11 tháng qua, trên 8 tỷ USD đăng ký vào Việt Nam

11 tháng qua, trên 8 tỷ USD đăng ký vào Việt Nam
8,27 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam ở các dự án mới và các dự án tăng vốn trong 11 tháng qua là con số vừa được Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố, vượt xa so với kế hoạch dự kiến cho cả năm là 6,5 tỷ USD.
11 tháng qua, trên 8 tỷ USD đăng ký vào Việt Nam ảnh 1
Tổng thống Bush tới thăm khai mạc một phiên giao dịch tại TT giao dịch chứng khoán TP HCM ngày 20/11.  Ảnh: Tứ Hải- TTXVN

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI vào Việt Nam trong 11 tháng qua đã tăng 47,4% so cùng kỳ năm trước. Số vốn cam kết này cũng là con số cao nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra, năm 1997 đến nay.

736 dự án mới được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 6,15 tỷ USD trong 11 tháng qua tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp và xây dựng; nông-lâm-ngư nghiệp và ngành dịch vụ.

Ngoài ra, đã có 439 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng vốn trên 2,12 tỷ USD. Nhiều dự án tăng vốn với qui mô lớn như Công ty Intel Products Việt Nam vốn tăng thêm 395 triệu USD, Công ty TNHH công nghiệp gốm Bạch Mã (Việt Nam) tăng thêm 150 triệu USD, Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam tăng thêm 98 triệu USD, Công ty VMEP tăng thêm 93,6 triệu USD, Công ty TNHH Canon Việt Nam tăng thêm 70 triệu USD.

Bà Rịa-Vũng Tàu đã vượt Thành phố Hồ Chí Minh để đứng đầu cả nước về thu hút FDI trong 11 tháng đầu năm, chiếm 26,6% tổng vốn FDI đăng ký; Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 chiếm 18,8%; tỉnh Bình Dương đứng thứ 3, chiếm 10,8%.

Có 39 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam từ đầu năm đến nay. Hàn Quốc đã vượt Hồng Công để trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, chiếm tới hơn 30% tổng vốn cấp mới.

Như vậy, từ 1988 đến tháng 11/2006, cả nước có 6.764 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 59,06 tỷ USD, vốn thực hiện (của các dự án còn hoạt động) đạt trên 28,6 tỷ USD. Nếu tính cả các dự án đã hết hiệu lực thì tổng vốn thực hiện đạt hơn 36 tỷ USD.

Những con số trên là minh chứng thực tế cho những dự báo của ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài Việt Nam trong 5 năm tới là rất sáng sủa.

Trong tuần lễ cấp cao APEC tại Hà Nội, có khoảng 1.200 nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kết quả là hàng loạt thoả thuận hợp tác đầu tư trị giá lên tới 2 tỷ USD được ký kết, chưa tính đến những cam kết của nhiều nhà đầu tư sau khi khảo sát về các điều kiện đầu tư tại Việt Nam.

Các chuyên gia hy vọng, trong thời gian tới nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ mở rộng sang khu vực các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ, chứ không chỉ tập trung ở các nhà đầu tư châu Á như hiện nay.

MỚI - NÓNG