"Chè Thái, còn nhiều việc phải làm"

"Chè Thái, còn nhiều việc phải làm"
TP - Có cây chè nhưng nhiều lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng đau đáu nỗi lo. Hàng trăm ngàn người dân Thái Nguyên vẫn đang phải sống với gốc chè. Giá chè có những lúc nổi loạn, khi rẻ pheo.

> Tưng bừng khai mạc Carnaval Trà Thái Nguyên

Với giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 70 triệu đồng/ha, cây chè đang là cây “xóa đói, giảm nghèo”, giúp vươn lên làm giàu cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Năm 2012, toàn tỉnh đã xuất khẩu được trên 7.000 tấn chè búp khô, thu được trên 10 triệu USD, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức của ngành Chè hiện nay rất lớn. Một số sản phẩm chè của chúng ta còn chưa thật sự đảm bảo chất lượng, tính ổn định trong từng loại sản phẩm chưa cao; năng suất còn ở mức trung bình; sản phẩm còn nghèo nàn về chủng loại; đầu tư cho quảng bá, tiếp thị sản phẩm chưa thỏa đáng. Lúc này lúc nọ khách đến với Thái Nguyên muốn mua cân trà Thái “xịn” mà hồ nghi chất lượng. Hóa ra nhiều việc còn phải làm với cây chè Thái.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Phách cũng đã có chỉ đạo rõ ràng về chiến lược chè dài hơi, trong đó lưu tâm đặc biệt việc phát triển du lịch văn hóa trà sau khi Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn giá trị vật thể, phi vật thể trà Thái Nguyên.

Trong 6 định hướng phát triển ngành chè Việt Nam mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Festival trà Thái Nguyên cách đây 2 năm, Thái Nguyên đang rất chú trọng việc bố trí lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa người trồng chè với các doanh nghiệp chè để ổn định sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Thế mới thực là làm cho hộ gia đình làm chè giàu lên nhờ chè. Không phải huyện nào, xã nào cũng thuận lợi như ở xóm Cây Thị hay xã Tân Cương. Đã có lúc người trồng chè Thái Nguyên đã nỗi niềm bỏ thương vương tội với cây chè. Rồi thì chuyện mạnh ai nấy dấn, thương hiệu ảnh hưởng chung thì nguy hiểm.

Festival có hội thảo báo chí về chè, có hội thảo khoa học về chè, có hội nghị xúc tiến đầu tư… Qua đó, Thái Nguyên sẽ “tổng vặn ốc vít” siết lại bài bản và hoạch định một chiến lược có tầm nhìn cao nhất cho câu chuyện chè Thái.

Giờ trà Thái đã danh tiếng muôn nơi. Người Thái Nguyên trồng chè có công nghệ mới, có bài bản kỹ  thuật và liên kết bao tiêu. Vùng nguyên liệu có  thể đạt tới 200.000 tấn/năm vào năm 2015 đang cho thấy một cơ ngơi của cải và trách nhiệm “khủng” cho Thái Nguyên.

Cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu chè 200 triệu đô la, riêng Thái Nguyên chiếm 1/5, xem ra làm giầu cho tỉnh có 1,2 triệu dân số từ cây chè (hoặc với cây chè) đã bắt đầu khởi sắc. Bà Nguyệt cho biết, phải cố gắng để mỗi người dân làm chè là một hướng dẫn viên du lịch cho quê hương.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên khẳng định Ở Thái Nguyên, nơi nào bạn cũng có thể mua được trà ngon chính hiệu. Tỉnh đã có một chiến lược nghiêm ngặt bảo vệ thương hiệu chè Thái.

Với diện tích gần 20.000ha chè, Thái Nguyên là tỉnh có năng suất và sản lượng chè cao nhất cả nước. Sản lượng chè búp tươi khoảng 190.000 tấn/năm (tương ứng gần 40.000 tấn búp khô), trong đó 8.000 tấn xuất khẩu đi Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, Pakistan… Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Dương Ngọc Long, khẳng định vùng đất bán sơn địa, nửa đồng nửa núi có thổ nhưỡng đặc biệt đã hội tụ điều kiện tuyệt vời cho cây chè Thái. Ông nói, tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn đang có động lực từ cây chè.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG