Ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy suất nguồn gốc nông sản

Ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy suất nguồn gốc nông sản
TPO - Công nghệ Blockchai sẽ giúp kiểm soát được thông tin của sản phẩm, đồng thời truy suất được nguồn gốc và tránh bị giả mạo thương hiệu. 
Đó là nhận định của một số chuyên gia tại Diễn đàn Việt Nam Blockchain Summit với chủ đề "Từ công nghệ tới chính sách  (VBS) diễn ra vào ngày 8/6.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, công nghệ Blockchain sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế số và tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 
Tuy nhiên, theo ông Hải, ở Việt Nam hiện nay đa số chỉ mới biết Blockchain qua tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số mà chưa biết đến việc ứng dụng trong nền kinh tế. Điển hình là một số doanh nghiệp đã bước đầu vận dụng Blockchain vào Logistic và truy suất nguồn gốc nông sản. 
Ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy suất nguồn gốc nông sản ảnh 1 Các đại biểu khẳng định công nghệ Blockchain sẽ được ứng dụng vào  logistic và truy gốc nguồn gốc thời gian tới
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Minh Cần – Phó Giám đốc hợp tác xã xoài Mỹ Xương cho biết, đơn vị này đã bắt đầu triển khai mô hình đưa công nghệ Blockchain vào việc truy suất nguồn gốc và tìm thấy những yếu tố tích cực.
Với diện tích xoài khoảng 95 ha, khó khăn lớn của hợp tác xã này là trong tiêu thụ, dù gắn tem nhưng vẫn bị làm giả và các con tem không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu thụ khó phân biệt sản phẩm của đơn vị này.
Tuy nhiên, sau khi đưa công nghệ blockchain vào các khâu vận chuyển đã được giải quyết. “Hệ thống quản lý blockchain sẽ được kích hoạt thông tin từ thu hoạch, ra đại lý và thông tin không thể thay đổi được, giả mạo tem rất khó khăn. Minh bạch hơn trong đổi trả hàng hóa với đại lý và hợp tác xã.
  Người tiêu dùng chỉ cần sử dụng smartphone có thể quét mã định danh trên trái xoài có thể biết nguồn gốc, thời điểm thu hoạch, biết cách bảo quan, thời gian sử dụng và thời điểm nào ăn ngon nhất. Tất cả đều được thể hiện trên con tem dán trên trái xoài”, anh Cần chia sẻ. 
Ngoài ra, trong việc xuất khẩu nông sản, thủy sản, việc ứng dụng công nghệ Blockchain sẽ giúp sản phẩm của Việt Nam giữ vững được thương hiệu, tránh bị giả mạo. Chẳng hạn, như dừa Bến Tre, mỗi năm xuất khẩu gần 1 triệu quả, nếu sử dụng công nghệ Blockchain, người dùng sẽ phân biệt ngay đâu là dừa của Việt Nam, đâu là dừa của nước ngoài, ông Cần chia sẻ.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc ứng dụng blockchain hiện nay chưa có hành lang pháp lý cụ thể, chưa nhiều doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng nên cũng gặp không ít trở ngại.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, để sử dụng Blockchain hiệu quả tại Việt Nam các doanh nghiệp tiên phong... cần sự trung thực và dũng cảm mới có thể đưa Blockchain ứng dụng tốt cho nền kinh tế. 
Tuy nhiên, ông Hải cũng khẳng định cần sớm có các quy định để quản lý chặt chẽ công nghệ này, tránh bị lạm dụng vào những công việc mờ ám, khiến cơ quan chức năng khó truy vết, quản lý hơn. Như trường hợp của đồng tiền công nghệ Bitcoin vừa qua. Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số  sẽ cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển loại công nghệ này. 
MỚI - NÓNG