13 lao động bị đánh tại Algeria: Vạ vật chặng về

Những lao động đầu tiên bị nhà thầu Trung Quốc hành hung tại Algeria về nước. Ảnh: L.H.V.
Những lao động đầu tiên bị nhà thầu Trung Quốc hành hung tại Algeria về nước. Ảnh: L.H.V.
TP - Chiều 17/11, chuyến bay đưa 13 lao động đầu tiên trong nhóm 53 người bị chủ sử dụng lao động Trung Quốc tại Algeria đánh đập đã đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội). Họ kết thúc chặng đường gian nan với giấc mơ đổi đời khi đi xuất khẩu lao động.

Bỏ đói cả chặng đường về

Là người đặt chân xuống sân bay đầu tiên, anh Nguyễn Hữu Cẩn (44 tuổi, quê Thạch Thất, Hà Nội) khoác trên mình chiếc áo đồng phục của Cty CP Simco Sông Đà (doanh nghiệp đưa lao động đi) rách nát, mặt xạm đen, má hóp. Anh Cẩn kể, để được đi Algeria làm công nhân xây dựng, gia đình anh phải cắm sổ đỏ vay hơn 47 triệu đồng trả cho Cty CP Simco Sông Đà. Trước khi đi, họ được ký hợp đồng làm công nhật, mức lương 650 USD/tháng, được đưa sang làm việc từ tháng 7/2015.

Khi những lao động mới nhận được tháng lương đầu tiên và gửi về nhà được 6-7 triệu đồng, thì xảy ra tranh chấp với chủ sử dụng là Cty TNHH Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc). Đỉnh điểm của vụ việc là 2 lao động Việt Nam bị chủ Trung Quốc đánh đập vào ngày 17/9. “Giám đốc công trường người Trung Quốc đem theo người của họ cầm gậy vây công nhân, chúng tôi ở trong phòng trọ đóng chặt cửa, họ dùng gậy đập vào cửa. Chúng tôi chỉ biết run sợ ôm nhau trong phòng”, anh Cẩn nói.

Anh Nguyễn Hữu Tới (38 tuổi, quê Ba Vì, Hà Nội) run run nói: Theo lịch trình và vé do Cty Simco Sông Đà thu xếp, họ sẽ tới Dubai để bay về Bangkok (Thái Lan) rồi nối chuyến bay về Hà Nội trong chiều tối 16/11. Tuy nhiên, khi xuống sân bay Dubai, do không có người hướng dẫn, chuyến bay về Thái Lan lại đặt quá sát giờ (chỉ có 30 phút để nối chuyến), nên cả nhóm bị trễ chuyến và phải ở lại sân bay Dubai 1 đêm, trong người không một đồng dính túi.

“May gặp người Việt Nam đi làm ở đây, họ gọi điện về công ty để đặt vé bay vào ngày 16 về Thái Lan. Nhưng tới Bangkok, lại không đặt được vé về Hà Nội, nên phải ở lại sân bay này thêm 1 đêm. Mãi tới trưa 17, chúng tôi mới đáp được máy bay về Hà Nội. Trong 2 đêm ở sân bay, 12 người phải nhịn đói, ngủ vạ vật ở sân bay. Bữa ăn duy nhất trong 3 ngày qua chỉ là suất ăn miễn phí được phát trên máy bay”, anh Tới kể.

Trong nhóm 13 lao động về lần này, chỉ có anh Nguyễn Ngọc Trì thuận lợi khi nối chuyến tại Dubai về Bangkok vào trưa 16/11. Tuy nhiên, tới BangKok, anh Trì lại không được Cty Simco Sông Đà chuyển vé máy bay để nối chuyến về Hà Nội. Bơ vơ một mình tại thủ đô Thái Lan, anh Trì may mắn gặp một khách du lịch Việt Nam, nhờ họ gọi điện về nhà nhờ đặt vé.

“Trong túi không còn một đồng, ngoại ngữ không biết, tôi phải vạ vật ở sân bay, đói không có cái ăn. Khát chỉ có nước miễn phí ở sân bay để cầm hơi”, anh Trì kể. Do cùng gặp trục trặc đặt vé máy bay, lại không có người của công ty đi cùng hướng dẫn, trợ giúp, cuối cùng họ gặp nhau ở sân bay Bangkok, và cùng về nước vào trưa 17/11.

Doanh nghiệp, cơ quan quản lý thờ ơ

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, trong lúc rối bời này, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Cty Simco Sông Đà không hề có thông báo, hay thông tin gì cho người nhà. “Sau khi biết người thân bị đánh, chúng tôi đã 2 lần làm đơn kêu cứu Cục Quản lý Lao động Ngoài nước nhưng không nhận được hồi đáp. Vì vậy, ngày 15/10, chúng tôi phải kéo lên trụ sở Cục Quản lý Lao động Ngoài nước mới được thông tin tình hình người thân của họ và hướng giải quyết”, anh Nguyễn Khắc Tài, con trai của lao động Nguyễn Khắc Đức (Thạch Thất, Hà Nội), nói.

13 lao động bị đánh tại Algeria: Vạ vật chặng về ảnh 1

Anh Nguyễn Hữu Cẩn với bộ đồng phục lao động rách nát bước xuống sân bay. Ảnh: L.H.V.

Còn tại Algeria, anh Lâm Văn Cường (47 tuổi, quê Ứng Hòa, Hà Nội) nói rằng, sau khi công nhân bị đánh, một đại diện của Đại sứ quán Việt Nam và một người của Cty Simco Sông Đà tới gặp. “Lúc đầu, họ yêu cầu chúng tôi làm việc nhanh, vì chỉ có 30 phút để gặp lao động. Chúng tôi phản ứng, họ mới ở lại để nghe trình bày lâu hơn”, anh Cường nói. Anh Cường tỏ rõ bức xúc khi Cục Quản lý Lao động Ngoài nước không cử người tới hỗ trợ lao động gặp nạn.

Mỗi năm, Việt Nam có hàng chục nghìn lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài, đây được xem là một bảng vàng thành tích không nhỏ của cơ quan quản lý lao động. Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, chỉ 10 tháng đầu năm 2015, đã có 99.415 lao động (31.772 lao động nữ) đi xuất khẩu lao động. Nhưng trong số họ không phải ai cũng gặp may, có nhiều người muốn về nước cũng không xong. Điển hình như những lao động nữ đi làm giúp việc tại Ảrập Xêút (Tiền Phong phản ánh số ra ngày 17/11/2015), có người phải bỏ trốn chủ để tìm đường về nước. Hay trường hợp 57 lao động bị chủ sử dụng Trung Quốc tại Algeria đánh đập muốn về nước cũng đầy gian nan.

Với 40 lao động trong nhóm bị đánh vẫn còn ở lại Algeria, tin từ người lao động nói rằng, do họ chưa được Cty Simco Sông Đà chuyển tiền bồi thường (1.700 USD/lao động) nên chủ Trung Quốc chưa cho về nước.

Theo ông Khánh, nếu người lao động nào muốn tiếp tục đi làm việc ở nước khác công ty sẽ hỗ trợ đưa đi miễn phí. Với 40 lao động còn lại tại Algeria, ông Khánh cho biết, sẽ còn 2 đợt nữa sẽ về ngày 20 và 25/11 tới. “Phải chia làm 3 nhóm về vì hiện công ty cũng chưa thể lo được toàn bộ số tiền đền bù ngay. Ngoài ra, thủ tục cũng không thể làm xong một lúc, nên ai xong sẽ cho về trước”, ông Khánh nói.

Chiều 17/11, ông Nguyễn Long Khánh, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Cty CP Simco Sông Đà, cho biết, toàn bộ 13 lao động vừa xuống sân bay, người của Cty Simco Sông Đà ra đón và chi hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng tiền quà và họ đã về nhà. Dự kiến, 1 tháng sau, lao động tới công ty để tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng. Theo ông Khánh, công ty đã làm việc với Cục Quản lý Lao động Ngoài nước về phương án thanh lý hợp đồng, nhưng phía Cục chưa đồng ý. “Với số tiền đền bù hợp đồng 1.700 USD/người cho công ty sử dụng lao động, giờ yêu cầu người lao động nộp cũng rất khó”, ông Khánh nói.

MỚI - NÓNG