Xây dựng thương hiệu cà phê Việt giá trị toàn cầu

Xây dựng thương hiệu cà phê Việt giá trị toàn cầu
TP - Ngày 13-3, hàng trăm chuyên gia và học giả nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia đã tham dự hội thảo phát triển cà phê bền vững tại Tây Nguyên.

> Nồng nàn hương sắc cao nguyên

Từ năm 2004 trở lại đây, ngành cà phê Việt Nam tiến bộ nhanh chóng, kim ngạch xuất nhập khẩu từ 483 triệu USD năm 2000 đã vọt lên 2,1 tỷ USD vào năm 2008, đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, trở thành nguồn thu nhập chủ yếu cho 540.000 hộ nông dân trồng cà phê.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia: Cách sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê của chúng ta hiện nay còn tiềm ẩn nhiều bất ổn: Sản lượng, giá cả thất thường! Chưa tạo lập được một hệ thống sản xuất, kinh doanh có uy tín, năng lực cạnh tranh cao.

Ông Đoàn Xuân Hòa- Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản lo ngại về diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh cho năng suất thấp cần phải đưa vào chương trình tái canh khoảng 100.000 ha, chiếm 20% diện tích cà phê hiện có.

Tỷ lệ cà phê được cấp chứng chỉ sản xuất bền vững mới chiếm khoảng 10%. Gần 50 nhà máy có tổng công suất chế biến cà phê nhân trên 1.200.000 tấn/ năm hiện phân bố chưa hợp lý, dẫn đến nhiều nhà máy hoạt động không hết công suất do thiếu nguyên liệu, tỉ lệ cà phê hòa tan giá trị cao còn khiêm tốn.

Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Triêm, Gs Thái Quang Trung, TS Võ Đại Lược nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới cùng một số học giả khác có cùng nhận xét:

Do hầu hết không được bán trực tiếp cho các nhà rang xay cuối cùng mà chỉ bán gián tiếp thông qua đại diện các công ty nước ngoài với lối giao dịch lỗi thời, nên cà phê Việt phải bán rẻ hơn giá trị thật quá nhiều lần, nếu so với giá cà phê tại hầu hết các quốc gia không trồng cà phê mà chỉ chế biến, phân phối, tiêu thụ.

Cần hình thành một mô hình mới bền vững trong kinh doanh, mang tính liên kết chặt chẽ toàn cộng đồng, ai tham gia vào chuỗi giá trị cà phê cũng nhận được lợi ích vật chất lẫn tinh thần.

Theo phân tích của GS. Peter Timmer : Nghịch lý ở chỗ, trong khi sức tiêu thụ cà phê trên thế giới đang không ngừng tăng lên thì thu nhập của người trồng cà phê ngày một giảm; Vì vậy, ý kiến xây dựng các hình mẫu đồn điền với kế hoạch nâng cấp cà phê tỉ mỉ về giống, nước, phân bón của Đại sứ Israel, ông Terje Knutsen được nhiều đại biểu chú ý.

Ông Roberio Oliveira Silva- Vụ trưởng Vụ Cà phê Bộ Nông nghiệp Brasil và ông Ranjit Rae- Đại sứ Ấn Độ cũng đóng góp thêm những ý tưởng thú vị, cho rằng với những gì đã làm được, Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định được vị trí đáng kể nếu chủ động xúc tiến việc hình thành một tổ chức, một hình mẫu Kinh tế Xanh.

GS. Tom Cannon, tác giả cuốn sách "Cảm hứng cà phê" muốn bàn sâu hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho một nền văn hóa cà phê toàn cầu mới. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, khái niệm "Thiên đường cà phê" từ chỗ mông lung, khó tin đang dần trở nên thuyết phục hơn với những chứng thực cụ thể ngay trên địa bàn Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, qua sự trải nghiệm của chính mình trong câu chuyện đấu tranh xác lập bản quyền chỉ dẫn địa lý cho cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, với quyết tâm cao, chúng ta hoàn toàn có thể thuyết phục thế giới về Giá trị Việt, bắt đầu từ hành trình xây dựng "Bảo tàng cà phê thế giới", như niềm tin mà ông Stafan Graack - nguyên Giám đốc điều hành Bảo tàng cà phê Jen Bugh (Hamburg, Đức) đã tỏ bày cuối ngày hội thảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG