Vinamit đi lối riêng vào sân chơi hội nhập

Vinamit đã đi con đường mà không ai dám đi: Vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch.
Vinamit đã đi con đường mà không ai dám đi: Vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch.
TP - Từ lâu, Vinamit đã trở thành thương hiệu lớn, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước ở lĩnh vực chế biến sấy khô các sản phẩm rau, củ, quả. Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc công ty Vinamit chia sẻ cùng Tiền Phong về sự chuẩn bị của mình để đưa Vinamit bước vào sân chơi hội nhập. 

Ông Viên nói: Ý thức được sự cần thiết phải phát huy lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực chế biến sản phẩm sau nông nghiệp, Vinamit đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ, nâng khả năng chế biến của mình lên cao để tiếp cận với thị trường, thậm chí phải làm những sản phẩm có yêu cầu khó trong chuỗi hội nhập của thị trường.

Liên kết chuỗi là điều sống còn

 Người ta thường nói đến liên kết trong hội nhập, Vinamit đã làm điều đó như thế nào?

Chúng ta phải có sự tương tác với nhau và ai càng làm được liên kết sâu với các DN nước ngoài thì người đó sẽ thành công. Chúng tôi rất chú trọng làm điều đó kể cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Vinamit hiện đang bắt tay với Nhật Bản để làm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành nhà máy tại Việt Nam chuyên sản xuất sản phẩm cho thị trường Nhật Bản, xây dựng hệ thống bán hàng tại Việt Nam để tương tác với các sản phẩm từ bên ngoài, đáp ứng điều đang mong đợi của người tiêu dùng VN.

Sản xuất nông nghiệp trong nước nhỏ lẻ, manh mún, điều đó khiến cho các DN gặp trở ngại nhất định trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu, Vinamit ứng phó ra sao, thưa ông?

Chỉ có một con đường sống là phải thay đổi nhận thức, các công đoạn sản xuất kinh doanh phải nằm trong hệ thống chuỗi. Vinamit cũng xây dựng hệ thống chuỗi ở trong nước, bởi như thế mới giúp nâng cao sản lượng, chất lượng, đáp ứng tác tiêu chuẩn ở thị trường bên ngoài. Khi là thành viên trong hệ thống chuỗi, anh phải tuân thủ luật chơi của hệ thống đó cũng như các luật chơi của thị trường. Phải làm đúng chất lượng mới đảm bảo sản phẩm của anh làm ra được tiêu thụ hết với giá cả ổn định và có cơ hội gia tăng lợi nhuận.

Thời gian qua Vinamit đi vững cả hai chân ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, điều gì đã khiến cho Vinamit làm được như thế?

Vinamit có 60% doanh thu từ xuất khẩu, 40% trong nước. Vấn đề là phải làm sao chăm chút sản phẩm để đem đến người tiêu dùng những giá trị nào đó và đảm bảo an toàn sức khỏe cho họ thì mới được họ chấp nhận. Tối ưu hóa về chất lượng, giá thành là nền tảng căn bản nhất để có thể thuyết phục được người tiêu dùng. Tất  nhiên còn nhiều yếu tố khác, như  hệ thống bán hàng,… Xu hướng ngày nay người ta giảm ăn các sản phẩm từ động vật để chuyển sang dùng các sản phẩm có nguồn góc thực vật, đó là lợi thế cho những DN chế biến như Vinamit và nếu đưa đến sản phẩm có uy tín thì chắc chắn anh sẽ có cơ hội được người tiêu dùng đón nhận.

Sản phẩm tự nhiên

Một trong những vấn đề của hội nhập toàn cầu đó là sản phẩm sạch và an toàn. Vinamit đã định hướng phát triển sạch và an toàn thế nào, thưa ông?

Từ xưa đến giờ mọi người đều thừa nhận Vinamit là sản phẩm tự nhiên, có nguồn gốc tự nhiên. Ðây là định hướng xuyên suốt và cũng là cách đi riêng của Vinamit từ trước đến nay. Sản phẩm của Vinamit không có bất cứ gì khác ngoài tự nhiên và Vinamit không làm gì khác ngoài việc khô hóa để thời gian bảo quản được dài hơn. Vinamit có những tiêu chuẩn và kiểm soát rất gắt gao, kỹ lưỡng quá trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm và tiêu thụ trên thị trường.

Nói đến hội nhập là nói đến tự do thương mại thì chúng ta phải nhớ là có một cái hàng rào khủng khiếp dâng lên đó là hàng rào kỹ thuật, chú tâm vào chất lượng. Vinamit vẫn luôn đảm bảo được 60% sản lượng, doanh thu từ xuất khẩu và đang có xu hướng tăng mạnh xuất khẩu là bởi Vinamit vượt qua được hàng rào kỹ thuật đó và chúng tôi rất tự hào về điều này. Trong năm 2014 và 2015 Vinamit đã đi con đường mà không ai dám đi đó là vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Mặc dù hàng hóa của Trung Quốc tiêu chuẩn rất thấp nhưng họ lại dựng hàng rào kỹ thuật cực kỳ gay gắt đối với hàng nhập khẩu từ các nước.  Ngoài ra Vinamit cũng bước vào thị trường bắc Mỹ và Âu Châu. Tiêu chuẩn của những thị trường này không phải là tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP mà là tiêu chuẩn Organic cực kỳ khắt khe. Ðể đạt được tiêu chuẩn Organic, sản lượng rất thấp nhưng vẫn phải chọn và vẫn phải bán với giá rẻ. Phải có sự hy sinh bước đầu thì chúng ta mới thành công được. Ðó là điều Vinamit đang thực hiện và hy vọng là cuối năm 2016 Vinamit sẽ có chứng nhận của thị trường Mỹ và Âu Châu về tiêu chuẩn Organic.

Bảo hiểm cho người tiêu dùng

Các DN Việt Nam phần lớn chưa quen đối mặt với khủng hoảng truyền thông, trong khi điều đó cực kỳ quan trọng khi hội nhập. Vinamit thì sao, thưa ông?

Vinamit đi lối riêng vào sân chơi hội nhập ảnh 1

 Ông Nguyễn Lâm Viên-Tổng giám đốc Công ty Vinamit.

Trước tiên DN phải nhận thức được ông chủ của mình là ai. Những người đứng đầu DN Việt Nam luôn luôn nghĩ mình là chủ, có quyền quyết định cho người tiêu dùng. Nhưng không phải vậy, ông chủ của DN chính là người tiêu dùng, họ có thể sa thải tất cả, cho dù anh là Chủ tịch hay Tổng giám đốc, bằng cách dùng túi tiền của họ chi vào sản phẩm khác và từ chối sản phẩm của anh. Nếu nhận thức được như vậy, chúng ta sẽ biết cách xử lý thông tin khủng hoảng và biết phải làm như thế nào cho ông chủ hài lòng.

Tại sao ở các nước, các nhà sản xuất thực phẩm đều mua bảo hiểm cho người tiêu dùng? Tại vì người ta tôn trọng và muốn bảo vệ ông chủ của họ, còn chúng ta thì coi thường ông chủ nên không mua bảo hiểm, thậm chí còn rất tùy tiện buộc người tiêu dùng phải xài những thứ mà họ không muốn, nên có ngày phải trả giá. Ðây là thời điểm giao thời để chúng ta thay đổi thì chúng ta phải thay đổi nhanh.

Nhà nước hiện chưa bắt buộc DN phải mua bảo hiểm cho người tiêu dùng, về phần mình, Vinamit có định “vác đèn chạy trước ô tô”?

Ðó là điều chắc chắn. Vì các công ty bảo hiểm là người đại diện và cũng là người luôn cảnh tỉnh anh đừng chủ quan với thị trường. Vinamit  không chỉ kinh doanh ở thị trường nội địa mà còn ở thị trường quốc tế nên chúng tôi cũng phải mua bảo hiểm, không được bỏ qua hay xem nhẹ việc này.

Ở Việt Nam chưa có tiền lệ đó, Vinamit làm thế nào?

Chỉ sợ không chịu làm thôi. Nếu anh muốn, các công ty bảo hiểm luôn sẵn sàng. Anh buôn bán thì anh phải có tên tuổi của mình chứ, và có tên tuổi thì anh phải dám bảo đảm và tuyên bố bảo đảm chứ. Nếu anh có bảo hiểm thì anh phải tuyên bố chúng tôi là đơn vị đảm bảo sức khỏe cho mọi người.

Vinamit dự định đến khi nào thì mua bảo hiểm cho người tiêu dùng?

Chúng tôi đang đàm phán và cũng đã sắp xong. 

Vinamit hiện có 3 nhà máy, công suất mỗi nhà máy 10-20 tấn/ngày với hàng chục mặt hàng nông sản chế biến sấu khô như mít, xoài, cà rốt, khoai lang, đu đủ... Sản phẩm của Vinamit chiếm 90% thị phần nội địa. Khoảng 60% doanh thu và sản phẩm của Vinamit được xuất khẩu, trong đó xuất sang trung Quốc chiếm khoảng một nửa. Kế hoạch doanh thu năm 2016 của Vinamit tăng gấp đôi 2015.

Cảnh giác những cuộc “dội bom” truyền thông

“Ngày hôm nay trong thế giới phẳng, người tiêu dùng ý thức và đòi hỏi rất cao sản phẩm phải là tự nhiên (lẽ ra phải đi từ sản phẩm là bình thường, đến sản phẩm sạch, rồi mới tới sản phẩm tự nhiên), trong khi nhiều DN chưa thể thay đổi để đáp ứng kịp. Chính vì họ lấy tiêu chuẩn sản phẩm tự nhiên để nhìn sản phẩm bẩn nên kinh khủng lắm. Và đó là yếu tố khi các nhà sản xuất thực phẩm trên thế giới vào Việt Nam tận dụng cơ hội này để làm những cuộc “dội bom” về truyền thông. Thực tế, truyền thông đã làm cho mọi người hoảng sợ. Không chỉ riêng người nước ngoài mà người trong nước cũng đang liệt Việt Nam vào vị trí thứ hai sau Trung Quốc về thực phẩm bẩn. Như vậy, rõ ràng chúng ta đang trong tình thế bất lợi. Chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước chiêu dùng vũ khí truyền thông để “dội bom” các DN trong nước. Nếu chúng ta không hiểu được bản chất, không cẩn thận, tỉnh táo và biết cách đối phó thì nó sẽ làm cho tan nát các DN Việt Nam và nền kinh tế thị trường”.

(Ông Nguyễn Lâm Viên-Tổng giám đốc Công ty Vinamit)

MỚI - NÓNG