Thị trường đồ mẹ và bé: Cuộc đua chưa có hồi kết

Sức nóng của thị trường mẹ và bé đang "hút" sự đầu tư của nhiều quỹ nước ngoài
Sức nóng của thị trường mẹ và bé đang "hút" sự đầu tư của nhiều quỹ nước ngoài
Dù sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các thương hiệu lớn, song theo lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng đồ dùng cho mẹ và bé, thị trường này ở Việt Nam vẫn còn đầy tiềm năng để phát triển.

“Đấu trường” khốc liệt

Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường FTA, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các dịch vụ kinh doanh sản phẩm của bà mẹ và trẻ em. Doanh số của thị trường này tại Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD hằng năm. 

Trong khi đó, theo thống kê của Cục dân số, năm 2015, Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em ở độ tuổi 0-4 tuổi, và 4,3 triệu phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, chiếm phần đông dân số cả nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em ở mức cao nhất Đông Nam Á, với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi. Do vậy, nhìn từ khía cạnh kinh doanh, ngành hàng phục vụ mẹ và bé đang trở thành miếng bánh ngon nóng hổi của thị trường.

Đó cũng là điều dễ hiểu khi tốc độ và tần suất khai trương các cửa hàng gắn liền với tên tuổi mới như Bibo Mart, Kid Plaza, Con Cưng...ngày càng lớn. Song song với đó là hàng loạt những trang web, chủ shop offline và online như beyeu.com, foreva.vn (webtretho), babyhop.vn...cũng đua nhau ra đời. Tuy nhiên, làm sao để tạo dựng được thương hiệu, đứng vững và mở rộng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Đơn cử như sự ra đời và biến mất nhanh chóng trên thị trường chỉ sau 1-2 của các thương hiệu Kids WorldDeca, Beyeu, Babysol....

Vươn lên dẫn đầu thị trường này ở Việt Nam hiện nay là chuỗi cửa hàng của Bibo Mart. Theo bà Trịnh Lan Phương – Tổng Giám đốc hệ thống Bibo Mart, công ty hiện có 120 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố. Năm 2017, Bibo Mart đặt mục  tiêu doanh số hơn 100 triệu USD, đến cuối năm 2019 đạt 300 triệu USD.

Kids Plaza – đối thủ đáng gườm của Bibo Mart cũng chạy đua quyết liệt. Hiện nay, trên toàn quốc, Kid Plaza có tổng số 74 cửa hàng với diện tích mặt bằng rộng, thoáng và view đẹp.

Trong khi đó, Con Cưng đã gây dựng được 86 cửa hàng, trong đó có tới 49 cửa hàng tại TP HCM, 1 tại Đà Nẵng, số còn lại thuộc các tỉnh lân cận. Trong thời gian tới, thương hiệu này sẽ mở rộng tới thị trường phía Bắc, để phát triển hệ thống lên 200 cửa hàng vào năm sau. 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành hàng đồ cho mẹ và bé có đặc thù không quá bị coi trọng bởi giá cả, thay vào đó là chất lượng sản phẩm. Do đó, thị trường còn mới và đầy tiềm năng nên đây sẽ là khoảng thời gian lợi thế cho những người đi đầu.

Bởi thế, ngoài việc bán hàng, các thương hiệu muốn được lòng khách hàng và phát triển hơn buộc phải đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính và phong phú của người tiêu dùng. Đơn cử như Kids Plaza Bibo Mart hiện nay đểu mở những lớp học tiền sản, hậu sản miễn phí cho các bà mẹ, đồng thời gọi điện chăm sóc học viên và khách hàng thường xuyên.

“Tất cả mọi quyết định của Bibo Mart đều dựa trên nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi tiến hành khảo sát ý kiến của các bà mẹ có bầu và sau sinh trước khi đưa hàng hóa vào hệ thống, đảm bảo chất lượng, giá cả và xuất xứ đều dựa trên mong muốn của họ mà quyết định. Đặc biệt, Bibo Mart luôn dành ưu tiên cho dòng sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam” – Tổng Giám đốc hệ thống Bibo Mart chia sẻ bí quyết xây dựng thương hiệu.

Cạnh tranh là động lực để các chuỗi cùng hoàn thiện

Sự phát triển của các chuỗi siêu thị mẹ và bé đã dọn đường cho hàng loạt thương hiệu nổi tiếng quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc mẹ và bé vào Việt Nam. Điều này vô tình khiến thị trường trở thành "cuộc chơi" mà trong đó những thương hiệu nội địa dường như không dễ chen chân.

Đặc biệt, hai năm trở lại đây, nhiều nhãn hàng nổi tiếng quốc tế đã thâm nhập thị trường Việt Nam để cùng nhau hưởng miếng bánh này. Đơn cử như thực phẩm Morinaga, Meiji... trong đó nổi bật trên thị trường là siêu thị của Nhật mang tên Soc&Brothers khi đã mở tới siêu thị thứ 5 tập trung hầu hết tại các trung tâm thương mại lớn ở Việt Nam. Do vậy, đây cũng là thách thức cho các thương hiệu Việt trong lĩnh vực này.

Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Kids Plaza, nhận định: "Việc các thương hiệu lớn vào Việt Nam chứng minh doanh số của thị trường đã đủ lớn để doanh nghiệp phải có mặt "chăm sóc". Từ việc xuất hiện chỉ qua con đường "xách tay" đến nay đã "đường đường chính chính", chứng tỏ sức tiêu thụ đang lớn dần".

Không bị giới hạn bởi mặt bằng, nhân lực..., những cửa hàng trực tuyến chuyên kinh doanh hàng hóa phục vụ bà mẹ, trẻ em mở ra như nấm sau mưa, trở thành đối thủ đáng gờm của các chuỗi siêu thị. Đó cũng là điều dễ hiểu khi chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm mặt hàng cho mẹ và bé trên google, lực tức hàng trăm website đang kinh doanh hạng mục này, như Tuticare, Babydeal, Babi...

Thị trường đồ mẹ và bé: Cuộc đua chưa có hồi kết ảnh 1

Bà Trịnh Lan Phương – Tổng Giám đốc hệ thống Bibo Mart (thứ 6 từ trái qua) cùng đội ngũ lãnh đạo công ty

“Với những tiềm năng như vậy, không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mà cả những chuỗi bán lẻ của nước ngoài cũng quan tâm đến thị trường này. Do đó, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia trực tiếp mở chuỗi tại Việt Nam hoặc gián tiếp bằng hình thức hợp tác với các chuỗi hiện tại trong nước”, bà Phương đánh giá.

Tháng 5/2017, Bibo Mart đã nhận thêm khoản đầu tư chiến lược đến từ ACA Investments - Công ty Quản lý Quỹ hàng đầu của Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Sumitomo. Dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng số vốn này giúp ACA nắm giữ 20% cổ phần của Bibo Mart.

 Ông Hiroyuki Ono, đại diện của ACA cho biết quỹ mong muốn sẽ đầu tư lâu dài vào Bibo Mart và có thể nâng tỷ lệ sở hữu của công ty trong tương lai.

"Đây là một thị trường không ngừng tăng trưởng với nhu cầu đa dạng từ khách hàng, cả kinh doanh truyền thống và online đều có cơ hội ngang nhau nếu đáp ứng được về chủng loại hàng hóa phong phú cũng như chất lương dịch vụ chăm sóc khách hàng", ông Trần Hải Linh, Giám đốc Điều hành Sàn giao dịch Sendo.vn từng chia sẻ.

MỚI - NÓNG