Tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân 10%/năm

Các chuyên gia, nhà khoa học hướng dẫn nông dân nhận biết các sản phẩm cây có múi bị nhiễm bệnh.
Các chuyên gia, nhà khoa học hướng dẫn nông dân nhận biết các sản phẩm cây có múi bị nhiễm bệnh.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở NN&PTNT Bắc Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, chủ đề “Giải pháp phát triển bền vững cây có múi tại các tỉnh phía Bắc”.

Trong những năm gần đây cây có múi (cam, quýt, bưởi) cả nước tăng khá nhanh cả về diện tích lẫn sản lượng. Tại các tỉnh phía Bắc trong 10 năm (từ năm 2009 đến năm 2019) tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân 10%/năm.

Hiện, tổng diện tích cây có múi các tỉnh phía Bắc gần 122  nghìn ha, chiếm 47,5% so với cả nước. Một số địa phương ở miền Bắc đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm cây có múi như Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang…

Là một trong những nhóm cây ăn quả chủ lực, nhưng thực tế việc sản xuất cây có múi đang gặp phải không ít những khó khăn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết, trong những năm gần đây cây có múi được người dân Bắc Giang trồng và phát triển mở rộng. Từ diện tích 1,8 nghìn ha năm 2013 đến nay đã tăng lên trên 10,8 nghìn ha. Tính đến nay, diện tích cây ăn quả có múi ở Bắc Giang tăng 600%. Các cây có múi được trồng chủ yếu là bưởi da xanh, cam đường canh, cam vinh…

Tuy nhiên, việc quản lý theo quy hoạch và bản đồ số vùng sản xuất tập trung còn khó khăn, bà con nông dân phát triển vùng trồng vẫn theo hướng tự phát. Công tác quản lý giống, vật tư đối với cây có múi còn bất cập, thiếu các nguồn giống sạch bệnh.

Việc lạm dụng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ làm ảnh hưởng đến sinh thái nông nghiệp, môi trường, rút ngắn chu kỳ sản xuất dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, hiệu quả sản xuất chưa được như mong muốn. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chuỗi liên kết chưa nhiều và chưa bền vững.

Về tiêu thụ, theo ông Nguyễn Quang Huy, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm cây có múi hiện chủ yếu được tiêu thụ ở dạng quả tươi tại thị trường nội địa là chính, giá trị xuất khẩu không đáng kể. Tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và hợp tác xã, doanh nghiệp, siêu thị chưa nhiều. Công nghệ sau thu hoạch, bao gói, chế biến còn thiếu, chậm được đầu tư, cải thiện.

Để tiếp tục phát triển sản xuất, tiêu thụ cây có múi hiệu quả cao, bền vững trong thời gian tới các đại biểu đề xuất cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên cần hạn chế tối đa tình trạng phát triển "nóng" theo phong trào đối với cây có múi tại các vùng không phù hợp.

Quan tâm phát triển các giống cây có múi đặc sản địa phương có lợi thế cạnh tranh; ưu tiên công tác bình tuyển giống; phát triển các giống cây có múi mới, năng suất, chất lượng cao và ít sâu bệnh. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, sạch bệnh.

Cùng với việc mở rộng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi, liên kết tiêu thụ sản phẩm, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ, khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp đầu tư chế biến với công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, thực hiện dán tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu lưu ý 5 bài học nông dân cần nhớ trong phát triển cây có múi. Đó là, trước khi trồng cây phải tham quan, học hỏi trước các mô hình hiệu quả rồi mới áp dụng; chuẩn bị đầy đủ đất đai, kinh phí và kỹ thuật; thực hiện từ mô hình nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp; ghi chép sổ nhật ký đầy đủ để rút kinh nghiệm; luôn chủ động, sáng tạo, có khát vọng làm giàu.

MỚI - NÓNG