15 tỷ USD sẽ được đầu tư vào các dự án ở Thanh Hóa

TP - Ngày 12/6, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 được tổ chức. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tại hội nghị có 31 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận và ký ghi nhớ, với tổng mức đầu tư tương đương 15 tỷ USD. Trong đó, 19 dự án được cấp giấy chứng nhận có tổng mức đầu tư dự kiến gần 56.800 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD (công nghiệp chế biến, chế tạo: 22.300 tỷ đồng; phát triển hạ tầng, đô thị: 25.500 tỷ đồng; du lịch: 7.340 tỷ đồng; nông nghiệp và y tế: 1.600 tỷ đồng).

15 tỷ USD sẽ được đầu tư vào các dự án ở Thanh Hóa ảnh 1 Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá 

Đây là những dự án tiêu biểu, đại diện cho các lĩnh vực đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ ký biên bản ghi nhớ 15 dự án với các nhà đầu tư đang nghiên cứu triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng mức dự kiến 285.000 tỷ đồng, tương đương 12,5 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, với phương châm “Doanh nghiệp thành công - Thanh Hóa phát triển”, Thanh Hóa cam kết luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã và đang đầu tư có hiệu quả trên địa bàn tỉnh từng bước khẳng định vị trí, thương hiệu trong nước và quốc tế. Trong đó có nhiều dự án lớn, trọng điểm, như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Long Sơn, Quần thể Khu du lịch sinh thái FLC, Khu đô thị Trung tâm thành phố Thanh Hóa...

Phó Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân: Cần thực hiện đúng các cam kết ghi nhớ, đồng thời, quan tâm, có chiến lược kinh doanh lâu dài tại Thanh Hóa. Đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng động, bảo đảm phát triển bền vững. Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh; trường hợp cần thiết, thông qua tỉnh Thanh Hóa có đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành trung ương, với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền của tỉnh…

“Yêu cầu các bộ, ngành trung ương tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân hoạt động kinh doanh, đồng thời Chính phủ sẽ nghiên cứu, có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho Thanh Hóa huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực thế mạnh của Thanh Hóa, tạo tiền đề cho tỉnh Thanh Hóa tăng tốc phát triển” , Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo.

 Tỉnh Thanh Hoá có diện tích tự nhiên 11.130 km2, đứng thứ 5 cả nước, dân số gần 3,7 triệu người đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Thanh Hoá đạt 17,15% cao nhất từ trước đến nay và là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.