10 năm tới tăng gấp ba thu nhập cho dân

10 năm tới tăng gấp ba thu nhập cho dân
Trong khoảng mười năm tới, dự kiến thu nhập bình quân đầu người của nước ta sẽ gấp ba lần hiện nay theo giá thực tế, nghĩa là khoảng 3.000 USD.

Đây là một trong những mục tiêu nằm trong dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Hội nghị trung ương 10 đã thảo luận.

PV phỏng vấn ông Nguyễn Bá Ân - phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư - về những nét mới của dự thảo.

Xin ông cho biết những mục tiêu cơ bản trong dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020?

Với tư cách là một người nghiên cứu, tôi được biết đến nay chúng ta có hai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã và đang thực thi là chiến lược 1991-2000 và chiến lược 2001-2010.

Lần này xây dựng chiến lược cho mười năm tới, chúng tôi đề xuất mục tiêu tổng quát là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ trung bình.

Thế giới đã có các tiêu chí về nước công nghiệp có trình độ trung bình, căn cứ vào đó chiến lược đề ra mục tiêu nêu trên. Dự báo có những tiêu chí chúng ta sẽ đạt thấp, ví dụ tỉ lệ đô thị hóa, nhưng cũng có nhiều tiêu chí ta sẽ đạt khá hơn như chỉ số phát triển con người (HDI)...

Là nước có điểm xuất phát thấp, chúng ta phải hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh. Có ý kiến nhấn mạnh đến tăng trưởng bền vững, tuy nhiên nếu không duy trì được tốc độ tăng trưởng thì chúng ta khó giải quyết được các bài toán xã hội.

Do vậy chúng tôi cho rằng một trong những vấn đề cần đặt ra ở tầm chiến lược là mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững. Dự thảo chiến lược đề ra mục tiêu trong 10 năm tới tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước bình quân hằng năm đạt 7-8%.

Có nhiều yếu tố đảm bảo chất lượng tăng trưởng, trong đó việc phát huy dân chủ để giải phóng sức lao động và động viên sức mạnh toàn dân tộc đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập.

Chúng ta từng đạt mức tăng trưởng 7-8%, tuy nhiên đó vẫn là sự tăng trưởng theo chiều rộng...

- Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói VN sẽ tăng trưởng nhanh nếu có chiến lược phát triển nguồn nhân lực tốt. Sau nhiều cuộc khủng hoảng tầm thế giới vừa qua, nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển, đang mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế.

Như vậy dự báo thời gian tới cùng với quá trình tái cơ cấu đó, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục có những bước phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho mỗi quốc gia.

Một nền kinh tế nếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên thì cũng đến lúc “chạm trần”, do vậy chính sách phải hướng vào những lĩnh vực có lợi thế so sánh. Việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, phát huy lợi thế cạnh tranh “động” do con người tạo ra sẽ là một trong những yêu cầu bắt buộc cho những quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững...

Tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân trên đầu người là những mục tiêu quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chất lượng sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đâu là những điểm được chọn để tạo đột phá trong dự thảo chiến lược này?

- Tôi được biết dự thảo chiến lược đưa ra nhiều định hướng phát triển, trong đó chúng tôi đã đề xuất lựa chọn ba chiến lược đột phá. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất, huy động và sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực.

Như vậy điểm đột phá thứ nhất bao hàm một vấn đề rất rộng, nhưng chúng tôi đề xuất ở đây có hai việc quan trọng là tạo môi trường đầu tư thuận lợi và cải cách hành chính. Hai việc này nếu làm tốt sẽ tháo gỡ nhiều cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội lâu nay.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Trong đó tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Lấy ví dụ hiện nay năng suất lao động trong nông nghiệp chỉ bằng 1/10 lao động phi nông nghiệp, như vậy nếu chuyển một lao động nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp thì chúng ta đã nâng được năng suất lao động lên mười lần.

Muốn chuyển dịch tốt cơ cấu lao động thì yếu tố hàng đầu là đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề. Thứ ba, tập trung cao các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng của các đô thị lớn.

Hiện cũng có nhiều đề xuất khác về các mũi đột phá như khoa học kỹ thuật, công nghiệp, năng lượng... Những lĩnh vực đó đều quan trọng, tuy nhiên tôi nghĩ rằng cần tập trung sức đột phá những lĩnh vực then chốt để làm chuyển động toàn bộ tình hình kinh tế - xã hội. Ba lĩnh vực đột phá nêu trên chính là “điểm nghẽn”, ba “nút thắt cổ chai” trong tăng trưởng hiện nay, đột phá vào ba lĩnh vực đó sẽ có sự lan tỏa nhanh và rộng.

Chúng tôi nghĩ những lĩnh vực khác thì các bộ, ngành, địa phương có thể tự xây dựng chiến lược cũng như đề ra điểm đột phá cho riêng ngành mình, địa phương mình. Còn ở đây là đột phá chiến lược quốc gia, cần có sự lựa chọn để không sa vào dàn trải, trở thành chiến lược “hình quả mít” theo kiểu ở hướng nào cũng có “mũi nhọn”.

"Chúng ta đã nhận thấy nguồn nhân lực hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và giải quyết vấn đề này không dễ. Thật sự những vấn đề như cải cách hành chính, thiết lập môi trường kinh doanh thông thoáng... cũng từ vấn đề con người.

Ở đây không chỉ là tay nghề kém thì tăng cường đào tạo nghề, mà còn là nguồn nhân lực ở tầm ra chính sách, đội ngũ quản lý, điều hành..., sao cho chúng ta có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao với một tư duy đổi mới thì sẽ tháo gỡ được những lực cản trên đường phát triển đất nước"

Theo Võ Văn Thành
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG