Tư duy gia công sẽ giết chết tinh thần 'Make in Việt Nam'

Nguyễn Minh Thảo nói về tầm quan trọng của các Startup công nghệ Việt trong một hội nghị mới đây
Nguyễn Minh Thảo nói về tầm quan trọng của các Startup công nghệ Việt trong một hội nghị mới đây
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm công nghệ, nhưng với tư duy làm Outsourcing (gia công) từ trước nay sẽ giết chết sự sáng tạo và tinh thần tự chủ của người Việt. Muốn tạo nên những sản phẩm có tính đột phá, các Startup Việt cần phải thay đổi tư duy từ làm thuê sang sở hữu công nghệ, Nguyễn Minh Thảo, CEO Umbala Network chia sẻ.  

Cản trở từ tư duy gia công

 Trong chiến lược “Make in Việt Nam” mà Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề cập vào tháng 5/2019, khi nói về đối tượng của chiến lược, Bộ trưởng Hùng đề cập đến việc phải khuyến khích tạo ra nhiều hơn các Startup công nghệ sáng tạo đúng nghĩa. Những người tạo ra sản phẩm, giải pháp hữu dụng và mới mẻ, có thể gây kinh ngạc cho bất cứ ai tiếp xúc.

Đây là vấn đề đáng quan tâm, bởi trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam được đề cập nhiều nhưng những sản phẩm chứng minh cho năng lực “Make in Việt Nam”, và các Startup kiểu này vẫn đang còn hạn chế. 

Tư duy gia công sẽ giết chết tinh thần 'Make in Việt Nam' ảnh 1 Nguyễn Minh Thảo được Forbes Việt Nam đánh giá là một trong những gương mặt trẻ tài năng

Là gương mặt trẻ nổi tiếng, với hơn 15 năm tham gia khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, Nguyễn Minh Thảo, CEO Umbala Network cho rằng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để công nghệ sáng tạo phát triển. Tuy nhiên, những rào cản về tư duy công nghệ đã khiến các Startup trong lĩnh vực này vẫn đang rất ít.

“Thời điểm mình khởi nghiệp vào năm 2002, lúc đó chưa có khái niệm khởi nghiệp mà chỉ là mở công ty. Lúc đó, tìm những người chia sẻ để hỗ trợ là hầu như không có”.

Theo vị CEO này, trong suốt thời gian dài, các công ty công nghệ ở Việt Nam chủ yếu phát triển theo con đường Outsource mà không trực tiếp làm Product (sản phẩm). Điều này, khiến nhiều lập trình viên trẻ có xu hướng vào các công ty gia công làm việc và vô hình trung đã “giết chết” đội ngũ nhân sự có tiềm năng để có thể phát triển những sản phẩm sáng tạo và có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới… Ngoài ra, tư duy gia công còn dẫn đến việc các Startup Việt Nam luôn giải quyết những vấn đề nhỏ mà không dám giải quyết những vấn đề lớn.

Trong khi ngành công nghệ ở Nhật Bản, Hàn Quốc… đi thẳng vào làm sản phẩm thì ở Việt Nam, thống kê cho thấy có đến gần 80% các công ty công nghệ Outsource, và có xu hướng tăng nhanh.  Năm 2018, công nghiệp phần mềm của Việt Nam có doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu phần mềm ước đạt 3,5 tỷ USD.

CEO Umbala Network cho rằng, xu hướng này mặc dù có thể giúp Việt Nam tiếp cận nhanh với công nghệ nhưng chỉ với vai trò đi làm thuê, còn tinh thần tự chủ tạo ra những sản phẩm “Make in Việt Nam” là rất hiếm. Những người giỏi về công nghệ khi khởi nghiệp sẽ buộc chuyển sang làm kinh doanh, dẫn tới việc thiếu các chuyên gia công nghệ. Trong khi đó, muốn khởi nghiệp công nghệ thành công, chuyên gia là nhân tố cực kỳ quan trọng.

Cũng theo Nguyễn Minh Thảo, các Startup công nghệ Việt Nam thường giỏi về mặt kỹ thuật nhưng tư duy về kinh doanh và tài chính lại yếu. Bên cạnh đó, các Startup lại mắc sai lầm khi chỉ chăm chăm đi gọi vốn mà không chú trọng quá trình vận hành,

“Startup công nghệ giải quyết vấn đề cho khách hàng bằng các sản phẩm. Từ các sản phẩm, khách hàng sẽ chi tiền để Startup tăng trưởng. Nhưng các Startup ở Việt Nam thì ngược lại, thường đi tìm nhà đầu tư mạo hiểm trong quá trình làm dự án mà không chú trọng khâu vận hành. Bản thân những Founder (nhà sáng lập) cũng không hiểu phải làm gì để các nhà đầu tư chú ý mà chỉ tập trung đi chào hàng”, Minh Thảo cho hay.

Startup công nghệ cần phải nghĩ lớn

Đánh giá về làn sóng khởi nghiệp công nghệ hiện nay, CEO Umbala Network cho biết, ngày càng có nhiều bạn trẻ khát khao được giải quyết những vấn đề lớn hơn. Các Startup cũng nhận được nhiều sự quan tâm và hướng dẫn từ những người đi trước.

“Thời điểm mình khởi nghiệp vào năm 2002, lúc đó chưa có khái niệm khởi nghiệp mà chỉ là mở công ty. Lúc đó, tìm những người chia sẻ để hỗ trợ là hầu như không có”, Thảo chia sẻ. Tuy nhiên, để có thể xây dựng nhiều các Startup công nghệ sáng tạo, Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần phải có những tập đoàn lớn, những Unicorn (kỳ lân) làm ra những sản phẩm đột phá, sở hữu công nghệ chính, có tính lan truyền, thì các bạn trẻ sẽ có động lực để tư duy lớn hơn.

Nói về việc các sản phẩm công nghệ của người Việt thường không được ưa chuộng tại sân nhà so với các sản phẩm nước ngoài, Nguyễn Minh Thảo cho rằng, bản chất không phải do người dùng, mà do những người sáng tạo công nghệ của Việt Nam chưa biết cách tiếp cận và đủ sức chinh phục khách hàng.

Là người từng trải qua nhiều bài học qua việc cạnh tranh với các sản phẩm công nghệ nước ngoài, Thảo hiểu rõ hơn ai hết về vấn đề này. Mới đây nhất là cuộc cạnh tranh giữa Umbala.Tv và Tiktok, một ứng dụng video đình đám của Trung Quốc được định giá cao nhất trong lịch sử Startup thế giới. Tuy ra đời khoảng 1 năm trước khi Tiktok vào thị trường Việt Nam, nhưng sản phẩm của Umbala bị lép vế do đối thủ có tiềm lực mạnh hơn, và sử dụng cách tiếp cận khôn ngoan hơn.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng là một trong những bài toán quan trọng đối với các startup, nhất là những startup về công nghệ. Dẫn chứng từ Silicon Valley, Thảo cho biết có đến hàng trăm công ty công nghệ được mở ra nhưng tất cả đều yên tâm làm công nghệ do đã có các quỹ đầu tư và chính sách bảo lãnh. Hay ở Trung Quốc, Chính phủ nước này cũng đã gom toàn bộ các startup về một chỗ. Còn ở Việt Nam, các Startup không có cơ hội được nhận những khoản đầu tư, hỗ trợ.

Do đó, CEO Umbala Network cho rằng, Chính phủ cần quản trị dòng tiền tốt hơn, và có các cơ chế để kết nối những người làm công nghệ với các quỹ đầu tư. Bởi, tốc độ là điều tiên quyết đối với các Startup công nghệ, nếu không có giải pháp sớm, các Startup sẽ chết sớm. 

Tư duy gia công dẫn đến việc các Startup Việt Nam luôn giải quyết những vấn đề nhỏ mà không dám giải quyết những vấn đề lớn. Muốn có những sản phẩm công nghệ “Make in Việt Nam”, phải cần những tập đoàn lớn làm ra những sản phẩm đột phá có tính lan truyền để các bạn trẻ có động lực tư duy lớn hơn. 

Nguyễn Minh Thảo (sinh năm 1982, quê ở Đông Hà, Quảng Trị), là gương mặt nổi tiếng trong giới công nghệ. Anh cũng là một trong những người phát triển mạng xã hội sớm nhất ở Việt Nam. Cách đây khoảng 15 năm với nhiều Startup lọt top 20 doanh nghiệp sáng tạo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, top 3 giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.