Bất động sản sốt cục bộ

Bất động sản sốt cục bộ
Lãi suất cao, tâm lý chờ giảm giá vẫn ngự trị; nguồn cung liên tiếp được đẩy lên... khiến sức mua trên thị trường bất động sản (BĐS) chưa thể hồi phục. Nhưng ở một vài nơi, một vài thời điểm lại ồn ào các cơn sốt nhà, đất.

Bất động sản sốt cục bộ

>> TPHCM 'trảm' các dự án rùa
>> Đất ngoại thành Hà Nội đang bị ‘thổi giá’

Lãi suất cao, tâm lý chờ giảm giá vẫn ngự trị; nguồn cung liên tiếp được đẩy lên... khiến sức mua trên thị trường bất động sản (BĐS) chưa thể hồi phục. Nhưng ở một vài nơi, một vài thời điểm lại ồn ào các cơn sốt nhà, đất.

Những dự án có vị trí đẹp, cộng với mức giá hợp lý vẫn bán được. Ảnh: D.Đ.M
Những dự án có vị trí đẹp, cộng với mức giá hợp lý vẫn bán được. Ảnh: D.Đ.M.

TP.HCM: Giá bán quyết định

Ông Nguyễn Nguyên Thái, Phó giám đốc Công ty CBRE Việt Nam, cho biết trong năm nay số lượng chào bán căn hộ ra ngoài thị trường TP.HCM vào khoảng 50.000 căn hộ, trong đó có gần 10.000 căn hộ "tồn" từ trước đó. Những con số trên cho thấy, các chủ đầu tư đang chịu sức ép rất lớn trong bối cảnh nguồn cung ngày càng tăng mạnh. Điều lạc quan nhất mà các chủ đầu tư bám víu vào là nhu cầu về nhà ở của người dân tại TP.HCM vẫn còn rất lớn. Cụ thể, theo chương trình phát triển nhà ở của TP.HCM, đến năm 2010 trung bình mỗi người dân phải đạt bình quân 14,3m2 và đến năm 2011 là 15m2. Như vậy, với trên 8 triệu dân, hiện mỗi năm TP cần thêm gần 6 triệu m2 nhà ở, tương đương với khoảng gần 60.000 căn hộ có diện tích 100m2/căn.

Câu hỏi đặt ra là, trong khi cầu vẫn vượt cung, lý do nào khiến hàng loạt dự án (DA) căn hộ tung ra thị trường vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm. Theo ông Thái, vấn đề quyết định là giá bán. Nếu các DA đưa ra mức giá hợp lý thì sức mua sẽ tăng lên.

Đó là lý do nhiều chủ đầu tư đã phải chấp nhận hạ giá sản phẩm. Có thể kể ra như DA của Công ty Đại Thành (Q.Tân Phú) đã giảm giá bán căn hộ từ 14,9 triệu đồng/m2 xuống còn khoảng 12,7 triệu đồng/m2. Mức giá trên là đã giao nhà hoàn thiện so với mức giá cũ chỉ giao nhà thô. Một DA của Công ty Thuduc House ở Q.Thủ Đức mới đây cũng đã giảm giá bán khoảng 500.000 đồng/m2. Công ty CP DV - ĐT - XD BĐS Nam Tiến đã mở bán độc quyền khu liên hợp Nam Sài Gòn gồm tổ hợp căn hộ cao cấp Conic Gateway 19 tầng, với 158 căn hộ và khu đất nền Conic Phát Lộc gồm 40 nền đã thu hút rất đông khách hàng và các nhà đầu tư tham gia. Ông Trần Đức Phương, Tổng giám đốc Công ty BĐS Nam Tiến cho biết xác định được xu hướng thị trường, công ty đã đưa ra mức giá khá mềm, 18 triệu đồng/m2 căn hộ cao cấp, đất nền là 22 triệu đồng/m2.

Theo ông Phương, với những DA có giá hợp lý, vị trí thuận lợi, cộng với chính sách bán hàng tốt sẽ bán được hàng. Đây là thực tế đã được kiểm chứng tại các DA bán chạy tại TP.HCM trong thời gian vừa qua.

Hà Nội sốt ảo

Trong khi các chủ đầu tư tại TP.HCM phải "xoay" đủ cách để bán hàng thì tại Hà Nội, các cơn sốt cục bộ lâu lâu lại rộ lên. Theo các chuyên gia, nhiều nơi tại Hà Nội đang sốt như thời “bong bóng” 2006 - 2007 là do trong thời gian qua hàng loạt DA quy hoạch, nâng cấp, đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đường bộ chủ yếu tập trung ở Hà Nội để phục vụ cho chính sách mở rộng thủ đô và Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội BĐS Đồng Nai nhận xét, trong chuyến đi tham khảo thị trường Hà Nội mới đây, bà cũng giật mình về sự “liều lĩnh” của dân đầu tư địa ốc Hà Nội. Sau Tết Nguyên đán vừa rồi, lượng tiền đầu tư của người dân Hà Nội tung ra thị trường rất lớn khiến thị trường BĐS sốt ở một số khu vực rồi lan sang nơi khác, nhất là những nơi có đường mới mở đi qua.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất tạo nên các cơn sốt này là sự ra tay của giới môi giới nhà đất tại Hà Nội. Dựa vào nhu cầu đầu tư của người dân Hà Nội, vốn coi BĐS là kênh tích lũy nên đã đẩy giá, tạo thành những cơn sốt cục bộ. “Do hầu hết đều đầu tư theo kiểu lướt sóng nên giá tăng nhanh, với biên độ tăng giá lớn khiến giá nhà đất tăng cao phi lý so với mặt bằng thu nhập của người dân, do đó chỉ phục vụ cho một nhóm khách hàng, gây khó khăn cho nhiều người có nhu cầu thật”, bà Hương phân tích.

Trong khi vàng miếng gần như đã bị cấm cửa, gửi tiền ngân hàng sợ mất giá thì nhà đất được xem là kênh đầu tư “ăn khách” nhất hiện nay ở Hà Nội.

Theo Di Lã
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG