Chống gian lận hàng “lạ” từ các khu công nghiệp

Chống gian lận hàng “lạ” từ các khu công nghiệp
Cùng với Công an, Quản lý thị trường thì Hải quan Đồng Nai là một “binh chủng” quan trọng trong cuộc chiến chống hàng lậu từ các khu công nghiệp. Không có cửa khẩu, đường biên giới nhưng hoạt động gian lận thương mại, hàng hóa nhập và xuất khẩu lậu ở Đồng Nai không hề yên ắng.

Một trong những đơn vị quan trọng nhận lãnh nhiệm vụ "sàng lọc" hàng hóa nhập vào Đồng Nai là Đội Kiểm soát hải quan (thuộc Cục Hải quan Đồng Nai). Từ năm 2006 đến nay, đội này đã phát hiện 5 vụ hàng hóa nhập khẩu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được "tuồn" ra bán lậu trên thị trường tại Đồng Nai. Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan Phạm Công Minh cho biết: "Để phát hiện, thu thập các chứng cứ và bắt quả tang một vụ mua bán hàng lậu của doanh nghiệp không hề đơn giản. Song, một khi đã bắt thì phải chắc chắn và thường thì vụ nào phá được cũng có quy mô lớn, giá trị từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng trở lên". Một kiểm soát viên của đội còn nói, để "phá án" các nhân viên hải quan phải trinh sát, "nằm vùng", bí mật điều tra không khác gì công an. Và dù được pháp luật giao quyền, nhưng để truy bắt thành công một vụ mua bán hàng lậu từ các doanh nghiệp là cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Các anh phải đối mặt với một số phần tử "đầu gấu", những tài xế, chủ xe hoặc chủ hàng cố tình bất hợp tác. Trong khi đó, dù được trang bị vũ khí, dụng cụ hỗ trợ nhưng hiện nay chưa có quy chế chính thức nên các kiểm soát viên hải quan không thể sử dụng để thị uy khi cần thiết. Vì vậy, mối đe dọa từ chống gian lận thương mại đối với các kiểm soát viên hải quan vẫn luôn rình rập.

Song, với trách nhiệm của mình, các nhân viên hải quan đã phối hợp cùng công an phá được những vụ mua bán hàng lậu quy mô lớn. Điển hình như vào năm 2007, Đội Kiểm soát hải quan đã phát hiện và bắt giữ 3 container chứa vải của Công ty A. (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) nhập về từ nước ngoài để may quần áo xuất khẩu. Thế nhưng, số hàng này công ty lại "tuồn" ra ngoài thị trường tại Đồng Nai nhưng không thông qua khai báo hải quan. Với hành vi vi phạm đó, doanh nghiệp nọ đã bị tịch thu toàn bộ số vải lậu và bị phạt hành chính rất nặng (tổng cộng hàng bị tịch thu và tiền phạt lên đến 7 tỷ đồng). Được biết, tình trạng các doanh nghiệp đang hoạt động tại Đồng Nai nhập khẩu vải để may quần áo xuất khẩu, nhưng lén "tuồn" vải bán ra thị trường Việt Nam trong mấy năm gần đây là khá nhiều.

Một dạng hàng lậu khác là máy móc, thiết bị của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng tại Đồng Nai cũng bị "tuồn" ra ngoài. Cụ thể như vụ Công ty K. (khu chế xuất Long Bình) nhập máy móc, thiết bị từ nước ngoài vào để lắp ráp các dây chuyền sản xuất sản phẩm văn phòng. Tuy nhiên, số máy móc, thiết bị này đưa vào vận hành chưa đủ thời gian quy định được thanh lý (từ 10 năm trở lên) thì đã bị đưa ra khỏi doanh nghiệp. Vì vậy, cơ quan hải quan cùng công an đã tiến hành tịch thu hàng hóa vi phạm và phạt doanh nghiệp nọ với số tiền trên 1,2 tỷ đồng.

Từ nhiều năm nay, Cục Hải quan và Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Năm 2003, thông qua sự phối hợp, hai ngành đã phát hiện xí nghiệp F. vận chuyển gần 4.900 cái áo và quần các loại không có hóa đơn chứng từ. Sau đó, xí nghiệp này bị phạt với số tiền hơn 300 triệu đồng.

Năm 2004, công an Đồng Nai đã tăng cường vai trò của mình, phát hiện nhiều vụ hàng hóa xuất nhập khẩu bị gian lận, lập biên bản và chuyển hồ sơ cho Cục Hải quan xử lý. Ví dụ như vụ Công ty V. vi phạm quy định về bán hàng hóa thuộc đối tượng ưu đãi thuế quan không đúng quy định, vi phạm quy chế quản lý hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu. Về hành vi này công ty nọ đã bị xử phạt với số tiền hơn 500 triệu đồng. Tháng 04-2006, qua công tác tuần tra kiểm soát phối hợp, Chi cục hải quan Long Bình và Đồn Công an khu công nghiệp Biên Hòa đã phát hiện và bắt giữ tại Công ty B. một xe tải mang biển số 54V-2360 thuộc Hợp tác xã vận tải số 10 (TP. Hồ Chí Minh) vận chuyển lậu (không qua khai báo hải quan) 96 cây vải (hơn 3,3 tấn). Cục Hải quan Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và truy thu số tiền của đơn vị sai phạm trên 1,4 tỷ đồng...

Thời gian qua, lực lượng Hải quan cũng đã hỗ trợ Công an Đồng Nai nắm bắt tình hình nhập khẩu hóa chất tiền chất (loại hóa chất dùng tẩy rửa, đồng thời có thể sử dụng cho sản xuất ma túy). Từ năm 2005 đến nay, hai ngành này đã phát hiện 70 doanh ngiệp đóng tại Đồng Nai nhập khẩu gần 563.000 tấn và hơn 97.000 lít hóa chất. Trong đó, có một số doanh nghiệp vi phạm các quy định về thủ tục hải quan khi nhập khẩu và xuất bán ra thị trường nội địa loại hóa chất nguy hiểm, độc hại này. Trong năm 2009, Công ty R. và Công ty M. (đều đóng trên địa bàn huyện Long Thành) có hành vi khai sai mã số thuế và không có giấy phép kinh doanh nhập khẩu mặt hàng tiền chất này. Sai phạm đó của hai doanh nghiệp đã bị ngành hải quan xử phạt hành chính với số tiền trên 1 tỷ đồng.

Theo Báo Đồng Nai

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.