Bếp của Lam

Bếp của Lam
TP - Lam đẹp, thôi phải nói. Lam hát hay, khỏi phải bàn. Lam bốc đồng, bản năng, người ta cũng không lạ. Nhưng Lam kinh doanh, mở nhà hàng ẩm thực thì không ít người hoài nghi. Nghĩ đến cảnh nữ diva váy áo điệu đà, thường “lên đồng” trên sân khấu, hay tưng tửng giữa đời thường lại đứng tỉ mẩn, miệt mài trong căn bếp với dầu mỡ, mắm muối- cứ thấy có gì đó sai sai… 

“Thanh Lam- Miền ẩm thực”
“Lam Cuisine”, hay “Thanh Lam- Miền ẩm thực” là tên nhà hàng của nữ diva. 
Nhà hàng vận hành được 4 tháng nhưng không khí thì vẫn như chuẩn bị đến ngày khai trương. Cuộc trò chuyện với Lam cũng vì thế mà liên tục bị ngắt quãng. Nữ chủ nhân chạy qua chạy lại, lo lắng từ những thứ nhỏ nhất. Đôi bốt kiêu hãnh, cao lênh khênh chả mấy chốc bị tháo phăng, thay bằng đôi dép bệt để Lam có thể dễ dàng lao từ tầng 1 lên tầng 3 nhắc thợ lắp thêm cái bóng đèn, rồi ùa vào bếp chỉ đạo nhân viên bổ sung thêm thực đơn, xong phi ra sân chỉnh trang lại từng chiếc ghế, chuẩn bị đón khách qua dùng bữa… Là bởi Lam kỹ, Lam muốn mọi thứ thật hoàn hảo. Hỏi ra mới hay, tất cả công việc sắp đặt, bày trí từng góc nhỏ trong nhà hàng, đều có bàn tay của Lam. “Nữ hoàng nhạc nhẹ” cũng thường xuyên đích thân xuống bếp tự tay chế biến các món... Thế mới thấy, Lam không chỉ biết hát, biết đẹp. 

Hỏi chị, sao tự dưng đang thảnh thơi sung sướng lại “đâm đầu” vào kinh doanh để hàng ngày cứ phải tính toán nhập mấy kg thịt, dư mấy kg cá làm chi cho mệt? Lam cười: “Trước đây thi thoảng tôi vẫn trổ tài nấu ăn mời bạn bè, đồng nghiệp thân thiết tới nhà tụ tập ăn uống. Mọi người đều khen rất ngon và bản thân tôi thấy cũng không tệ. Tôi luôn ao ước mở một nhà hàng của riêng mình để thoả đam mê nấu nướng”. 

Cũng phải, rất nhiều người trong giới như nhạc sĩ Dương Thụ, Quốc Trung, ca sĩ Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trọng Tấn, Tùng Dương… đều từng khen ngợi xuýt xoa tài bếp núc của Thanh Lam. Con trai chị cũng chia sẻ, sau này “muốn lấy một người nấu ăn ngon như mẹ Lam”. 

Tất nhiên, từ nấu cho con cái và bạn bè đến kinh doanh ẩm thực là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Lam biết điều đó. “Lúc nghĩ thì đơn giản, nhưng bắt tay vào mới thấy mọi thứ không như mơ. Bản thân nghệ sĩ vốn hoạt động độc lập, quen sống trong thế giới của riêng mình, nhưng khi làm doanh nghiệp, thì bắt buộc phải mở rộng, giao lưu, liên kết với cả tập thể. Trong ẩm thực, lại càng không nên để cái tôi lấn lướt, mà phải bình dị, mềm mại, đại chúng. Phải dung hòa, tiết chế cá tính”- Với một người có cái Tôi mạnh mẽ như Thanh Lam thì đây lại càng là thử thách lớn. 

Lam tỉ mẩn tạo nên những điều đơn giản như mâm cơm “Lam Cuisine” cho gia đình, thực đơn “Lam Menu” cho bữa trưa công sở, cho đến “Lam Fine Dining” cho những bữa tiệc tối cầu kỳ. Sở trường của Lam là những món ăn thuần Việt, đặc biệt là món Bắc và món Huế. Nhưng chị cũng luôn cầu thị, học hỏi tinh hoa ẩm thực của thế giới. Đó có thể là cách pha nước chấm kỹ và cầu kỳ của người Thái Lan hay sự thanh tao, tinh tế trong các món ăn của người Nhật… Mỗi một món mới, trước khi đưa vào thực đơn đều được bà chủ sành ăn thử nghiệm nhiều lần. Đó là lý do, sau 4 tháng mở nhà hàng, Thanh Lam… tăng hẳn ba cân. 

Bếp của Lam ảnh 1 Góc bếp chính là nơi diva tìm thấy chính mình Ảnh: Duyên Trần

“Nữ hoàng nhạc nhẹ” tiết lộ, những món ăn chị đưa vào thực đơn “Lam Cuisine” đều xuất phát từ ký ức. Ví như món “Cơm gà quê cha” là món ăn ngày nhỏ Lam được ăn khi cùng bố về quê nội. Hay món “Phở 1980” của Lam gắn với kỷ niệm ngày thơ mỗi lần đi diễn văn nghệ, catxe là một bát phở thơm ngon phưng phức. Hương vị đó cứ ám ảnh Lam mãi đến tận bây giờ, thôi thúc chị đưa món ăn đặc biệt ấy quay trở về với người Hà Nội. 

Khách của nhà hàng chủ yếu là bạn bè trong giới văn nghệ sĩ. Họ đến vì muốn thưởng thức tài nghệ nấu nướng của diva hàng đầu nhạc Việt, nhưng cũng là để tìm một không gian tĩnh lặng, đậm chất thiền, nhẹ nhàng giữa phố thị phồn hoa. 

Sắp tới, Lam cũng sẽ xây dựng một điểm hẹn âm nhạc tại “Lam Cuisine” vào mỗi cuối tuần để bạn bè, nghệ sĩ và người hâm mộ có thêm một không gian thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Khi đó, những món ăn không chỉ dừng lại ở vị giác nữa mà còn mang đến sự thăng hoa trong tinh thần.

“Nấu nướng giúp tôi hàng phục bản ngã”
Gặp lại Lam lần này, thấy Lam dịu hơn. Nói năng cũng “tỉnh” hơn, dù vẫn thật. Nếu như khi nói về âm nhạc, Lam dễ bị phiêu, bị “bay” thì với lãnh địa ẩm thực, “nhan sắc không tuổi” lại thao thiết, chân tình.

Trong ca hát, Lam là “cây đa, cây đề” thì trong kinh doanh, Lam nhận mình như cô nữ sinh mới ra trường, chập chững khởi nghiệp. Có những vụng về, lúng túng nhưng cũng đầy thú vị, bất ngờ. Và cái gì cũng phải học. 

Ngay cả bây giờ việc ăn uống với Thanh Lam không chỉ còn đơn thuần là thưởng thức nữa mà ăn để học, học cách nêm nếm gia vị, học cách kết hợp món ăn, học cách trình bày sao cho hấp dẫn. Lam bảo, ca hát và ẩm thực có một điểm chung là luôn tạo nên áp lực khiến mình phải đổi mới không ngừng, sáng tạo không ngừng để thu hút. 

Chị thú nhận, mình từng có 2 điểm yếu. Một là chịu nóng kém. Mỗi khi đứng bếp, Lam dễ cáu gắt, bởi sự nóng bức, nhễ nhại mồ hôi. Hai là phải dậy sớm, bởi thói quen của nghệ sĩ biểu diễn muộn nên thường hay ngủ muộn. Tuy nhiên, sau khi tham gia các khoá thiền, Lam ngộ ra rằng, nấu ăn cũng là một sự khổ luyện. “Các sư thầy đã giúp tôi hiểu món ăn không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn là liều thuốc tinh thần. Nếu như nấu ăn trong cáu gắt, món ăn đó sẽ trở thành thuốc độc. Và thế là tôi điều chỉnh để luôn giữ thái độ vui vẻ, tích cực khi đứng bếp. Hơn thế, mỗi sáng, cứ 5h là tôi tỉnh dậy mà không còn cảm thấy quá khó khăn”- Lam khoe.

Lam bảo, ca hát và ẩm thực có một điểm chung là luôn tạo nên áp lực khiến mình phải đổi mới không ngừng, sáng tạo không ngừng để thu hút.

Bếp của Lam ảnh 2 "Lam Cusine" là góc riêng ấm cúng, lãng mạn để Thanh Lam trổ tài nấu nướng với bạn bè và người hâm mộ
MỚI - NÓNG