15 năm dấu ấn điện khí hóa nông thôn

 Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên (Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc) đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Nhé. Ảnh: Ngọc Hà
Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên (Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc) đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Nhé. Ảnh: Ngọc Hà
TP - 15 năm chặng đường điện khí hóa nông thôn (1998-2013), không quá ngắn nhưng cũng chưa đủ dài cho cả một chương trình với ngồn ngộn đầu công việc bề bộn, đã làm thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam. Khoảng cách chênh lệch giá đã được xóa nhòa ở các địa phương.

Những con số biết nói

Từ một hệ thống điện cũ nát, cung cấp điện thiếu hụt cho 87% số hộ dân, tới năm 2013 trên 98% hộ dân, trong đó trên 97% hộ dân sống ở nông thôn, tương đương 15,2 triệu hộ được sử dụng điện. Hệ thống điện được khôi phục cải tạo, hiện đại hóa, giảm thất thoát điện năng và nâng cao độ an toàn. Người dân được trực tiếp mua điện từ từ EVN theo giá bán điện do Chính phủ quy định.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong 15 năm qua tổng vốn đầu tư toàn quốc cho điện khí hóa nông thôn xấp xỉ 49.500 tỷ đồng. Ngoài việc xây dựng các hệ thống cấp điện cho đất liền, ngành điện còn thực hiện hàng loạt các dự án cấp điện cho các huyện đảo bằng cáp ngầm, đường dây trên không qua biển và điện gió như Cô Tô, Phú Quốc,...

Với vai trò Tập đoàn kinh tế Nhà nước, EVN đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong việc đầu tư lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn nâng tỷ lệ số xã, hộ dân có điện lưới từ năm 1998 là 6.673/8.885 xã (đạt tỷ lệ 75,1%) và 7,111/ 11,384 triệu hộ dân nông thôn (tỷ lệ 62,5%) đến cuối năm 2013. Có 9.002/9.086 xã có điện lưới (đạt tỷ lệ 99,08%) và có 16,225/16,620 triệu hộ dân nông thôn có điện lưới (tỷ lệ 97,62%). Tăng thêm 2.329 xã có điện tương đương tăng thêm 24% và tăng thêm hơn 9 triệu hộ dân có điện tương đương tăng thêm 35,12% số hộ dân nông thôn.

15 năm dấu ấn điện khí hóa nông thôn ảnh 1

Chủ tịch HĐTV EVN Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn. Ảnh: EVN

Những kết quả về đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện, đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là thành tích nổi bật của của Việt Nam. Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, thành công của Việt Nam đã được thế giới công nhận và rất nhiều nước mong muốn được học hỏi kinh nghiệm.

Thực tế cho thấy, các dự án cung cấp điện cho khu vực nông thôn đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đảm bảo trật tự an ninh quốc phòng, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nông dân nông thôn. Dự án cũng góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán và quy mô canh tác, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế các địa phương và tăng thu nhập cho các hộ dân nông thôn.

Sự thành công của chương trình điện khí hóa nông thôn cũng là điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp từ năm 1998 - 2013 đã tăng 6,6 lần; công nghiệp chế biến tăng 3,5 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8 lần.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong bối cảnh tình hình đất nước rất khó khăn về nguồn vốn, đầu tư­ mạng l¬ưới điện nông thôn thuộc loại đầu t¬ư không có khả năng hoàn vốn, đòi hỏi chi phí đầu tư­ lớn trong khi mức sử dụng điện lại không t¬ương xứng. Doanh thu tiền điện không đủ trang trải chi phí quản lý và khấu hao tài sản. Tuy nhiên, nhìn lại giai đoạn 1996-2005, tỷ lệ số xã, các hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia tăng rất nhanh.

Đến năm 2005 cả nước đã có 540/540 huyện có điện lưới và điện tại chỗ. 529/540 huyện có điện lưới (tỷ lệ 98%). Có 8.734/9.046 xã trong cả nước có điện lưới (đạt tỷ lệ 96,55%), tăng 1.355 xã so với năm 2000. Có 12.088.002/13.335.331 hộ dân nông thôn có điện lưới (tỷ lệ 90,65%) và tăng 2.686.403 hộ dân có điện lưới, (tăng 17,25%) so với năm 2000.

Xóa khoảng cách giá điện phụ trội

Một điểm không thể không nhắc đến trong thực hiện điện khí hóa nông thôn chính là việc xóa khoảng cách giá điện phụ trội, giúp người dân tiết kiệm nhiều tỷ đồng mỗi năm. Để làm được việc này, EVN phải nỗ lực thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý bán điện nông thôn trong nhiều năm ròng.

Nếu đến cuối năm 2001, mô hình điện lực quản lý trực tiếp bán điện đến hộ dân nông thôn chiếm khoảng 25%, còn các mô hình do các tổ chức, cá nhân thuộc địa phương quản lý chiếm tỉ lệ khoảng 75%. Đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp đến 7.613/9.002 xã (tỷ lệ 84,57% số xã) có điện trên cả nước, với 13,40/16,23 triệu hộ nông thôn (tỷ lệ 82,59%) trong tổng số 20,899 triệu khách hàng sử dụng điện.

Đạt được kết quả đó thông qua cả một quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý từ hàng nghìn xã không được quản lý theo các quy định của Nhà nước, người dân mua điện với giá cao, chất lượng không ổn định, phải đóng góp tiền trong quá trình mua điện đến nay cả nước chỉ còn khoảng 1500 xã do các tổ chức ngoài EVN quản lý và sẽ tiếp tục được bàn giao cho EVN quản lý trong thời gian tới.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn Việt Nam (1998 – 2013) tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ghi nhận những nỗ lực không ngừng trong 15 năm qua của EVN khi thực hiện trách nhiệm đưa điện tới các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo, nhằm góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

“Sự nghiệp Điện khí hóa nông thôn được gắn liền với các chương trình phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm của đất nước và được cụ thể hóa bằng các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 1998 - 2007, sau một ngày nước ta có thêm một xã được cấp điện với khoảng 1.700 hộ dân nông thôn được sử dụng điện”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Trước sự tin tưởng của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo EVN cho biết, cho biết sẽ tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm” để huy động được mọi nguồn lực trong xã hội để chung tay thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn. “Địa phương sẽ chịu trách nhiệm chi phí và thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, cấp đất cho công trình đầu tư lưới điện. Các hộ dân được hưởng lợi của dự án cũng như các hộ dân trong vùng dự án đóng góp bằng việc tự nguyện giải phóng mặt bằng”, lãnh đạo EVN kiến nghị.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, những thành công đạt được từ chương trình điện khí hóa nông thôn không chỉ là những thành tích tự chúng ta “tung hô” lẫn nhau. Những kết quả về đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà EVN làm được đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là thành tích nổi bật của của Việt Nam trong lĩnh vực điện khí hóa nông thôn.

Một số dự án cung cấp điện EVN đã thực hiện trong thời gian qua:

- Dự án “Cấp điện cho các thôn bản chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên”, cấp điện cho 1.331 thôn buôn với tổng số hơn 116.000 hộ dân, đưa tỷ lệ số hộ dân có điện 5 tỉnh Tây Nguyên từ 84 – 93%.

- Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer” khu vực Tây Nam Bộ các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang cấp điện cho 91.591 hộ dân, đưa tỷ lệ có điện từ 86 – 93%.

- Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện” khu vực Tây Bắc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn Là với 52.725 hộ dân, đưa tỷ lệ hộ có điện từ 78 – 86,83%.

- Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) với tổng số vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng cho 17.600 hộ dân.

MỚI - NÓNG