Buýt vươn ra ngoại thành:

“Vũ điệu”... nông thôn mới

Xe buýt đang góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Xe buýt đang góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
TP - 10 năm trước, việc đi lại giữa khu vực nội và ngoại thành của người dân Thủ đô chủ yếu thông qua những chuyến xe đò (khách) bụi bặm. Nay việc này trở nên đơn giản khi mạng lưới xe buýt thành phố, trong đó Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chiếm tới 90% thị phần đã phủ gần như toàn bộ các vùng ngoại thành.

Buýt về làng xóa những chuyến xe đò nghênh ngang

Với quãng đường hơn 40 km, ông Nguyễn Văn Hạnh, người dân ở thôn 1 xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, 10 năm trước việc đi lại giữa địa phương ông với trung tâm Hà Nội là cả chặng đường gian nan. Mỗi khi đi thăm bà con hay khám chữa bệnh, ông thường phải dậy từ 5 giờ sáng để ra quốc lộ (QL) 32 bắt xe đò. Khi ấy xe về nội thành từ bến xe Sơn Tây chủ yếu chạy QL 32, với những địa phương nằm phía thượng bến xe Sơn Tây thì chỉ có thể đón xe đò từ hướng Ba Vì, Việt Trì xuống. Do các xe này có cự ly chạy dài nên để vừa có thể chở khách vào nội thành lại vừa kịp cập bến đón khách về trong ngày, xe thường chạy rất sớm. “Nếu ai ra muộn thường bị lỡ chuyến. Khi ấy, với người dân chúng tôi ra đường bắt được xe để đi đã là may, các chuyện khác như xe đi lại mất an toàn, lượn lờ, nhồi nhét khách… đành bấm bụng cho qua”, ông Hạnh kể lại.

Từ sự chủ động của đơn vị vận tải và động thái “gật đầu” kịp thời của lãnh đạo thành phố Hà Nội, đến nay, diện mạo đi lại giữa khu vực nội và ngoại thành đã trở nên thuận tiện khi mạng lưới xe buýt được phủ đến các vùng quê. Ðể chứng minh điều này là thực tế, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Ðiều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, sau hơn 10 năm ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đến nay mạng lưới xe buýt trên địa bàn Hà Nội đã có với 91 tuyến, trong đó buýt ra khu vực ngoại thành có trên 40 tuyến. Với mạng lưới này, hiện 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô, trong đó có các huyện nằm xa trung tâm lâu nay thường “trắng” các loại hình vận tải công cộng như xe buýt, taxi đã được mạng lưới xe buýt thành phố bao phủ.

Là đơn vị chủ lực và được thành phố giao khảo sát, triển khai buýt đến khu vực ngoại thành, đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Hà Nội - Transerco, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng Giám đốc Transerco cho biết, trong gần 10 năm qua, Tổng Công ty đã lên kế hoạch và triển khai 30 tuyến ra các vùng ngoại thành. Trung bình mỗi ngày buýt của Transerco vận chuyển trên 47 vạn lượt hành khách đi lại giữa khu vực nội và ngoại thành. Ông Trần Văn Ðông, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt Yên Viên, đơn vị đang quản ký nhiều tuyến buýt chạy ra ngoại thành nhất Transerco, nêu thực tế: Việc phát triển buýt ra ngoại thành tuy có gặp phải một số khó khăn như đường sá, hạ tầng điểm dừng đỗ chưa thật thuận lợi, đồng bộ để buýt phục vụ nhân dân được tốt nhất, nhưng số lượng hành khách đi lại ổn định, người dân và chính địa phương rất ủng hộ.

