'03' có phải là 'sóng thần' trong đầu tư chứng khoán

'03' có phải là 'sóng thần' trong đầu tư chứng khoán
"03" nói ở đây là chỉ thị 03/2007/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra quy định khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán không vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại.

"Sóng thần" nói ở đây là tên gọi của một số tác giả đặt cho đầu đề của bài báo nói về tác động của "03".

Tuy nhiên, "03" không thể coi là "sóng thần" theo hai nghĩa.

Xét theo nghĩa thứ nhất, "03" không hoàn toàn bất ngờ như "sóng thần", thậm chí còn quá chậm.

Ngay từ đầu năm và trả lời các câu hỏi của Quốc hội, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo về việc cho vay đầu tư chứng khoán, mặc dù lúc đó qua kiểm tra số dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán mới chiếm 2,6% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng.

Việc quy định tỷ lệ khống chế còn là quá chậm, khi mà tính bình quân chung, thị giá chứng khoán đã gấp trên 10 lần mệnh giá, có loại còn gấp tới mấy chục lần, thậm chí lên tới hàng trăm lần.

Chỉ số giá chứng khoán ở Trung tâm Giao dịch TP.HCM (VN-Index) lúc đỉnh điểm (ngày 12.3 lên tới 1.170 điểm), cao gấp 3,85 lần đầu năm 2006, gấp gần 2,93 lần ngày 2.8.2006, gấp gần 1,6 lần cuối năm 2006.

Mặc dù ngày 22.6, VN-Index đã giảm xuống còn 1.033,69 điểm, thấp hơn đỉnh điểm trước đây, nhưng vẫn còn tăng tới gần 37% so với cuối năm trước, vượt rất xa so với các chỉ số tương ứng của gần như bất cứ một loại giá nào, từ giá tiêu dùng, giá vàng, giá USD, giá bất động sản...

Kênh đầu tư chứng khoán là kênh đầu tư dài hạn, còn kênh ngân hàng là kênh ngắn hạn; nếu để cho hai kênh này quan hệ với nhau như "bình thông nhau", nếu "hiệu quả" thì chỉ chạy vòng quanh, còn nếu gặp rủi ro thì rất nguy hiểm, thậm chí sẽ dẫn đến đổ vỡ; do hai kênh này có tính hệ thống, nếu chỉ cần một số đơn vị đổ vỡ thì có thể kéo cả hệ thống "nghiêng ngả" theo.

Chẳng thế mà các ngân hàng nước ngoài đã không cho vay chứng khoán, không phải họ không biết thu lợi khi chỉ số giá chứng khoán Việt Nam phi mã, nhưng đây là vấn đề thuộc tính nguyên tắc của các ngân hàng chuyên nghiệp.

Xét theo nghĩa thứ hai, nếu đúng như các bài báo đã đề cập, "03" là "sóng thần" thì nó sẽ "quét" đi tất cả.

Các đối tượng bị "quét" là các ngân hàng thương mại đã cho vay đầu tư chứng khoán vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng, là các nhà đầu tư vay ngân hàng thương mại để đầu tư chứng khoán, là thị trường chứng khoán (bao gồm cả thị trường thứ cấp và sơ cấp, cả thị trường tập trung và thị trường phi tập trung)...

Các ngân hàng thương mại đã cho vay đầu tư chứng khoán vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng đúng là bị tác động đầu tiên, bởi các ngân hàng này sẽ rà soát lại các hợp đồng cho vay vốn kinh doanh chứng khoán đến hạn thu hồi nợ, không cho gia hạn và không tái cho vay để kinh doanh chứng khoán.

Có ngân hàng mức giảm đã lên tới 100 tỉ đồng dư nợ từ cho vay kinh doanh chứng khoán và đã phải chuyển hướng kinh doanh. Thực ra các ngân hàng thương mại cho vay đầu tư chứng khoán vừa qua thu lợi được nhiều nhất so với các hướng kinh doanh khác, vì chỉ số giá chứng khoán tăng mạnh...

Mặc dù biết việc cho vay chứng khoán là đầy rủi ro và cũng đã có nhiều biện pháp tự đề phòng, nhưng trước sự điều chỉnh giảm của chỉ số giá chứng khoán, các ngân hàng thương mại cũng không thể không lo ngại, vì là người kinh doanh tiền tệ, họ rất thành thạo trong phương châm "trông giỏ bỏ thóc".

Sau "03", mặc dù cũng có nhiều ý kiến, nhưng các ngân hàng thương mại có tỷ lệ cho vay chứng khoán vượt 3% tổng dư nợ thường chỉ đề nghị lùi thời hạn thực hiện hoặc nâng tỷ lệ khống chế...

Còn các ngân hàng thương mại có tỷ lệ thấp hơn thì chẳng có ý kiến gì; có chuyên gia còn cho rằng họ tự hào vì không nằm trong diện phải cắt giảm tỷ lệ cho vay chứng khoán mà còn vui mừng sẽ còn tỷ lệ để "đón" khách hàng từ các ngân hàng đã vượt quá.

Nhà đầu tư vay ngân hàng thương mại để đầu tư chứng khoán là bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng đó chỉ là vay ở những ngân hàng thương mại đã vượt quá tỷ lệ 3% mà Ngân hàng Nhà nước khống chế.

Đây cũng là cảnh báo cho những nhà đầu tư không có vốn nhưng đầu tư theo phong trào, vay ngắn để đầu tư dài,...

Thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều do giảm một lượng vốn từ ngân hàng thương mại tràn sang đây để không phi mã vượt quá giá trị thực. OTC cũng không thể nóng sôi lên sùng sục để rồi bây giờ lạnh chưa biết đến bao giờ và thực chất không phải là OTC vì nó quá mờ ảo rủi ro.

Việc đấu giá cổ phiếu khi các đơn vị IPO cũng không thể "đấu giá cho bằng được" để rồi đưa giá lên cao hơn giá thực, để rồi bỏ cọc, để rồi bán lúa non...

Mục đích cuối cùng của thị trường chứng khoán là huy động vốn dài hạn cho đầu tư phát triển, nhưng phải ổn định và bền vững. "03" theo ý nghĩa này là phương thuốc "an toàn cho cả ba" (ngân hàng, nhà đầu tư, thị trường chứng khoán); tuy "đắng", thậm chí "rất đắng" với ngân hàng này, nhà đầu tư này, nhưng nhìn toàn cục là có lợi.

Nếu có cần phải chỉnh sửa thì chỉ là vấn đề kỹ thuật - nhất là tính cụ thể của các quy định hoặc dưới dạng quyết định hơn là chỉ thị mà thôi.

Theo Đào Ngọc Lâm
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.