Dấu hiệu cấu thành tội phạm khi vận chuyển ngoại tệ, tiền Việt Nam bằng tiền mặt

Dấu hiệu cấu thành tội phạm khi vận chuyển ngoại tệ, tiền Việt Nam bằng tiền mặt
TPO - Công tác chống buôn lậu vào dịp cuối năm dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, phương thức và thủ đoạn tinh vi hơn. Đặc biệt là vận chuyển trái phép các “mặt hàng” đang có biến động giá cả phức tạp trên thị trường trong nước, giá trị cao như ngoại tệ, vàng, kim khí quý, đá quý dự báo có chiều hướng gia tăng do chênh lệch giữa trong và ngoài nước.

Sự mất giá của đồng tiền đã làm tăng nhu cầu của nhân dân tìm đến các loại hàng hóa có giá trị thay thế khác để lưu giữ, đặc biệt là vàng và ngoại tệ. Việc kiểm soát tiền tệ xuất nhập khẩu luôn được cơ quan Hải quan quan tâm, chú trọng, nhằm góp phần kiểm soát tình hình an ninh kinh tế, an ninh chính trị và xã hội.

Hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới được pháp luật quy định rõ ràng cụ thể. Pháp luật hành chính quy định người có hành vi vận chuyển tiền Việt Nam, ngoại tệ bằng tiền mặt qua biên giới có thể bị xử phạt đến 70 triệu đồng, tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ loại hàng hóa đặc biệt này, Nhà nước còn quy định tội phạm “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” tại Điều 154 Bộ Luật Hình sự.

Theo quy định của Bộ Luật Hình sự tội phạm “Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” được xác định dựa trên các yếu tố cơ bản sau:

Chủ thể thực hiện tội phạm (người thực hiện hành vi vận chuyển) phải đủ 16 tuổi trở nên và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự; Đối với các trường hợp tang vật có trị giá từ 500 triệu trở lên thì độ tuổi bị xem xét trách nhiệm hình sự là đủ 14 tuổi trở lên.

Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội phần lớn là hành khách xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu, sân bay, biên giới.

Người phạm tội có thể tự mình vận chuyển hoặc thông qua người khác để vận chuyển trái phép ngoại tệ, tiền Việt Nam qua biên giới.

Loại tội phạm này xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là trật tự quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu tiền tệ. Trực tiếp hoặc gián tiếp gây thiệt hại đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước, làm biến động giá cả tiền tệ trong nước, là nguyên nhân dẫn đến mất giá của đồng tiền nội tệ, đặc biệt là ảnh hưởng đến giá vàng và ngoại tệ.

Hàng hóa là tang vật của loại tội phạm này là tiền Việt Nam, đồng ngoại tệ có giá trị.

Tội phạm được thực hiện do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Người phạm tội biết hành vi gian dối của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi mà vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Động cơ phạm tội là vụ lợi và mục đích nhằm thu lợi bất chính.

Chế tài được áp dụng đối với loại tội phạm này thấp nhất là “cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”, chế tài cao nhất được áp dụng là “phạt tù từ năm năm đến mười năm”; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG