Mang khách bốn phương đến vườn cam sinh thái

Du khách nước ngoài đến vườn cam tổ chức sự kiện
Du khách nước ngoài đến vườn cam tổ chức sự kiện
Tốt nghiệp thạc sĩ Kinh tế Chính trị trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Thị Lê Na (1986) lại khởi nghiệp làm vườn cam sinh thái sau khi đã thành công với thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến.

Làm du lịch với những nét riêng có
Sau 6 năm phát triển và ổn định thương hiệu cam vinh Kỳ Yến, Lê Na tiếp tục khởi nghiệp với mảng du lịch nông nghiệp.
Cô trải lòng: “Muốn phát triển du lịch thì luôn cần giữ gìn những nét riêng có, và đừng công nghiệp hóa nó, chỉ có thể đi theo hướng tự nhiên, bản địa. Đừng cố gắng sản xuất nông sản hàng loạt, đừng cố gắng bất chấp tất cả để đạt sản lượng cao. Chúng ta nên sản xuất nông nghiệp vừa phải để đảm bảo an ninh lương thực, còn lại hãy tập trung lực lượng để làm dịch vụ, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao”.
Lê Na nhớ nhất lần dẫn tua đầu tiên du lịch vườn cam bởi kỷ niệm không vui nhưng mang lại bài học sâu sắc: “Chúng tôi huy động 3 chiếc “siêu xe” công nông chở đoàn đến vườn cam thăm quan. Mọi người xuống xe sà vào những cây cam trĩu trịt quả chưa kịp, chụp ảnh thì từ trong vườn một người đàn ông cao lớn bước ta, cầm bát cơm ăn dở ném vụt vào chiếc công nông đang loay hoay quay đầu. Người đàn ông chỉ tay, đuổi lái xe ra khỏi vườn. Cả nhóm tưởng là người đàn ông chỉ bực mình vì xe công nông đi vào vườn, nên vẫn còn hào hứng lắm! Cho đến khi người đàn ông hô lớn: Đi ra hết không là tau chém”.
Dù đã xin lỗi và trình bày đã xin phép chủ vườn nhưng chuyến tua thất bại và phải ra về. “Ngày hôm đó, đã ghi dấu là một ngày đáng nhớ với cả nhóm. Làm việc với nông dân không chỉ cần nhẫn nại mà còn phải cần một cái đầu lì lợm kiểu “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” mới giúp họ đổi thay từ từ được”, Lê Na nhớ lại.
Dù nhiều lần gặp những tình huống dở khóc, dở cười khi làm du lịch nhưng Lê Na tự hào bởi sau những chuyến đi tua, người tổ chức và khách đi du lịch đều tìm được ý nghĩa cho bản thân. Cô kể, có chị bỏ tiền tới tua xong về quyết tâm nghỉ việc ở công ty nước ngoài thu nhập cao để đi theo lý tưởng của mình. Chị cảm ơn mãi vì qua chuyến đi đã giúp chị tìm được lý tưởng sự nghiệp của mình.

Khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp
Lê Na kể, thời gian gần đây, tại vườn cam của mình, có nhiều bạn trẻ ở thành phố từ mọi miền Tổ quốc về thực tập, trải nghiệm để học hỏi và xem xét thực tế trước khi có ý định quay về với nông nghiệp. Thậm chí còn có cả những bạn sinh viên từ Singapore sang, có cả những bạn trẻ từ Nhật Bản, Mỹ tới trải nghiệm.
“Ở vườn, các bạn phải dậy sớm từ 5h30 để tập thể dục, ăn sáng rồi làm vườn sớm để tránh ánh nắng như thiêu như đốt của miền Trung mùa hè, để quen dần với cái rét buốt giá của mùa đông. Công việc rất vất vả, không hề màu hồng, từ đeo những cái máy nặng trĩu trên vai rền rĩ cắt cỏ theo tiếng máy, cho tới đào đất trồng cây trên cả một vùng rộng lớn, rồi tưới phân thối cả tay mấy ngày... Nhiều bạn trẻ từ đây đã đi ra, trưởng thành và có cái nhìn đầy đủ hơn về các khía cạnh của cuộc sống và lĩnh vực làm nông”, Lê Na nói.

Vùng nguyên liệu của thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến là mô hình làng du lịch cam sinh thái đầu tiên tại Nghệ An - với 2ha của công ty và 50 ha vùng nguyên liệu liên kết với 29 hộ dân trong vùng. Đến với mô hình vườn cam sinh thái du khách được tự tay cắt và thưởng thức cam tươi tại vườn; check in một số mô hình lán trại, nếm thử mứt cam từ vỏ cam, múi cam sấy dẻo; dùng thử tinh dầu cam và thưởng thức ẩm thực tối tại vườn với những món ăn dân dã đặc sắc của núi rừng.

MỚI - NÓNG