Tiếp tục xóa vùng “trắng” xe buýt

Ðề cập đến việc phát triển xe buýt ra ngoại thành trong đó có khu vực phía Tây của Hà Nội như Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai, thị xã Sơn Tây… thời gian qua, ông Nguyễn Việt Triều cho hay, đường đi đến các huyện này chủ yếu thông qua các trục đường chính như QL6, QL21, QL32. Hiện ba trục QL này Transerco đã có 5 tuyến buýt chạy liên tục trong ngày. Chỉ tính riêng trục QL32, lộ trình nội thành chạy đến thị xã Sơn Tây và một số huyện lân cận, mỗi ngày Transerco có 72 lượt xe của tuyến buýt số 20B hoạt động. Lượng hành khách đi lại trên tuyến buýt 20B mỗi ngày hơn 16 nghìn lượt. Ðánh giá về buýt hoạt động tại địa phương mình, bà Phan Thị Hảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho rằng: “Việc đi lại của bà con địa phương giữa khu vực ngoại và nội thành hiện rất thuận tiện, văn minh. Thay vì dậy từ 5 giờ sáng để đón xe đò, nay bà con có thể ra đường bất kỳ lúc nào cũng có thể bắt được xe buýt vào nội thành và ngược lại được”.

“Vũ điệu”... nông thôn mới ảnh 1

Xe buýt về làng làm cho việc đi lại, học tập của con em, người dân ngoại thành trở nên thuận tiện. Ảnh: Như Ý

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, cùng với các tuyến buýt của Transerco, để xóa khoảng cách nội và ngoại thành, hiện thành phố còn cho phát triển thêm trên 10 tuyến buýt kế cận không trợ giá. Những tuyến buýt này còn mở rộng vùng hoạt động đến cả các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phủ Lý, Hải Dương, Hưng Yên. Ðánh giá về hiệu quả đưa buýt về các vùng ngoại thành, bà Phan Thị Hảo cho rằng, ngoài tạo thuận lợi cho con em học hành, tiếp cận văn hóa; việc đưa buýt về Sơn Tây còn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. “Nếu trước đây các cháu đi học xa nhà thường một tuần hay nửa tháng mới về thăm gia đình một lần, nhưng nay có xe buýt nhiều cháu đã chuyển sang đi học buổi rồi về trong ngày. Nhiều hộ dân địa phương thông qua phương tiện xe buýt cũng ra các chợ lớn tại nội thành để mở rộng buôn bán, làm ăn”, bà Hảo nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hải đánh giá, từ thực tế trên còn cho thấy, việc đưa xe buýt ra ngoại thành đã giúp thành phố hạn chế được xe cá nhân, giảm được dân cư trong khu vực ngoại thành. Chỉ tính riêng Tổng Công ty vận tải Hà Nội, mỗi ngày đơn vị này vận chuyển được trên 47 vạn lượt hành khách giữa khu vực nội và ngoại thành, nếu không có buýt thì số phương tiện cá nhân, ùn tắc trên đường còn diễn ra phức tạp hơn nhiều. Do vậy thời gian tới thành phố tiếp tục ưu tiên cho phát triển xe buýt ra ngoại thành; trong đó có việc tiếp tục hợp lý hóa mạng lưới xe buýt để giảm trùng tuyến, tăng cường kết nối, mở rộng vùng phục vụ. Hiện Trung tâm đã xây dựng xong kế hoạch đặt hàng buýt năm 2015, trong đó có việc tổ chức đấu thầu điều chỉnh, kéo dài hoạt động nhiều tuyến buýt đến các huyện và khu vực ngoại thành còn “trắng” xe buýt như Thanh Oai, Mỹ Ðức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Ba Vì… Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện kế hoạch trên đã được các đơn vị chuyên môn xây dựng xong để Sở trình thành phố. Mục tiêu trong năm 2016 vẫn phải duy trì lượng khách sử dụng vận tải công cộng trên 700 triệu lượt người và đáp được khoảng 14% nhu cầu đi lại của nhân dân cả trong nội và ngoại thành.

Với trên 90% thị phần, Transerco đang là đơn vị chủ lực vận chuyển hành khách bằng xe buýt tại Thủ đô. Hiện mỗi ngày, Transerco có trên 10 nghìn lượt xe hoạt động vận chuyển trên 1 triệu lượt hành khách, hạn chế được trên 700 nghìn lượt xe cá nhân chạy ra đường.

MỚI - NÓNG