1 triệu ha lúa lai: Chạy theo số lượng sẽ lĩnh hậu quả xấu

1 triệu ha lúa lai: Chạy theo số lượng sẽ lĩnh hậu quả xấu
Lúa lai hiện nay hoàn toàn chưa đáp ứng được các yêu cầu, sản lượng cao nhưng chất lượng lại thấp. Chạy theo số lượng sẽ lĩnh hậu quả xấu - GS,VS Đào Thế Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp nói về dự án 1 triệu ha lúa lai.

Hơn 10 năm qua, Bộ NN&PTNT đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho nghiên cứu tạo hạt giống lúa lai, nhưng hiệu quả rất thấp, GS  nghĩ gì về những khoản đầu tư này?

Theo tôi, trước tiên phải tách rành mạch 2 vấn đề: nghiên cứu và sản xuất. Về nghiên cứu, Nhà nước nên đầu tư, không chỉ đơn thuần với lúa lai, mà ngay cả với cây trồng biến đổi gen đang gây tranh cãi cũng cần đầu tư nghiên cứu.

Thời gian các nhà khoa học nghiên cứu chưa lâu, nên kết quả còn chưa được nhiều. Lúa lai có triển vọng cần tập trung sức để nghiên cứu tiếp. Thành công chưa nhiều thì không nên đưa vào sản xuất, vì nếu thất bại thì tốn công tốn của của nhân dân.

Còn về sản xuất, cung cấp giống lúa lai thì sao, thưa GS?

Theo tôi, đúng ra giống lúa lai có đưa vào sản xuất được hay không là tùy vào việc các nhà khoa học có thuyết phục được nông dân về hiệu quả của nó. Diện tích lúa lai tăng nhanh hiện nay bởi: Các Cty giống muốn kiếm lời, đổ xô đi buôn giống chứ không sản xuất.

Cty nào cũng đi buôn, thậm chí có Cty không có gì liên quan đến giống, không hiểu biết về giống cũng buôn lúa lai; Nước ta có chính sách trợ giá giống lúa lai.

Theo tôi, chính sách này không đúng, vì nếu trợ giá cho giống nước ngoài mà không trợ giá giống trong nước thì sẽ bóp chết Cty sản xuất giống trong nước. Đi đến đâu cũng thấy các cơ quan, đơn vị tiếp thị giống lúa lai thì làm sao giống lúa thuần trong nước sống được?

Vấn đề giống lúa đang bung bét như hiện nay một phần xuất phát từ chính sách trợ giá….Nên coi lúa lai là tiến bộ kỹ thuật bình thường. Nếu giống lúa lai thực sự tốt thì người dân sẽ tự tiếp thu. Nhà nước không nên ép buộc nông dân trồng lúa lai, càng không cần phải nêu mục tiêu 1 triệu hay 1,5 triệu ha.

Mỗi năm VN chi ra 20 tỷ đồng để nhập giống lúa lai của TQ có phải do giống trong nước quá thiếu và chất lượng kém?

Không phải giống trong nước kém, trái lại, có rất nhiều giống tốt. Không có lúa lai, Việt Nam vẫn có thể đạt được năng suất cao, chất lượng tốt với những giống lúa thuần như hiện nay.

GS -TS Nguyễn Ngọc Kính - Tổng thư ký Hội giống VN cho biết:

Nông dân ở nhiều nơi đang bị ép buộc phát triển lúa lai. Theo tôi, cần có hội thảo mời các nhà khoa học, quản lý, DN, đại diện của nông dân ở các vùng trồng và không trồng lúa lai, những người quan tâm đến lúa lai… để tìm định hướng đúng cho việc nghiên cứu, sản xuất với quy mô, diện tích và đầu tư thích hợp trên cả nước và từng vùng.

Nếu không cũng cần một cơ quan phản biện độc lập chương trình này để đảm bảo khoa học, khách quan, trước khi Chính phủ phê duyệt chương trình lúa lai.

TS Lê Hưng Quốc - người chủ trì soạn Chương trình sản xuất lúa lai cho biết, chương trình 1 triệu ha lúa lai mới chỉ là ý tưởng.

Thế nhưng ngay năm 2003, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành tờ trình Chính phủ (chưa ký) “xin phê duyệt định hướng và giải pháp phát triển sản xuất hạt giống lúa lai phục vụ  mục tiêu 1 triệu ha lúa lai đến năm 2010” với kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng. Trong tờ trình nêu rõ: “Sản xuất lúa lai ở nước ta được đánh giá là có hiệu quả nhất với mức đầu tư không lớn”.

“Việc áp dụng thành công công nghệ sản xuất lúa lai vào sản xuất đại trà để tăng năng suất lúa được coi là cuộc cách mạng xanh lần thứ 2 trong sản xuất lúa của thế giới”…

Bằng chứng rõ nhất là tại ĐBSCL, có giống lúa lai gì đâu, dân vẫn sản xuất được cả triệu ha lúa năng suất và chất lượng cao để xuất khẩu rất nhiều. Các tỉnh cứ đưa lúa lai vào sản xuất vì Sở NN&PTNT cũng được ăn % trong chính sách trợ giá lúa lai chứ chưa phải do quần chúng ủng hộ, tin tưởng vào hiệu quả của nó. Tiền trợ giá phát triển lúa lai không phải xuống đến dân 100% đâu, mà qua mỗi cấp, họ đều được ăn cả.

Có vấn đề khác rất quan trọng mà nông dân bây giờ hay “quên” đó là kỹ thuật canh tác lúa quyết định rất lớn đến năng suất. Hiện, ngay cả cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo nhiều cấp cũng còn thiển cận cho rằng, cứ có giống tốt là không cần điều kiện gì khác nữa cũng đạt được sản lượng.

Không đúng! Giống chỉ một phần quyết định sản lượng lúa. Hay nói đúng hơn, giống là tiềm năng, để biến thành sản lượng được thì phải thông qua các biện pháp canh tác, thủy lợi, bón phân, phòng trừ sâu bệnh.

Tại Xuân Thủy, Xuân Kiên (Nam Định), các chuyên gia Trung Quốc sang trồng thử nghiệm lúa lai năng suất cao tới 12 tấn/ha. Người dân trồng lúa lai cạnh đó đạt 10 tấn/ha. Nhưng kỹ thuật canh tác của chuyên gia Trung Quốc cầu kỳ lắm, mình không bắt chước được.

Chủ trương phát triển lúa lai vì có năng suất cao. Theo GS, nếu cứ chú ý đến sản lượng như vậy chúng ta sẽ được gì và mất gì?

Cứ chạy theo số lượng thì sẽ dẫn đến hậu quả xấu. Sản xuất cái gì cũng vậy, quan trọng là có mang lại thu nhập cho nông dân không hay mang lại thu nhập cho các nhà buôn, Cty Nhà nước?… Cái chúng ta cần là phát triển bền vững, lâu dài, toàn diện. Muốn nông nghiệp tiến lên được thì người dân phải có thu nhập cao, có công ăn việc làm, có chất lượng cuộc sống…

Tất cả những điều này không phản ánh vào trong chỉ tiêu 5 tấn hay 10 tấn/ha. Đó chỉ là mục tiêu số lượng, song đôi khi, chúng ta đang lấy mục tiêu số lượng làm chính.

Lúa lai hiện nay hoàn toàn chưa đáp ứng được các yêu cầu, sản lượng cao nhưng chất lượng lại thấp, quyền lợi trung gian được hưởng rất nhiều. Thái Bình thâm canh lúa rất mạnh nhưng trồng ít lúa lai nhất.

Nếu nông dân thích năng suất thật thì Thái Bình chắc chắn sẽ là nơi trồng lúa lai nhiều nhất, nhưng ở khá nhiều vùng, họ  trồng lúa chất lượng cao vì hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nghệ An trồng nhiều lúa lai nhưng có phải vì thế mà giải quyết được vấn đề lương thực đâu. Trên bình diện chung cả tỉnh Nghệ An, sản lượng lúa lai thấp.

Điều này cũng có nghĩa là cần xem xét lại chương trình mở rộng diện tích lúa lai?

Đúng như vậy. Theo tôi trước tiên phải đặt vấn đề nghiên cứu lúa lai trước. Bởi lúa lai hiện nay hoàn toàn chưa đáp ứng yêu cầu. Làm ra được sản lượng cao như giá thành thấp, dân không phấn khởi.

Có lần tôi nói chuyện với một cán bộ cấp cao của Chính phủ, ở Thái Bình có hiện tượng nông dân bỏ ruộng do thu nhập thấp đấy. Cán bộ đó nói: Nói thế là nói bậy.

Tôi cũng đã hỏi tiếp: Anh chủ trương cho miền Bắc phát triển lúa lai tại sao dân Thái Bình lại trồng rất ít lúa lai? Cán bộ đó đã không trả lời được.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.