10 nền kinh tế lớn nhất thế giới

10 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Ngân hàng thế giới (WB) đã công bố danh sách Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên số liệu về GDP năm 2004. 10 nước này có giá trị GDP chiếm khoảng 77% tổng giá trị GDP của toàn thế giới.
10 nền kinh tế lớn nhất thế giới ảnh 1

Trong 10 nước, châu Mỹ đóng góp 2, châu Âu đóng góp 5, châu Á  đóng góp 3.

Đứng đằng sau 10 nước này là các nước Hàn Quốc, Mexico, Hà Lan, Australia, Brazil, tức là có 15 nước có quy mô GDP trên 500 tỷ USD.

Năm 2004, GDP của VN đạt khoảng 54,5 tỷ USD, đứng thứ 55 trong tổng số 182 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đứng thứ 18 trong tổng số 47 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á và đứng thứ 6 trong 11 nước trong khu vực Đông Nam Á.

Mỹ là nước có GDP lớn nhất thế giới, cao gấp hơn 2 lần nước đứng thứ hai, chiếm khoảng 31,5% GDP của toàn thế giới. Tốc độ tăng GDP của Mỹ đã phục hồi, hiệu quả cao hơn tốc độ tăng của Nhật Bản và EU, nên quy mô sẽ ngày một cách xa so với các nước đứng sau. Đáng lưu ý, Mỹ là nước nhận đầu tư trực tiếp của nước ngoài lớn nhất thế giới, có trình độ khoa học - công nghệ hiện đại bậc nhất, là nơi tập trung nhiều nhà khoa học của thế giới...

Nhật Bản có quy mô GDP lớn thứ hai thế giới, cao gấp 1,7 lần nước đứng thứ ba. Nước Nhật trong nhiều năm liền là một hiện tượng “kinh tế thần kỳ”, chỉ từ hơn 10 năm nay tốc độ tăng bị suy giảm, có một số năm còn mang dấu âm. Song từ một vài năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã dần phục hồi, nên tiếp tục giữ vững chắc vị trí thứ hai thế giới.

Hơn nữa nước này có tổng dự trữ ngoại hối quốc tế tăng liên tục và có quy mô lớn nhất thế giới: năm 2000 đạt 356 tỷ USD, năm 2001 đạt 396,2 tỷ USD, năm 2002 đạt 462,4 tỷ USD, năm 2003 đạt 664,6 tỷ USD, năm 2004 đạt 835,2 tỷ USD, gấp nhiều lần các mức 86,9 tỷ USD của Mỹ, 97,2 tỷ USD của Đức, 77,4 tỷ USD của Pháp, 49,7 tỷ USD của Anh, 60,9 tỷ USD của Italy, 19,8 tỷ USD của Tây Ban Nha, 126,6 tỷ USD của Ấn Độ và cũng lớn hơn cả 618,6 tỷ USD của Trung Quốc. Quy mô xuất khẩu lên đến 566 tỷ USD, chỉ sau Mỹ, Đức.

Đức là nước có quy mô GDP lớn thứ ba thế giới, đứng cách khá xa so với nước đứng thứ tư. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức trong mấy năm nay có xu hướng giảm dần và gần tới mức bằng 0 (năm 2000 còn đạt 2,86%, năm 2001 còn 0,57%, năm 2002 còn 0,18% và năm 2003 chỉ còn 0%).

Tuy vậy, quy mô xuất khẩu của Đức liên tục tăng lên: năm 2000 đạt 550 tỷ USD, năm 2001 đạt 571 tỷ USD, năm 2002 đạt 613 tỷ USD, năm 2003 đạt 751 tỷ USD, năm 2004 đạt 911 tỷ USD. Đức cũng là nước có tỷ lệ xuất khẩu so với GDP đạt 33,6% cao hơn các nước đứng trên và nhiều nước đứng dưới về GDP. Đức cũng là nước có tổng dự trữ ngoại hối quốc tế lớn chỉ đứng sau Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore.

Anh là nước phát triển tư bản sớm nhất thế giới, có quy mô GDP lớn thứ tư thế giới, hiện là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm gần đây tăng 2,3%, cao hơn các chỉ số tương ứng của Nhật Bản (2,27%), Đức (0,9%), Pháp (1,8%)...

Pháp là nước sớm phát triển tư bản chủ nghĩa, hiện có quy mô GDP lớn thứ 5 thế giới, đứng cách khá xa so với nước đứng thứ sáu. Pháp là nước có quy mô xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới (sau Đức, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, cũng là nước có tổng dự trữ quốc tế thuộc loại cao của thế giới.

Italia là nước có quy mô GDP lớn thứ sáu thế giới, hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với 5 nước đứng trên. Bình quân trong 4 năm qua đạt trên 4,2%. Nước này cũng có tổng dự trữ quốc tế cao và kim ngạch xuất khẩu lớn.

Trung Quốc là nước giữ kỷ lục về tốc độ tăng trưởng khá cao, liên tục và trong thời gian dài (27 năm), nên vị trí đã tăng lên. Nếu năm 1985 mới đứng thứ 9, năm 1990 đứng thứ 12, năm 1995 đứng thứ 8 thì từ năm 2000 vươn lên đứng thứ 7. Tốc độ tăng của Trung Quốc trong nhiều năm liên đạt mức cao nhất thế giới; lại có tổng dự trữ ngoại hối quốc tế lớn thứ hai thế giới; có quy mô xuất khẩu lớn thứ 3 thứ 4 thế giới.

Theo dự đoán của các chuyên gia với tốc độ tăng cao như hiện nay, thì đến nay 2005 sẽ vượt qua Italia, đến năm 2010 vượt Anh, đến 2020 Trung Quốc sẽ vượt Nhật và đến năm 2040 sẽ vượt Mỹ, trở thành nước có quy mô GDP lớn nhất thế giới.

Đó là nói Trung Quốc theo nghĩa hẹp, thực chất là CHND Trung Hoa, nếu kể cả Hồng Công, Ma Cao đã trở về với Trung Quốc thì GDP của Trung Quốc mới đã lên đến khoảng 1.820 tỷ USD, vượt qua Italia, đuổi gần kịp với Pháp.

MỚI - NÓNG