinafor Phạm Quang Hiển

Đối với đất sản xuất kinh doanh (SXKD), Vinafor sẽ bóc tách, trả về địa phương những diện tích đất tự nhiên tranh chấp, không SXKD được, trong khi lâu nay vẫn thể hiện trên sổ sách quản lý. Cùng đó, Vinafor sẽ quy hoạch gọn lại và phân loại để xác định phương án kinh doanh cụ thể, hiệu quả hơn, tăng cường trách nhiệm và hiệu quả khai thác sử dụng đất lâm nghiệp tốt hơn. 

Ông Hiển cho biết, hiện Vinafor đang tập trung trồng rừng thâm canh theo hướng chú trọng kinh doanh rừng gỗ lớn, tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho đồ mộc xuất khẩu và quan tâm đến việc xây dựng chứng chỉ rừng bền vững- FSC. Hiện Vinafor đã có khoảng 38.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. 

Ngoài ra, với các DN mà Tổng Cty góp vốn, ông Hiển cho biết, Vinafor thường xuyên rà soát, đánh giá. Vinafor kiên quyết rút gọn và thoái vốn ở những DN mà công tác quản lý vốn, SXKD yếu kém, bất hợp tác và không có tiềm năng, lợi thế hiện tại và trong tương lai, quyết tâm bảo toàn vốn và phát huy hiệu quả của việc đầu tư tài chính tại các DN khác. 

Thực tế, Vinafor không chỉ làm tốt công tác bảo toàn vốn, mà còn giúp nó “sinh sôi nảy nở”. Tại thời điểm tháng 10/1995, khi Vinafor được thành lập, vốn chủ sở hữu gần 245 tỷ đồng. Đến hết năm 2005 vốn chủ sở hữu là 479 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2006 tới nay, vốn chủ sở hữu đã lên 2.400 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với thời điểm ban đầu.

Từ trồng rừng đến sản phẩm 

Trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình, Vinafor luôn lấy công tác lâm nghiệp (trồng rừng kinh tế tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới) tạo vùng nguyên liệu. Điều này, góp phần cung ứng gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, đồng thời củng cố, tăng cường an ninh quốc phòng tại vùng núi biên giới, làm nòng cốt phát triển Vinafor theo hướng “Từ trồng rừng đến sản phẩm”. 

Ông Hiển cho biết, hiện tại và chiến lược phát triển của Vinafor đến năm 2020, là tăng cường trồng rừng kinh tế, chú trọng và phát triển kinh doanh cây gỗ lớn, tạo vùng nguyên liệu phục vụ đồ mộc xuất khẩu. Cùng đó, Tổng Cty tăng cường chế biến sâu, chế biến ván nhân tạo, ván dán, ván ép và sản xuất hàng nội thất. 

Ngoài trọng tâm là mảng lâm nghiệp, Tổng Cty luôn chú trọng và quan tâm phát triển mảng hợp tác quốc tế, tăng cường mở rộng và phát triển các liên doanh có vốn FDI. Thời gian qua, Vinafor đã tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý các liên doanh có vốn góp FDI, giúp Vinafor tăng đáng kể về doanh thu, hiệu quả trong bảo toàn phát triển vốn của Tổng công ty.

MỚI - NÓNG