Lợi thế xuất khẩu của hàng nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên Việt Nam

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Lê Hùng)
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Lê Hùng)
Ngày 23/9, tại Cục Xúc tiến Thương mại - VIETRADE (Bộ Công thương) đã diễn ra hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế giữa đại diện Cục Xúc tiến Thương mại, Tổ chức Helvetas Việt Nam, Dự án BioTrade EU và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Hội nghị được diễn ra đến ngày 25/9, nhằm trao đổi và chia sẻ trong ngành nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên Việt Nam 2020.

Trong bối cảnh giao thương toàn cầu đình trệ, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải chống chọi với dịch bệnh và Việt Nam vừa kiểm soát thành công làn sóng Covid-19 thứ hai, việc một hội nghị được tổ chức có liên quan đến sức khỏe con người có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt thiết thực cho doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam và gần 100 doanh nghiệp từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịp giao lưu, chia sẻ cơ hội hợp tác kinh doanh.

Thông qua hội nghị, nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu của hàng nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên Việt Nam. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác kinh doanh ở thị trường nước ngoài trên môi trường trực tuyến, trong điều kiện các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn về xúc tiến thương mại vì đại dịch Covid-19.

Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2020.

Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú đánh giá: Ngành nông nghiệp và công nghiệp nguyên liệu tự nhiên của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung nguyên liệu thực phẩm và dược phẩm tự nhiên quan trọng cho thị trường thế giới. Những năm qua, thông qua đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người dân nhiều khu vực trên thế giới đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành nguyên liệu tự nhiên Việt Nam. Các doanh nghiệp nguyên liệu thực phẩm và dược phẩm tự nhiên của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của các đối tác nước ngoài, có khả năng cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sở dĩ được như vậy, là trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã đặc biệt chú trọng tới việc bảo tồn, quy hoạch vùng trồng nguyên liệu dược phẩm và gắn với phát triển kinh tế. Trong đó phải kể đến vai trò của tổ chức Helvetas Việt Nam và Dự án BioTrade Vietnam do Liên minh châu Âu EU tài trợ trong việc xây dựng nền kinh tế xanh bền vững, đồng thời phát triển các chuỗi giá trị dược liệu. Quá tình này, bảo đảm tất cả các yếu tố: lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường, sinh thái bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu và lợi ích cho xã hội.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) được xác định là nhân tố quan trọng trong các chuỗi giá trị phát triển kinh tế, là đối tượng trọng yếu của các dự án HELVETAS Việt Nam đã và đang triển khai.

Được biết, HELVETAS là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, có trụ sở tại Thuỵ Sỹ, đã hoạt động ở Việt Nam từ năm 1994 trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và phát triển nông thôn. Hiện nay, các chương trình của HELVETAS Việt Nam tập trung vào quản lý, lập kế hoạch tại địa phương, cải cách hành chính công. Trong đó, Dự án BioTrade Việt Nam do Liên minh Châu Âu tài trợ tập trung vào phát triển thương mại công bằng - bền vững.

Ông Phạm Văn Lương - Giám đốc Helvetas Việt Nam chia sẻ: Nhằm đạt được các mục tiêu song trùng trong phát triển thương mại bền vững, HELVETAS Việt Nam và VIETRADE cùng hợp tác thực hiện một số hoạt động chính như (i) Tổ chức thực hiện và tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu cơ hội thị trường, qua đó, tăng cường cơ hội kết nối mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu với sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế; (ii)  Hỗ trợ, ủng hộ thực thi các chính sách khuyến khích xúc tiến thương mại; (iii) Thực hiện quảng bá xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.

Lợi thế xuất khẩu của hàng nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên Việt Nam ảnh 1

(Ảnh: Lê Hùng)

Nói về khả năng cung ứng và Lợi thế xuất khẩu của hàng nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tuấn - Giám đốc dự án Biotrade đánh giá các thị trường tiềm năng lớn của Việt Nam có thể kể đến như: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Australia… Có thể thấy, 35% diện tích đất ở Việt Nam phục vụ cho mục đích đất nông nghiệp, 47% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có hơn 10.000 nhóm loài bao gồm cả động thực vật trong đó có hơn 5.000 loài có thể dùng làm nguyên liệu thực phẩm dược phẩm tự nhiên. Trong thực tế, Biotrade vừa tìm kiếm được vài trăm loại nguyên liệu tự nhiên, điều đó có thể khẳng định tiềm năng phát triển nguồn nguyên liệu ở Việt Nam còn rất lớn.

Đặc biệt, giờ đây hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên của Việt Nam sang EU - thị trường ưu thích các sản phẩm hữu cơ và hoàn toàn tự nhiên. Điều này được dự báo sẽ có tăng trưởng cao trong xuất khẩu ngành hàng này.

Sự kiện Hội nghị giao thương trực tuyến với sáng kiến mở phiên giao thương B2B online match-making (Business to Business - mô hình kinh doanh online giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) cho SMEs Việt Nam thông thương với nước ngoài là sự kiện mở đầu cho chuỗi hợp tác lâu dài này.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.