11 nhóm hàng của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi

11 nhóm hàng của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi
Từ 1/4/2005, EU sẽ áp dụng những ưu đãi thuế quan theo chế độ GSP mới, dành cho các nước đang phát triển. Liệu Việt Nam có được nằm trong danh sách GSP hay không, và mức ưu đãi như thế nào?

Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Minh-Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Thương mại.

Thưa ông, liệu trong tháng 3 này Việt Nam có được EU đưa vào danh sách các nước được hưởng GSP?

Đây là hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập, áp dụng cho các nước đang phát triển mà chủ yếu là nước nghèo. Nội dung chủ yếu của nó là loại những nước hoặc các nhóm hàng của những nước đang phát triển đã đạt đến trình độ phát triển cao ra khỏi danh sách ưu đãi khi xuất vào EU.

Trong dự thảo này có 11 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam nằm trong danh sách bị loại trừ. Chúng ta đã tiên liệu được điều này, và trước khi dự thảo GSP mới được đưa ra thì chúng ta đã có những tiếp cận cần thiết đối với cơ quan soạn thảo, để khẳng định với EU là Việt Nam tiếp tục cần được hưởng các ưu đãi của GSP.

Chúng ta đã có một sự vào cuộc “tổng lực”, đặc biệt là sự tham gia của các tham tán Việt Nam ở nước ngoài để vận động với EU, cho đến thời điểm này thì mối lo ngại lớn của chúng ta đã được dỡ bỏ... Vừa qua, tôi cũng đã làm việc với phái đoàn EU tại Hà Nội và được thông báo 11 nhóm hàng của Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách bị loại trừ ưu đãi.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn phải chờ Hội đồng Châu Âu thông qua, dự kiến vào cuối tháng 3 này. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã gửi thư cho Cao uỷ thương mại Liên minh Châu Âu, khẳng định rõ quan điểm của Việt Nam về việc 11 nhóm hàng của chúng ta cần được hưởng GSP với 3 lý do chính: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển ở trình độ thấp; Kinh tế Việt Nam đang chuyển mạnh từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường; Những sản phẩm xuất khẩu vào EU của chúng ta được sản xuất chủ yếu bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng Việt Nam được hưởng các ưu đãi của GSP.

Nếu được đưa vào danh sách hưởng GSP, mức ưu đãi đối với Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông?

Dự kiến ban đầu hệ thống GSP sẽ được áp dụng từ 1/7/2005, và lẽ ra một số mặt hàng của Việt Nam như dệt may, giày dép sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn Thái Lan, Indonesia...do hàng của các nước này có thể bị EU loại khỏi danh sách GSP vào thời điểm nói trên, nhưng do tác động của sóng thần đối với các nước này nên EU đã quyết định không những không loại hàng của các nước nói trên mà còn áp dụng sự ưu đãi sớm hơn vào 1/4 này.

Cụ thể như 90% hàng hoá Sri Lanka, trong đó có hàng may mặc xuất sang EU sẽ được miễn thuế, tôm Thái Lan được giảm thuế từ 12% xuống còn 4,2%, hàng dệt may ấn Độ được giảm thuế từ 12% xuống 9,5%, giày dép Indonesia và Thái Lan giảm thuế từ 17% xuống còn 13,5%.

Như vậy, mặc dù được hưởng GSP, nhưng hàng Việt Nam vẫn thua thiệt hơn một số nước như Thái Lan, ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka khi xuất vào EU do mức ưu đãi đối với Việt Nam không bằng các nước bị sóng thần.

Hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu đang tăng trưởng cao, liệu tới đây có mặt hàng nào sẽ bị điều tra bán phá giá không, thưa ông?

Danh sách 11 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng GSP

Giầy dép; Mũ vải; ô; dù che nắng; gậy của người đi bộ; gậy; roi ngựa; cương ngựa và phụ tùng thể thao; lông vũ đã xử lý và các sản phẩm từ lông vũ; hoa giả; sản phẩm từ tóc người.

(Nguồn: Vụ Thị trường Châu Âu, Bộ Thương mại)

Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Châu Âu ngày càng nhiều, dự kiến năm nay sẽ đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 29,9%, nên có thể là “người ta” sẽ cho rằng mình đã bán phá giá một số mặt hàng nào đó. Chuyện điều tra bán phá giá trong thương mại quốc tế là chuyện bình thường, chúng ta muốn hội nhập phải học cách sống chung với điều này.

Hiện nay EU đang dành cho chúng ta quy chế đệm, nghĩa là để điều tra chống bán phá giá đối với Việt Nam thì EU dĩ nhiên chưa coi Việt Nam là nước đã có nền kinh tế thị trường, nhưng cũng không hẳn sử dụng quy định không cần điều tra và đơn phương áp đặt như đối với nước có nền kinh tế phi thị trường, và đây là một thuận lợi cho Việt Nam đối với vấn đề nói trên.

Hiện Bộ Thương mại cũng đã gửi công hàm đến EU nhằm chứng minh chúng ta đã đáp ứng 5 tiêu chuẩn của EU về kinh tế thị trường.

Việc quá tập trung xuất khẩu hàng hoá vào số ít thị trường như Hoa Kỳ, EU...có đồng nghĩa với việc chúng ta đang “bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ” không, thưa ông?

Đối với thị trường EU đúng là đã có vấn đề này. Theo cái dự thảo GSP mới đây của EU thì những mặt hàng nào đã đạt thị phần trên 25% thì sẽ bị loại ra khỏi danh sách GSP, xuất khẩu của Việt Nam cũng đã “xuýt xoát” thị phần trên. Vấn đề này Bộ Thương mại đã có hướng dẫn các doanh nghiệp không nên tập trung quá vào một thị trường, để gây ra những rủi ro không những là với một mặt hàng mà cho toàn bộ kim ngạch xuất khẩu do sẽ bị đưa ra khỏi danh sách GSP.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.