Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm: Tại thuế hay sức ỳ doanh nghiệp?

Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm: Tại thuế hay sức ỳ doanh nghiệp?
Năm 2005, Bộ Thương mại dự kiến kim ngạch xuất khẩu (XK) vào Trung Quốc đạt 3 tỷ USD. Mục tiêu này liệu có khả thi khi phần lớn mặt hàng XK vào thị trường này hiện đều tụt dốc?

Theo Vụ Châu Á-Thái Bình Dương (Bộ TM), từ khi Chương trình thu hoạch sớm (EHP) trong khuôn khổ Hiệp định về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc chính thức được áp dụng (tháng 1/2004), hàng nông sản xuất vào Trung Quốc chưa có sự chuyển biến. Không những thế, các mặt hàng được hưởng ưu đãi này lại có kim ngạch giảm dần.

Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, hải sản XK sang Trung Quốc có kim ngạch rất lớn, năm 2001 đạt 240 triệu USD. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã suy giảm mạnh, đến năm 2004 chỉ còn 48 triệu USD và những tháng đầu năm 2005, con số thống kê thuỷ sản đã không còn xuất hiện nữa.

Với rau quả, kim ngạch XK năm 2004 chỉ đạt 24,9 triệu USD, giảm 63% so với 2003. Với những mặt hàng khác như giày dép, cà phê, dệt may, thủ công mỹ nghệ, nhựa... kim ngạch vẫn còn rất nhỏ (không quá 25 triệu USD) và không đẩy lên được...Khi các DN quá chú ý đến các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật) thì thị trường Trung Quốc với tiềm năng rất lớn đã bị bỏ rơi.

Theo Bộ Thương mại, nguyên nhân dẫn đến suy giảm kim ngạch XK và một số mặt hàng bị đánh bật khỏi Trung Quốc là: Nhiều DN, cá nhân đã khai gian kim ngạch xuất vào Trung Quốc để chiếm đoạt thuế VAT; Khi Trung Quốc nâng yêu cầu chất lượng hàng hoá và xiết chặt việc kiểm soát thì cả thương gia và DN sản xuất hàng hoá đều không xoay chuyển được tình thế để đáp ứng yêu cầu, nên vẫn XK thô là chính...

Bộ cũng cảnh báo: DN đã không tận dụng được những ưu đãi về thuế quan đối với các mặt hàng nông sản xuất qua Trung Quốc. Trong khi các cơ quan chức năng đã nói rất nhiều đến EHP để DN chuẩn bị, tăng cường xuất sang Trung Quốc qua đường chính ngạch sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thì DN vẫn chỉ chủ động xuất tiểu ngạch, bất chấp bấp bênh và rủi ro lớn.

Thứ trưởng thường trực Bộ TM Phan Thế Ruệ cho biết, phải đẩy mạnh XK sang Trung Quốc để giảm nhanh nhập siêu, năm 2005, kế hoạch XK phải đạt 3 tỷ USD với những mặt hàng cao su, dầu thô, than đá, hạt điều, chè.., nhưng với đà suy giảm XK này, nhập siêu với thị trường Trung Quốc vẫn sẽ vượt quá 2 tỷ USD.

Vẫn chỉ  là “ăn non”

Tham tán TM Đào Ngọc Chương tại Trung Quốc điểm mặt DN thâm nhập sâu được vào thủ phủ Trung Quốc, làm ăn hiệu quả, thì thấy chủ yếu vẫn là DN tư nhân, đó là DN Minh Đức, Thanh Long Hoàng Hậu (Bình Thuận)... Những DN này đã mang hoa quả VN đi sâu được vào nội địa Trung Quốc với sức cạnh tranh không kém rau quả của Thái Lan.

Trong khi đó, Tổng GĐ Tổng cty rau quả VN Nguyễn Văn Thành thì lại lý giải, tốc độ XK rau quả vào Trung Quốc giảm mạnh là do chính sách thuế bất cập, nằm ngoài tầm giải quyết của DN. Rau quả của VN xuất vào Trung Quốc hiện đang chịu mức thuế thấp nhất là 12%, cao nhất là 24%.

Trong khi đó, rau quả của Thái Lan xuất vào Trung Quốc ngay từ năm 2003 đã chỉ còn 5%, năm 2004 xuống 0%. Theo ông Thành, chỉ cạnh tranh với mức thuế trên, DN Thái đã đủ điều kiện “bóp” chết DN Việt Nam ở thị trường Trung Quốc rồi. Vậy nên, kim ngạch XK rau quả vào Trung Quốc chỉ tăng lên được khi Nhà nước tăng mức thưởng XK để bù lỗ cho DN bị đánh thuế(!?)

Cũng ông Thành cho biết, hình thức ưu đãi CO (xuất xứ hàng hoá) mà Trung Quốc dành cho hàng rau quả VN đang XK biên mậu tại 3 cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn và Lào Cai, DN cũng không làm được, vì DN quy mô nhỏ bé, vận chuyển xa, xăng dầu tăng giá...làm đội chi phí hàng hoá. Do đó, đến thời điểm này, DN vẫn chỉ đang chuẩn bị, đợi đến năm 2006, thuế suất chỉ còn 0% mới XK, khi đó sẽ cạnh tranh bình đẳng với rau quả Thái Lan tại Trung Quốc.

Ông Nguyễn Tôn Quyền-Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ VN thừa nhận, đến nay, đồ gỗ giả cổ vẫn mới chỉ được bán tại biên giới Trung Quốc chứ chưa đi sâu vào được Thượng Hải, Bắc Kinh. Giá đồ gỗ bán tại biên giới chỉ bằng 1/3 giá bán tại các thành phố lớn của Trung Quốc, chấp nhận “ăn non”. T

uy thế, DN vẫn chưa đủ tự tin để đi sâu hơn vào thị trường phía Bắc này. Tổng cty cao su VN cũng cho rằng, XK cao su chưa qua chế biến sang Trung Quốc đang gây thiệt hại lớn cho nhiều DN, tới đây Tổng Cty sẽ hạn chế xuất thô, mạnh dạn đầu tư, chế biến sản phẩm xuất qua Trung Quốc để làm ăn lâu dài với thị trường này. Còn DN thủy sản thì đã có đề án đẩy mạnh XK thủy sản vào các tỉnh Tây Nam Trung Quốc từ nhiều năm qua, nhưng chưa thực hiện được, vì còn “ngủ say” với thị trường Mỹ, EU...

Theo Bộ TM, đến năm 2006, mức thuế suất với hầu hết những mặt hàng nông sản XK sang Trung Quốc giảm xuống 0%, khi đó, sự chủ động, giành thị trường, tăng kim ngạch được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào DN. Trước mắt, để khôi phục kim ngạch XK phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trước khi xuất vào thị trường đang dần áp dụng các chính sách phi thuế và có khả năng XK rất lớn này. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.