Xuất khẩu sữa tươi và chuyện 'trả lại tên cho sữa'

Lô sữa xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc
Lô sữa xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc
TP - Việc Việt Nam lần đầu xuất khẩu sữa tươi sang Trung Quốc là bước ngoặt lớn. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đặt ra vấn đề: Sữa tươi đã đủ, vì sao người tiêu dùng trong nước vẫn chưa đủ thông tin để phân biệt giữa sữa tươi và sữa bột pha thành dạng nước?

Bộ trưởng NN&PTNT: Ít nhất có 4 điều đặc biệt
Tháng 10/2019, ngành nông nghiệp ghi một dấu mốc mới. Đó là việc công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa tươi đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư về thú y và an toàn thực phẩm ký kết giữa 2 nước. Doanh nghiệp (DN) đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu sữa tươi sang Trung Quốc là Tập đoàn TH với thương hiệu TH true MILK. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây không phải là nghi thức xuất khẩu một lô hàng thông thường mà là một bước ngoặt “đặc biệt quan trọng”. 

Ông Cường chỉ ra, ít nhất có 4 yếu tố đặc biệt của sự kiện này. Thứ nhất, sự hiện diện của hai ủy viên Bộ Chính trị (Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình) cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối nông nghiệp và vị thế mới của ngành này. “Thủ tướng từng nói, nông nghiệp không còn yếu thế mà là dư địa phát triển” - ông Cường bình luận.

Thứ hai, theo Bộ trưởng NN&PTNT, lô sữa này khai thông đường đi chính ngạch của nông sản Việt vào Trung Quốc - một thị trường lớn nhất thế giới với 1,4 tỷ dân, mỗi năm nhập khẩu đến 150 tỷ USD nông sản. Ông Cường cho hay, với ngành nông nghiệp, sữa là nông sản đặc biệt, là ngành hàng khó nhất, nhưng đã đảm bảo các điều kiện để xuất khẩu nên các ngành hàng khác cũng sẽ xuất khẩu được chính ngạch. “Đó là lý do vì sao chúng tôi mừng đến mức như thế” - ông Cường nói.

Điểm đặc biệt thứ 3 của sự kiện này là đánh dấu việc tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng của Việt Nam đã có thành công. “Khí hậu Việt Nam không quá lợi thế để nuôi bò sữa nhưng 20 năm qua, bằng cơ chế chính sách, DN cùng bà con nông dân có được câu trả lời hôm nay. Không ngành hàng nào tăng 20% mỗi năm trong 10 năm qua như ngành sữa” - ông Cường nói.

Thứ tư, vị thuyền trưởng ngành nông nghiệp rất tinh tế khi để ý và đề cập đến tính dân tộc của DN Việt trong sự kiện này. “80% DN trong lĩnh vực nông nghiệp là DN dân tộc (ý nói không phải là DN đầu tư nước ngoài (FDI) - PV) nên sự kiện này đánh dấu sự vươn lên rất mạnh mẽ của các DN tư nhân trong nước” - ông Cường nói. 

Sữa tươi đã đủ, sao vẫn gọi sữa bột pha loãng là “sữa tiệt trùng”?
Bước ngoặt thứ 5 - dù Bộ trưởng NN&PTNT không nói nhưng rất có ý nghĩa với DN chăn nuôi, sản xuất sữa tươi trong nước và người tiêu dùng: Nước ta đủ sữa tươi chất lượng cao cung ứng cho thị trường trong nước , thậm chí dư thừa để xuất khẩu. 

Lật lại vấn đề để thấy, mong muốn dùng sữa tươi tại Việt Nam có từ thời lính viễn chinh Pháp đưa bò sữa sang nuôi tại Việt Nam. Hòa bình lập lại, các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu tìm mọi cách để phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam. Sau nhiều thất bại, trong đó có việc lai tạo giống bò sữa và bò bản địa (để chế ngự thời tiết khô nóng), chúng ta đã tìm được biện pháp đột phá để chăn nuôi bò sữa thuần chủng bằng công nghệ cao. 

Điển hình và khởi nguồn của mô hình này là tổ hợp dự án chăn nuôi, chế biến sữa của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An với công nghệ Israel, Âu, Mỹ… Ở mô hình này, bò sữa được sống trong những vùng “tiểu khí hậu” với nhà trại cao thoáng, tắm mát hàng ngày, được gắn chip theo dõi sức khỏe, nghe nhạc, ăn thức ăn tự nhiên, bổ dưỡng từ cánh đồng nhiệt đới Việt Nam cho ra sản lượng và chất lượng sữa đạt phẩm cấp quốc tế. 

Xuất khẩu sữa tươi và chuyện 'trả lại tên cho sữa' ảnh 1 Cánh đồng nguyên liệu của trang trại bò sữa công nghệ cao lớn nhất châu Á của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An
Tuy nhiên, một vấn đề dai dẳng, giằng xé một cách khó hiểu của ngành sữa là việc nhập nhèm tên gọi. Cho đến thời điểm này, dù loại sữa bột pha loãng thành sữa nước được Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) gọi là “sữa pha lại” hoặc “sữa hoàn nguyên” (tùy phẩm cấp) nhưng nước ta vẫn cho tồn tại dưới tên gọi “sữa tiệt trùng” (một khái niệm chỉ mức độ sử dụng nhiệt khi chế biến sữa). Khái niệm “sữa tiệt trùng” dùng để chỉ tên gọi của sữa bột pha lại này khiến người tiêu dùng nhầm lẫn loại sữa này với sữa tươi; người chăn nuôi, DN nuôi bò thiệt đơn, thiệt kép.

Câu chuyện “lái” khái niệm này bắt đầu từ năm 2010.  Hơn 5 năm lại đây, khi nguồn sữa tươi dồi dào, yêu cầu “trả lại tên cho sữa” được đặt ra rốt ráo. Sau khi báo chí, trong đó có Tiền Phong liên tục lên tiếng, năm 2015, Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội giám sát chuyên đề rồi kết luận: Phải sửa tên sữa đúng theo chuẩn quốc tế. 

Sau hàng chục cuộc họp, tháng 3/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư 03/2017/TT-BYT ban hành QCVN 5-1:2017/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng. Trong đó, tên gọi “sữa tiệt trùng” đã được thay thế bằng “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp”. Sáu tháng sau, trước khi khái niệm sữa mới có hiệu lực 11 ngày, Bộ Y tế lại ra thông báo thu hồi. Như vậy, tên gọi “sữa tiệt trùng” vẫn còn đó. Hiện tại, trách nhiệm thay đổi khái niệm sữa tiệt trùng được chuyển sang Bộ Công Thương nhưng gần 2 năm qua, sự việc vẫn chưa tiến triển. 

Việt Nam là quốc gia có dư địa phát triển nông nghiệp lớn. Sữa đã trở thành sản phẩm thiết yếu, trẻ nhỏ sử dụng hàng ngày. Từ khi ngành chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh, sản lượng nhập khẩu sữa bột đã giảm từ 92 xuống còn 60%. Tuy nhiên, khi quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác của người tiêu dùng bị xâm phạm, không đủ tự do để lựa chọn sản phẩm, tốc độ phát triển của ngành này bị ngăn lại. Trong khi sữa tươi phải xuất khẩu, nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD sữa bột mỗi năm. Đó là một câu chuyện không nên kéo dài thêm.n

Mô hình chăn nuôi bò sữa của TH làm nức lòng giới chuyên môn, cơ quan quản lý và người tiêu dùng gần 10 năm qua. Sản phẩm sữa tươi mang thương hiệu TH true MILK được Tổng thống Israel Shimon Peres dùng thử, đánh giá không thua kém sữa của họ. Trang trại và sản phẩm sữa tươi của TH cũng đạt nhiều giải danh giá của quốc tế. Mô hình của Tập đoàn TH vì thế đã kích hoạt, dẫn dắt nhiều nông hộ, DN khác chăn nuôi bò sữa khác đi theo con đường sản xuất sữa tươi. 

Xuất khẩu sữa tươi và chuyện 'trả lại tên cho sữa' ảnh 2 Bò sữa tại trang trại của Tập đoàn TH

“Sữa TH true Milk xuất khẩu sang Trung Quốc không có gì thay đổi với sữa được bán tại Việt Nam, chỉ thay đổi bao bì. Đó là niềm tự hào Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn tập trung vào thị trường trong nước. Chúng ta đừng mất rất nhiều tiền để nhập khẩu sữa nữa”.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH

MỚI - NÓNG